Một Chặng Đường Tim Mạch Học Can Thiệp : Nhìn Lại Quá Khứ, Thấu Hiểu Hiện Tại Và Hướng Đến Tương Lai !

Bởi supadmin -18-04-2020

- Vài thập kỷ qua, việc thực hiện các thủ thuật xâm lấn tối thiểu trong hoạt động chẩn đoán và điều trị các bệnh lí trong y học ngày càng gia tăng và phát triển không ngừng. Ngành tim mạch học cũng không nằm ngoài xu hướng này, mà cụ thể là chuyên ngành tim mạch học can thiệp. Mặc dù, tim mạch học can thiệp là một khái niệm còn tương đối mới, nhưng lĩnh vực này đã có những bước tiến ngoạn mục, kể từ khi được giới thiệu lần đầu tiên cho đến hiện nay, tim mạch học can thiệp đã trở thành một chuyên khoa lớn của y học hiện đại.

( Bác sĩ STEPHEN HALES thực hiện đo huyết áp trên ngựa )

- Các kĩ thuật can thiệp tim mạch trong thời gian đầu chủ yếu là được dùng để chẩn đoán, trước khi phát triển thành một kĩ thuật điều trị phổ biến như bây giờ. Trong đó mục đích đầu tiên của kĩ thuật can thiệp tim mạch chỉ nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu về giải phẫu và chức năng của quả tim .

Bác sĩ FORSSMANN,người đầu tiên thực hiện thông tim trên người bằng cách thực hiện trên chính bản thân ông

( Hình ảnh thông tim của chính bs FORSSMAMN )

- Vào năm 1727, Stephen Hales, người đầu tiên tiến hành đo huyết áp, thể tích nhát tống máu và cung lượng tim trên ngựa. Tuy nhiên, thuật ngữ thông tim chỉ thực sự được đề cập đến lần đầu tiên vào năm 1844, bởi nhà vật lí học người Pháp - Claude Bernard, khi ông tiếp cận được tâm thất trái và tâm thất phải qua ngã tĩnh mạch cảnh và động mạch cảnh để tiến hành đo cung lượng tim, cũng chính Bernard, là người phát hiện ra dòng máu ở tâm thất phải có nhiệt độ cao hơn dòng máu ở tâm thất trái, chính điều này đã bác bỏ một giả thuyết rất lớn trong y học trước đó, khi cho rằng phổi chính là nơi tạo ra nhiệt độ cho toàn bộ cơ thể.

- Theo Bernard, “thông tim “ chính là chiếc chìa khoá để mở cánh cửa phát triển của chuyên ngành tim mạch với rất nhiều kĩ thuật hiện đại sau này như kĩ thuật đặt máy tạo nhịp, kĩ thuật nong van tim bằng bóng, kĩ thuật bít dù ống động mạch…Tóm lại, thông tim là thủ thuật dùng một ống thông để đi vào các buồng tim, bằng cách đi qua các mạch máu lớn ở ngoại vi, mà thường là động hoặc tĩnh mạch đùi.

- Khoảng 50 năm sau đó, vào giữa giai đoạn 1890 – 1900, Wilhelm Rontgen – một nhà khoa học người Đức, đã khám phá ra tia X, đây là một phát hiện được ca ngợi như là “một phép màu trong y khoa” và là một sự thay đổi mang tính cách mạng trong lĩnh vực thực hành tim mạch học can thiệp.

- Kỹ thuật thông tim trên người đầu tiên được thực hiện bởi bác sĩ Werner Forssman vào năm 1929, ông là người đã tự thực hiện thông tim cho chính bản thân mình. Dù sau đó gặp nhiều thăng trầm trong sự nghiệp, nhưng cuối cùng Bs Werner Forssman, cùng với Bs Andre Cournand và Bs Dickinson Richards đã nhận được giải Nobel y học danh giá vào năm 1956.

- Mặc dù có nhiều nghiên cứu và cải tiến trong các kĩ thuật thăm dò tim mạch sau đó, nhưng phải cho đến khi kĩ thuật chụp mạch vành chọn lọc được thực hiện lần đầu tiên bởi bác sĩ Mason Sones vào năm 1958, thì tim mạch can thiệp mới thực sự chính thức được sử dụng để chẩn đoán bệnh mạch vành, và đó cũng chính là nền tảng để dẫn đến một chương mới trong chẩn đoán bệnh tim mạch ngày nay. Một điều thú vị là, việc phát hiện ra hình ảnh chụp mạch vành lại không phải là chủ đích đầu tiên của bác sĩ Sones, mà đó hoàn toàn chỉ là một ghi nhận tình cờ khi thuốc cản quang vô tình nhuộm vào động mạch vành, trong lúc ông đang thực hiện kĩ thuật chụp gốc động mạch chủ, để khảo sát giải phẫu và bệnh lí của động mạch này.

- Kết hợp từ nhận xét của bác sĩ Sones, kĩ thuật chọc động mạch của bác sĩ Sven- Ivar Seldinger năm 1953 và sự ra đời của ống thông chụp mạch vành do bác sĩ Melvin Judkin phát triển vào đầu thập niên 1960, làm cho kĩ thuật chụp mạch vành ngày một hoàn thiện và trở nên đơn giản, trở thành một công cụ thực sự hiệu quả, là tiêu chuẩn “vàng” trong chẩn đoán bệnh mạch vành hiện nay.

- Bước ngoặc lớn nhất trong lịch sử phát triển của tim mạch can thiệp phải nhắc đến, đó là sự kiện nong mạch vành bằng bóng qua da lần đầu tiên trên người tại Zurich năm 1977, được thực hiện thành công bởi bác sĩ Andreas Gruntzig, bệnh nhân được điều trị nong bóng của Bs Andreas Grüntzig sau đó vẫn tiếp tục sống khoẻ mạnh và không bị tái hẹp lại sau 37 năm theo dõi. Đây chính là một tiền đề cực kì quan trọng cho các kĩ thuật can thiệp nong và đặt stent mạch vành sau này. Hai tác giả Andreas Grüntzig và Dotter sau đó vào năm 1978, đã nhận được giải Noble Y học cho thành tựu là phương pháp nong bóng tạo hình mạch máu để điều trị bệnh lí xơ vữa mạch máu.

(Bác sĩ Andres Gruntzig, người tiến hành can thiệp nong bóng mạch vành đầu tiên trên thế giới vào năm 1977)

- Tiếp nối sự thành công của Andreas Gruntzig, lần lượt là Bs Julio Palmar năm 1978, Bs Sigwart và Bs Paul năm 1986, đã giới thiệu một khung kim loại tự mở (giá đỡ, stent) đưa vào chỗ mạch máu bị hẹp sau khi đã nong bóng,giúp duy trì việc làm nở rộng lòng mạch, giúp cho mạch máu không bị co lại sau nong bóng. Năm 1987, lần đầu tiên một khung giá đỡ kim loại được mở bằng bóng(stent) của Schatz và cộng sự, chính thức được cơ quan An toàn thuốc và Thực phẩm Hoa kì chấp thuận, cho phép dùng đại trà trên người bệnh trong thủ thuật điều trị bệnh lí hẹp mạch vành, và sau đó đến năm 1999, giá đỡ phủ thuốc(DES) đầu tiên được sử dụng bởi Eduardo Sousa, đã mở ra một kỉ nguyên mới trong can thiệp bệnh lí mạch vành, và trở thành phương pháp kinh điển như hiện nay. Sau rất nhiều nghiên cứu và cải tiến, các thế hệ giá đỡ hiện nay có rất nhiều ưu điểm trong thiết kế và các loại thuốc phủ bề mặt, chính những điều này đã giúp cho phương pháp can thiệp mạch vành trở nên hiệu quả và hợp lí cho hầu hết đa số bệnh nhân mắc bệnh lí này.

( Các Loại Stent Đầu Tiên Được Đặt Trên Người )

- Tim mạch can thiệp là một chuyên ngành non trẻ trong dòng chảy của y học hiện đại, lịch sử ra đời và phát triển chỉ gói gọn trong vòng hai thế kỉ. Điểm xuất phát đầu tiên của kĩ thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu chỉ với mục đích là chẩn đoán bệnh, nhưng qua một quá trình phát triển ngoạn mục trong vài thập kỉ qua, thì hiện nay hầu hết các kĩ thuật can thiệp chủ yếu được dùng với mục đích điều trị bệnh. Sự tiến bộ vượt bậc của tim mạch can thiệp diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, từ Tây sang Đông, từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, tổng số ca thực hiện phương pháp nong mạch vành chạm ngưỡng hai triệu ca, đây là một lĩnh vực đi đầu trong chăm sóc sức khoẻ, tăng tỉ lệ sống còn cho bệnh nhân và điều trị các bệnh lí tim mạch hiểm nghèo thông qua các bằng chứng lâm sàng mới được cập nhật liên tục. Tốc độ phát triển trong lĩnh vực tim mạch can thiệp đã được nhìn nhận gần như là một “hiện tượng”, và chắc chắn sẽ có nhiều đột phá hơn nữa trong tương lai không xa.

*****

Tài liệu tham khảo

1. HISTORY OF INTERVENTIONAL CARDIOLOGY: Link

2. Spencer B. King III and Alan C. Yeung. 846 pp., illustrated. New York, McGraw-Hill, 2007. Interventional cardiology: Link

3. Fourthman - History-of-Interventional-Cardiology 2019 4th prize. A Brief History of Interventional Cardiology: Link

BS CKI.Trần Nhân Nghĩa

Khoa Nội Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức