SUY TIM VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Bởi supadmin -18-11-2024

 1. Gánh nặng bệnh tim mạch và suy tim 

      Theo WHO năm 2016, bệnh tim mạch vẫn còn là nguyên nhân mắc bệnh và tử vong hàng đầu. Hằng năm có khoảng 17,9 triệu người chết do bệnh tim mạch, chiếm 31% tổng số tử vong, trong đó 85% chết do nguyên nhân bệnh động mạch vành hoặc đột quỵ não. Trong số 17 triệu ca tử vong sớm (dưới 70 tuổi) do các bệnh không lây nhiễm vào năm 2019, 38% là do bệnh tim mạch, 75% số tử vong do tim mạch xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. 

      Tần suất suy tim khoảng 2-3% dân số người lớn nói chung tại các quốc gia phát triển. Tỷ lệ mắc tăng dần theo tuổi, đến 10-20% ở nhóm trên 70 tuổi. Chưa có số liệu thống kê tại Việt Nam. Tiên lượng chung vẫn rất nặng nề với tỷ lệ tử vong trong 5 năm lên đến 50%, tỷ lệ tái nhập viện hàng năm lên đến 50% và tạo gánh nặng về chi phí cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của mỗi quốc gia. 

Suy tim là hậu quả cuối cùng của các bệnh lí tim mạch

2. Khái niệm về suy tim

      Suy tim là một hội chứng lâm sàng gây ra do biến đổi cấu trúc và/hoặc chức năng của tim do nhiều nguyên nhân khác nhau với hậu quả là sự gia tăng áp lực trong các buồng tim và/hoặc giảm cung lượng tim khi gắng sức hay khi nghỉ. Biểu hiện trên lâm sàng với khó thở, phù, mệt mỏi, tăng cân không liên quan đến ăn uống, nhịp tim nhanh, khó thở cần phải ngồi hoặc nằm đầu cao cho dễ thở.

Phân loại suy tim

      Dựa trên phân suất co bóp tống máu của tâm thất trái, suy tim được chia thành 3 nhóm:

  • Suy tim với phân suất tổng máu giảm (EF ≤ 40%)
  • Suy tim với phân suất tổng máu bảo tồn (EF ≥ 50%)
  • Suy tim với phân suất tống máu giảm nhẹ (EF từ 41% đến 49%)

Dựa vào tốc độ tiến triển của các triệu chứng, suy tim được chia thành:

- Suy tim cấp: là tình trạng các triệu chứng khó thở, phù phổi xảy ra một cách đột ngột, thường liên quan đến các biến cố tim mạch cấp tính như nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp không kiểm soát hoặc tổn thương van tim cấp (biến chứng của nhồi máu cơ tim hoặc viêm nội tâm mạc nhiễm trùng). Cần nhập viện điều trị ngay. 

- Suy tim mạn: là tình trạng suy tim tiến triển dần theo thời gian, bệnh nhân có thể trải qua các giai đoạn ổn định hoặc các đợt suy tim cấp bùng phát tái đi tái lại. 

Phân giai đoạn của suy tim: sự phân chia suy tim từ lúc chỉ có các yếu tố nguy cơ, chưa có tổn thương tim cho đến khi cấu trúc tim bị tổn thương với sự xuất hiện các triệu chứng và/hoặc dấu hiệu suy tim trên lâm sàng. Cụ thể: 

- Giai đoạn 'nguy cơ suy tim' (giai đoạn A): có nguy cơ mắc suy tim nhưng chưa có tổn thương cấu trúc tim, chưa có triệu chứng cơ năng suy tim. 

Các yếu tố nguy cơ của suy tim: tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, đái tháo đường, béo phì, tiếp xúc với các thuốc có độc tính cho tim (thuốc chống ung thư...), bất thường gen hoặc gia đình có bệnh cơ tim.

- Giai đoạn 'tiền suy tim' (giai đoạn B): đã có tổn thương cấu trúc tim nhưng chưa có các biểu hiện/triệu chứng của suy tim. 

- Giai đoạn 'suy tim có triệu chứng' (giai đoạn C): có tổn thương cấu trúc tim kèm tiền sử hoặc hiện tại có các triệu chứng suy tim.

- Giai đoạn 'suy tim nặng kháng trị' (giai doạn D): các triệu chứng suy tim tiến triển đáng kể gây cản trở các sinh hoạt hàng ngày, nhập viện tái đi tái lại dù đã điều trị tối ưu.