NHỮNG BỆNH LÝ THẦN KINH HẬU COVID

Bởi supadmin -25-05-2022
Một nghiên cứu quy mô quốc tế lớn nhất từ trước tới nay về người mắc COVID-19 đã phát hiện ra một loạt triệu chứng của người mắc COVID-19 kéo dài, từ sương mù não (một dạng rối loạn nhận thức), ảo giác cho tới rùng mình và ù tai. Các triệu chứng này xuất hiện ở 10 hệ thống cơ quan của cơ thể. Một phần ba số triệu chứng tiếp tục ảnh hưởng tới bệnh nhân ít nhất 6 tháng...

   

   Nghiên cứu được đăng trên tạp chí của Lancet, khảo sát 3.762 người mắc COVID-19 kéo dài ở 56 quốc gia. Nghiên cứu xác định ra 203 triệu chứng, trong đó 66 triệu chứng được theo dõi trong 7 tháng.

   Triệu chứng thường gặp nhất là mệt, tình trạng khó chịu sau gắng sức (sức khỏe giảm sút sau khi bị ốm về thể chất, tinh thần) và sương mù não. Các triệu chứng khác gồm ảo giác, rùng mình, ngứa da, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, suy giảm chức năng tình dục, tim đập nhanh, vấn đề kiểm soát bàng quang, zona, mất trí nhớ, thị lực mờ, tiêu chảy và ù tai.

    Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy chuỗi các triệu chứng theo thời gian. Athena Akrami, nhà khoa học thần kinh tại Đại học London và là tác giả chính trong nghiên cứu, cho biết: Sau sáu tháng, phần lớn các triệu chứng còn lại mang tính hệ thống, như điều tiết thân nhiệt, mệt, khó chịu sau gắng sức và triệu chứng thần kinh ảnh hưởng tới não, cột sống, dây thần kinh.

   Khoảng 22% người tham gia nghiên cứu cho biết họ không làm việc được do mắc bệnh. Họ bị sa thải, nghỉ ốm kéo dài hoặc bỏ việc. 45% cho biết họ phải giảm lịch làm việc.

   Nghiên cứu khác cho thấy các biến chứng liên quan COVID-19 có thể gây gánh nặng cho hệ thống xã hội và y tế trong những năm tới. Một nửa người nhập viện vì COVID-19 có ít nhất thêm một biến chứng khi nằm viện, còn 1/4 bệnh nhân không thể tự chăm sóc khi xuất viện. Những người gặp biến chứng thần kinh còn khó khăn hơn.

   Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu sơ bộ trên hơn 236.000 bệnh nhân trong vòng 6 tháng sau khi khởi phát Covid-19 cho thấy tỉ lệ gặp biểu hiện thần kinh tâm thần hậu Covid-19 lên tới 33%. Tỉ lệ này còn cao hơn ở bệnh nhân phải nằm hồi sức, với 42% -46%.

   Các vấn đề tâm thần thường gặp nhất trong nhóm này là rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Nữ giới, người có tiền sử rối loạn tâm thần, phải sử dụng corticoid khi điều trị Covid-19 có nguy cơ gặp các vấn đề này cao hơn.

   Ngoài ra, phân tích 12 nghiên cứu khác trên tổng cộng 1.000 bệnh nhân cũng cho thấy 15%-80% gặp các vấn đề về nhận thức như giảm khả năng chú ý - tâp trung, trí nhớ, chức năng điều hành. 

   Đây là tỉ lệ gặp ở bệnh nhân người lớn. Trẻ em mắc Covid-19 có nguy cơ thấp hơn, chỉ 4%, trong đó thường gặp nhất là mệt mỏi (3%) và kém tập trung (2%).

   Tầm quan trọng của việc đánh giá nguy cơ và can thiệp sớm cho nhóm bệnh nhân gặp vấn đề tinh thần hậu Covid-19 này. Các bệnh nhân nhẹ có thể tự kiểm soát với sự hỗ trợ chuyên môn, nếu trị liệu tâm lý đơn thuần không hiệu quả có thể được chỉ định dùng thuốc.

   Cơ chế của tình trạng rối loạn thần kinh tâm thần hậu Covid-19 vẫn chưa rõ. Một số nghiên cứu cho rằng do virus tồn tại trong máu kéo dài, phản ứng viêm và miễn dịch, sang chấn tâm lý khi mắc bệnh.

    Một số hoạt động gợi ý có lợi cho người gặp vấn đề tâm lý - tâm thần hậu Covid-19: Tập thể dục, yoga; tham gia các hoạt động sáng tạo; đọc, viết và vẽ; ăn đúng, ngủ đủ; duy trì thời gian biểu như bình thường; tăng cường kết nối bằng cách gọi điện, thông qua mạng xã hội...

   Cục máu đông - thủ phạm gây đột quỵ hậu Covid

   Theo một nghiên cứu trên gần 48.000 bệnh nhân từ 17 đến 87 tuổi, được đăng tải trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ (National Library of Medicine) tháng 8/2021 cho thấy có 55 triệu chứng tồn tại lâu dài sau khi khỏi Covid-19.

   Trong đó, 25% bệnh nhân xuất hiện tổn thương tim kéo dài, 20-60% bệnh nhân gặp bất thường về tim ở thời điểm hai tháng sau khi nhiễm covid-19. thậm chí, một số người bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim trong vòng vài tuần hoặc vài tháng sau khi khỏi covid-19 do di chứng cục máu đông, dù trước đó họ không bị bệnh tim mạn tính hay có các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như đái tháo đường, thừa cân béo phì, tăng huyết áp...

   Mới đây, tại mỹ, các bác sĩ buộc phải cắt cụt chân phải của một ngôi sao sân khấu broadway vì chứng đông máu nghiêm trọng hậu covid-19. nếu không kịp thời đoạn chi, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với một loạt biến chứng nguy hiểm do cục máu đông, chẳng hạn như Nhồi máu cơ tim và đột quỵ. "Hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức là nguyên nhân góp phần làm tổn thương mạch máu, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở một số bệnh nhân thời kỳ hậu covid".

Cục máu đông làm tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ mạch máu, gây ra cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, đột quỵ, nhồi máu cơ tim... Ảnh: Shutterstock

   Nghiên cứu được công bố trên elife cho thấy, một số lượng lớn bệnh nhân hậu covid gặp phải di chứng hình thành cục máu đông. khi tiến hành xét nghiệm máu của những người đã khỏi bệnh trong vòng một tháng, các chuyên gia phát hiện họ có số lượng tế bào mạch máu bị tổn thương (được gọi là tế bào nội mô tuần hoàn) trôi nổi trong máu nhiều gấp đôi người khỏe mạnh. nhiều tế bào mạch máu bị hư hại cũng được tìm thấy ở những F0 khỏi bệnh mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.

   Hậu quả, khi cục máu đông gây tắc nghẽn các mạch máu trong não sẽ gây đột quỵ. trường hợp cục máu đông chỉ tạm thời làm giảm lưu lượng máu đến não và ngăn chặn nguồn cung cấp máu đến một phần của não, bệnh nhân sẽ gặp phải cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (đột quỵ nhẹ).

   Do đó, nếu xác định trong cơ thể có cục máu đông sau khi khỏi covid-19, người bệnh thường được điều trị bằng thuốc làm giảm đông máu trong cơ thể. loại thuốc này giúp ngăn ngừa cục máu đông hiện có phát triển lớn hơn, đồng thời ngăn không cho cục máu đông mới hình thành.

   Mặc dù nguy cơ hình thành cục máu đông hậu covid-19 ở các bệnh nhân có bệnh nền tim mạch cao hơn, nhưng những người khỏe mạnh cũng có khả năng gặp phải nguy cơ này. vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe sau khi khỏi covid-19 đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa đột quỵ do cục máu đông gây ra.

   Để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông khuyến cáo F0 khỏi bệnh cần tuân thủ lối sống lành mạnh. bao gồm: Giảm cân, bỏ hút thuốc lá vì khói thuốc có thể làm hỏng lớp niêm mạc của mạch máu.

   Ngoài ra, mỗi người cần duy trì tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nếu đặc thù công việc khiến bạn phải ngồi trong thời gian dài, hãy cố gắng đứng dậy và đi lại trong phòng sau mỗi 1-2 giờ làm việc. Các bài tập tại chỗ vào giờ giải lao cũng rất có ích trong việc tăng cường lưu thông máu.

    Đặc biệt, khi có cơn đau thắt ngực, khó thở, hụt hơi... hay bất kỳ triệu chứng bất thường nào xuất hiện thời kỳ hậu covid-19, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp can thiệp phù hợp, ngăn ngừa đột quỵ cũng như những biến chứng hậu covid nguy hiểm khác.

   Một số hình ảnh trong buổi sinh hoạt:

BS CKII Nguyễn Thanh Tùng -  Trưởng Khoa Nội Thần Kinh

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức