Bệnh Mạch Vành

Bởi supadmin -01-12-2019
Bệnh mạch vành là gì?

1. Bệnh mạch vành là bệnh gì?

Bệnh mạch vành là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do bệnh lí tim mạch tại Việt Nam và trên trên thế giới hiện nay. Bệnh mạch vành nếu phát hiện muộn thì có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mạng. Vậy bệnh mạch vành là gì?

Như chúng ta đã biết, tim là cơ quan có nhiệm vụ rất quan trọng là bơm máu đi nuôi các cơ quan khắp cơ thể. Tuy nhiên, tim cũng cần một hệ thống mạch máu để nuôi chính nó, còn gọi là hệ mạch vành tim.

Bệnh mạch vành là  tình trạng xuất hiện khi có một hay nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hoặc tắt hoàn toàn gây cản trở dòng máu lưu thông tưới máu nuôi cơ tim khiến tim, không nhận đủ lượng máu cần thiết để duy trì hoạt động bình thường của nó.

Nguyên nhân gây hẹp mạch máu là do những mảng bám xơ vữa bám trên thành mạch mà thành phần chính là cholesterol và một số chất khác kết tụ và bám vào thành mạch máu, mảng xơ vữa có kích thước càng lớn sẽ gây hiện tượng hẹp lòng mạch càng nặng, khiến cho tim không nhận đủ lượng máu cần thiết để duy trì hoạt động bơm máu dẫn đến những cơn đau thắt ngực và tình trạng nhồi máu cơ tim. Đây còn gọi là hiện tượng thiếu máu cơ tim.

Hình hẹp động mạch vành do mảng xơ vữa gây thiếu máu cơ tim (Nguồn: Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức)

2. Ai là người dễ bị bệnh mạch vành?

Những đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh động mạch vành là những người có một trong các yếu tố sau :

- Cholesterol LDL tăng cao.

- Huyết áp cao.

- Hút thuốc lá.

- Ít vận động thể lực.

- Thường xuyên căng thẳng, stress.

- Chế độ ăn uống không lành mạnh: ăn nhiều chất béo, đồ ngọt.

- Uống nhiều rượu.

- Bệnh đái tháo đường.

- Có người thân trong gia đình bị bệnh mạch vành sớm.

Hình các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành ( Nguồn: bacsitimmach.com.vn)

Đa số người bệnh mắc bệnh mạch vành thường không biết tình trạng bệnh của mình, vì bệnh phát triển chậm và âm thầm trong nhiều năm mà không có triệu chứng gì, cho đến khi mạch máu bị hẹp nặng gây ra những triệu chứng của tình trạng thiếu máu cơ tim như: cơn đau thắt ngực, khó thở hoặc xuất hiện tình trạng nhồi máu cơ tim đột ngột đe dọa tính mạng.

Nam giới là những người có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn nữ giới, ngược lại những người nữ sau mãn kinh thì lại có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn. Những người có người thân bị bệnh mạch vành cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này đặc biệt là khi có người thân bị bệnh này dưới 55 tuổi đối với nam giới và dưới 65 tuổi đối với nữ giới.

3. Những dấu hiệu bị bệnh mạch vành:

Triệu chứng điển hình cảnh báo bệnh mạch vành là cơn đau thắt ngực, cơn đau có thể xảy ra sau một gắng sức thể lực hoặc một tình trạng sang chấn tinh thần stress hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi.

Đau thắt ngực được mô tả với nhiều biểu hiện khác nhau: cơn đau nhói theo kiểu thắt chặt, đè nặng, bóp nghẹt…Vị trí đau thường ở sau xương ức, ở chính giữa ngực, đau ngực thường lan ra vai trái, cánh tay và bàn tay trái, đôi khi còn có thể kèm theo  hơi thở ngắn và yếu, mệt, hoa mắt, chóng mặt,...Trong các cơn đau ngực có thể kèm theo sự buồn nôn, khó thở, mệt mỏi và vã mồ hôi. Ngoài ra các biểu hiện khác như tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực cũng có thể là một trong số biểu hiện của bệnh mạch vành.

Hình triệu chứng đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim (Nguồn: Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí Nhồi máu

cơ tim cấp, TS Hoàng Văn Sỹ)

4. Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh mạch vành?

Những người có tiền sử bị các bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu...,người hút thuốc lá lâu năm, béo phì, người mà trong gia đình có người trực hệ (bố mẹ, anh chị em ruột) mắc bệnh mạch vành...là những đối tượng có nguy cơ cao cần được tầm soát thường xuyên bệnh mạch vành để phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm.

Những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ ở trên nên định kỳ khám chuyên khoa tim mạch để được bác sĩ tư vấn, khám sàng lọc bệnh mạch vành.

Đặc biệt những ai có cơn đau ngực cũng nên đến khám chuyên khoa Tim mạch. Bác sĩ khi thăm khám sẽ hỏi kĩ về tình trạng đau ngực, về tiền sử bệnh tật, gia đình, khám lâm sàng, đo huyết áp, làm các xét nghiệm cần thiết như điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm máu...

Một số trường hợp bệnh nhân sẽ được làm nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ hoặc chụp MSCT động mạch vành hoặc Chụp động mạch vành chọn lọc có cản quang bằng máy chụp mạch máu số hoá xoá nền (DSA): đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh mạch vành trên thế giới hiện nay.

Hình chụp đông mạch vàngh chọn lọc có cản quang bằng hệ thống máy chụp mạch máu số hoá xoá

nền (DSA).(Nguồn: heartsence.in)

5. Phương pháp điều trị:

Điều trị bệnh mạch vành hiện nay bao gồm điều chỉnh lối sống song song với phương pháp điều trị nội khoa và điều trị can thiệp tái tưới máu mạch vành.

Điều trị nội khoa là phương pháp điều trị bằng các thuốc ngăn ngừa huyết khối, giảm mỡ máu, ổn định mảng xơ vữa, hạ huyết áp, thuốc làm giảm nhịp tim, thuốc dãn mạch vành, chống tái cấu trúc cơ tim, phòng ngừa loạn nhịp tim…

Điều trị can thiệp tái tưới máu mạch vành bao gồm:

+ Can thiệp động mạch vành qua da: Là phương pháp dùng các dụng cụ chuyên biệt để nong đoạn động mạch vành bị hẹp, làm tái lưu thông trở lại bình thường đoạn động mạch vành bị hẹp mà không phải mổ.
+ Mổ bắc cầu nối: Dùng một đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch bắc cầu từ nguồn cấp máu qua vị trí động mạch vành bị tổn thương nối với đoạn động mạch vành phía sau đoạn hẹp; như vậy máu sẽ được cung cấp cho vùng cơ tim bị thiếu máu thông qua 1 cầu nối mới.

6. Dự phòng bệnh mạch vành:

Thay đổi các thói quen hay lối sống không lành mạnh như: Bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên và thích hợp, tránh các stress, ăn giảm muối, không ăn mỡ và các phủ tạng động vật hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, tránh tăng cân.

- Điều trị tốt các bệnh lý có liên quan trực tiếp đến bệnh động mạch vành như: Đái tháo đường; tăng huyết áp; rối loạn lipid máu và béo phì.
- Tuân thủ tốt các hướng dẫn điều trị của bác sĩ về thuốc men và thăm khám định kì.

***Tài liệu tham khảo***

1. Khoa rối loạn nhịp bệnh viện Chợ Rẫy lược dịch, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng động mạch vành mạn ESC 2019.

2. Phạm Nguyễn Vinh, Điều trị bệnh động mạch vành mạn, Siêu âm tim và bệnh lí tim mạch, 2012.

3. Đặng Vạn Phước, Bệnh mạch vành mạn ổn định, Bệnh động mạch vành trong thực hành lâm sang, NXB y học 2006.

4. Hoàng Quốc Hoà, Bệnh động mạch vành chẩn đoán và điều trị, NXB y học  2015.

5. Viện tim TP Hồ Chí Minh, Bệnh mạch vành , Phác đồ điều trị 2019.

6. Phạm Mạnh Hùng và cs, Bệnh mạch vành . Lâm sàng tim mạch học 2019.

7. ACC/AHA/AATS/PCNA/SCAI/STS, Focused Update of the Guideline for the Diagnosis and Management of Patients With Stable Ischemic Heart Disease 2014.

8. ESC Clinical Practice Guidelines, Guidelines on Chronic Coronary Syndromes 2019.