CÁC MỐC KHÁM THAI QUAN TRỌNG

Bởi supadmin -17-05-2022
Mang thai và sinh con là thiên chức cao quý của một người phụ nữ vì vậy để có thể một thai kì thuận lợi, an toàn cho cả mẹ và bé thì việc ghi nhớ, tuân thủ các mốc khám thai là vô cùng quan trọng cho các mẹ bầu....

1. Ba tháng đầu (tính từ ngày đầu kinh cuối đến 13 tuần 6 ngày):

      - Khám thai tối thiểu 2 lần.

      - Khám lần đầu: khi mẹ bầu phát hiện trễ kinh 2 – 3 tuần hoặc thử que thử thai lên 2 vạch. Mẹ bầu khi đi khám sẽ được siêu âm xác định thai, tim thai, số lượng thai, tuổi thai cũng như khám thể trạng và làm các xét nghiệm tổng quát để chuẩn bị cho 1 thai kì thuận lợi.

  - Khám lần 2: khi thai từ 11 đến 13 tuần 6 ngày, mẹ bầu sẽ được tư vấn tầm soát dị tật thai nhi (đo độ mờ da gáy + Double test) do bất thường nhiễm sắc thể gây nên hội chứng Down hoặc một số hội chứng khác. Ngoài ra đối với những thai kì nguy cơ cao có thể có bất thường nhiễm sắc thể thai nhi, mẹ bầu có thể thực hiện xét nghiệm NIPT (Non - Invasive Prenatal Test). Xét nghiệm này dựa trên ADN ngoại bào của nhau thai phóng thích vào máu mẹ nhằm phát hiện các dị tật bẩm sinh phổ biến do bất thường số lượng nhiễm sắc thể có thể thực hiện khi thai nhi được trên 9 tuần tuổi.

Hình 1: Siêu âm đo độ mờ da gáy (nguồn st)

2. Ba tháng giữa (tính từ 14 tuần đến 28 tuần 6 ngày):

       - Khám thai mỗi 4 tuần 1 lần

      - Từ tuần 14 đến tuần 21: khám thai để đánh giá tình trạng sức khỏe thai nhi định kì. Trong trường hợp chưa làm xét nghiệm tầm soát dị tật thai nhi (đo độ mờ da gáy + Double test) thì mẹ bầu sẽ được tư vấn làm Triple test.

      - Từ tuần 20 đến tuần 25: các mẹ nên siêu âm hình thái học thai nhi (hoặc 3D, 4D) để đánh giá hình thể thai nhi.

      - Từ tuần 24 đến tuần 28: mẹ bầu cần tầm soát đái tháo đường mắc phải khi mang thai từ đó có kế hoạch kiểm soát tốt lượng đường trong cơ thể, bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé.

Hình 2: Siêu âm 3D/4D (nguồn st).

 3. Ba tháng cuối (tính từ 29 tuần đến 40 tuần):

      - Những lần khám thai cuối cùng này, bác sĩ sẽ đánh giá sức khỏe thai nhi, ngôi thai, ước lượng cân thai, khung chậu cũng như tiên lượng sanh con cho các mẹ bầu.

      - Trong giai đoạn này, các mẹ nên lưu ý các dấu sanh: ra huyết âm đạo, ra nước ối, đau bụng từng cơn và đếm cử động thai mỗi ngày để tự theo dõi sức khỏe bé.

Mong rằng những thông tin trên có thể giúp các mẹ bầu có một thai kì an toàn, khỏe mạnh và khi sinh nở được mẹ tròn con vuông.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Phác đồ khám thai Bệnh viện Hùng Vương 2021.

- Phác đồ khám thai Bệnh viện Từ Dũ 2020.

- Preconception and Anterpartum Care. ACOG, 8th Edition.

BS CKI Trần Quế Lâm - Khoa Sản

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức