Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi. Hiện tại, số có mắc tay chân miệng đang có xu hướng tăng. Vậy làm sao để nhận biết và phòng tránh hiệu quả?
Bệnh lây lan như thế nào?
- Vi rút có trong phân và dịch tiết hô hấp của người mắc bệnh sẽ phát tán ra môi trường và lây qua đường tiêu hóa .
- Khi trẻ chạm tay vào vật dụng hoặc bề mặt nhiễm dịch tiết chứa vi rút.
- Khi người bệnh ho, hắt hơi, các dịch tiết chứa vi rút phát tán và lây sang người khác.
Dấu hiệu cho thấy con bạn mắc tay chân miệng?
- Trẻ sốt.
- Nổi hồng ban, mụn nước ở tay, chân, mông, khuỷu tay, gối.
- Loét miệng hoặc xuất hiện mụn nước nhỏ trong miệng, gây đau, khó ăn uống.
- Trẻ có thể chảy nước bọt nhiều do đau miệng.
Một số hình ảnh hồng ban, mụn nước, loét miệng do bệnh tay chân miệng ở trẻ em:
Hình 1: Nhiều vết loét nhỏ trên lưỡi
Hình 2: Những vết loét nhỏ trong miệng
Hình 3: Bóng nước của bệnh tay chân miệng
Hình 4: Một số dạng tổn thương da của bệnh tay chân miệng
Khi phát hiện các dấu hiệu trên, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và theo dõi. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ bệnh và hướng dẫn cách điều trị cụ thể.
Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng như thế nào?
- Khi trẻ mắc tay chân miệng nhẹ ( độ 1) có thể điều trị tại nhà và tái khám.
- Cho trẻ uống đủ nước và nghỉ ngơi tránh kích thích.
- Cho ăn thức ăn mềm, dễ nuốt như cháo, súp. Trẻ còn bú mẹ cần tiếp tục cho bú.
- Vệ sinh răng miệng, thân thể. Phòng tránh lây bệnh cho thành viên khác và cộng đồng,
- Uống thuốc theo toa và tái khám
Dấu hiệu nào cho thấy trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng?
- Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm như: viêm não - màng não, suy tuần hoàn - hô hấp… Vì vậy, cần theo dõi trẻ để phát hiện sớm các biến chứng.
Nếu bé có một trong các dấu hiệu nặng dưới đây, cần đưa bé đến tái khám tại bệnh viện ngay:
- Sốt cao khó hạ, trên 39 độ C, sốt trên 2 ngày
- Nôn ói nhiều.
- Giật mình chới với tay chân. (Tham khảo video đính kèm)
- Run tay chân, ngồi không vững, đi loạng choạng.
- Thở nhanh, thở khò khè, thở rít, cơn ngưng thở, tím tái.
- Yếu liệt tay chân hoặc nuốt sặc.
- Trẻ lừ đừ, co giật, hôn mê.
Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng?
- Rửa tay bằng xà phòng cho trẻ và người chăm sóc trẻ, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn, chơi đùa…
- Khử trùng đồ chơi và các vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc bằng xà phòng, javel.
- Khử trùng sàn nhà bằng dung dịch sát trùng cloramin B, Javel.
- Tránh tiếp xúc trẻ đang mắc bệnh.
- Nếu tại nơi có trẻ mắc tay chân miệng thì cần cách ly con bạn trong 10 ngày kể từ khi khởi phát.
- Vaccine phòng bệnh tay chân miệng đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm nên chưa được thịnh hành.
Kết luận
Bệnh tay chân miệng là một bệnh thường gặp và có thể gây thành dịch. Phần lớn trẻ sẽ hồi phục tốt mà không có biến chứng nghiêm trọng.
Khi trẻ mắc bệnh cần được theo dõi sát để phát hiện sớm các biến chứng của bệnh và điều trị kịp thời.
Hãy luôn thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Bs. Phùng Quang Vinh - Khoa Nhi
Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức