RÁM MÁ: NGUYÊN NHÂN, PHÂN LOẠI VÀ KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ

Bởi supadmin -01-04-2025

 I. TỔNG QUAN VỀ RÁM MÁ

      Rám má (Melasma) là một rối loạn sắc tố da phổ biến, đặc trưng bởi sự tăng sinh melanin bất thường, gây ra các mảng sạm trên vùng da phơi sáng, chủ yếu là mặt.

      Bệnh thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới, với tỷ lệ nữ:nam khoảng 9:1.

      Rám má không ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân nhưng gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Hình ảnh bệnh nhân rám má

 

II. NGUYÊN NHÂN GÂY RÁM MÁ

1. Tác động của ánh nắng mặt trời

 • Tia UV kích thích sản sinh melanin quá mức, làm xuất hiện các mảng da sạm màu.

 • Phơi nắng thường xuyên mà không bảo vệ da có thể làm tình trạng rám má trở nên trầm trọng hơn.

2. Rối loạn nội tiết tố

 • Phụ nữ mang thai, sau sinh hoặc trong thời kỳ mãn kinh thường có sự thay đổi nội tiết tố mạnh mẽ, làm tăng nguy cơ rám má.

 • Sử dụng thuốc tránh thai kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến sắc tố da.

3. Yếu tố di truyền

 • Nếu trong gia đình có người bị rám má, nguy cơ mắc phải của bạn cũng cao hơn.

4. Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp

 • Một số loại mỹ phẩm chứa corticoid hoặc thành phần kích ứng có thể gây tăng sắc tố da.

5. Ảnh hưởng của môi trường và lối sống

 • Ô nhiễm, khói bụi có thể làm tổn thương da, khiến da dễ bị tăng sắc tố.

 • Căng thẳng, thiếu ngủ, chế độ ăn uống không lành mạnh cũng có thể góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng rám má.

III. CƠ CHẾ BỆNH SINH

Rám má liên quan đến sự tăng hoạt động của tế bào sắc tố melanocyte dưới tác động của các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng:

 • Sự kích hoạt quá mức của melanocyte dẫn đến tăng sản xuất melanin.

 • Tế bào sừng (keratinocyte) và nguyên bào sợi (fibroblast) trong da cũng đóng vai trò trong cơ chế viêm và tăng sắc tố.

 • Các yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) và protein tiền viêm (TNF-α, IL-6) có thể kích thích melanin hình thành mạnh hơn.

IV.  CÁC DẠNG RÁM MÁ THƯỜNG GẶP

1. Rám má thượng bì: Sắc tố tập trung ở lớp thượng bì, thường dễ điều trị hơn.  

 2. Rám má trung bì: Sắc tố nằm sâu hơn trong lớp bì, khó điều trị hơn.

 3. Rám má hỗn hợp: Kết hợp cả hai loại trên, là dạng phổ biến và khó kiểm soát nhất.

V. GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT VÀ ĐIỀU TRỊ RÁM MÁ HIỆU QUẢ

1. Chăm sóc da đúng cách

Làm sạch da

 • Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa xà phòng hoặc chất tẩy mạnh.

 • Tẩy tế bào chết nhẹ nhàng 1-2 lần/tuần giúp loại bỏ lớp da sừng, hỗ trợ tái tạo da.

Dưỡng ẩm và phục hồi da

• Chọn sản phẩm dưỡng ẩm chứa thành phần làm sáng da như Niacinamide, Vitamin C, Arbutin.

 • Sử dụng kem chống nắng phổ rộng (SPF 30 trở lên) hàng ngày, ngay cả khi trời râm mát. Thoa lại mỗi 3 giờ/lần khi tiếp xúc với ánh nắng. 

Các bước chăm sóc da hằng ngày 

2. Phương pháp điều trị chuyên sâu

Điều trị bằng thuốc thoa

• Retinoids (Tretinoin, Adapalene): Thúc đẩy tái tạo da, hỗ trợ giảm sắc tố khi kết hợp với Hydroquinone.

 • Acid Kojic, Azelaic Acid, Tranexamic Acid: Ức chế melanin mà ít gây kích ứng hơn Hydroquinone.

• Hydroquinone 2-4%: Có hiệu quả cao trong điều trị rám má, ức chế enzyme tyrosinase. Tuy nhiên, cần theo dõi tác dụng phụ như kích ứng, mất sắc tố vĩnh viễn (ochronosis). Hiện nay đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam. 

 • Corticosteroids nồng độ thấp: Giảm viêm, tăng hiệu quả của Hydroquinone nhưng cần thận trọng khi sử dụng kéo dài.

Công thức bộ ba Kligman (Hydroquinone + Retinoid + Corticoid) được chứng minh có hiệu quả cao, nhưng cần được kê toa và theo dõi bởi bác sĩ da liễu.

Điều trị bằng đường uống

 • Tranexamic Acid (250-500mg/ngày): Được chứng minh giúp giảm rám má bằng cách ức chế plasmin, giảm viêm và sản xuất melanin.

 • Vitamin C, E, Glutathione: Có vai trò chống oxy hóa, hỗ trợ cải thiện sắc tố.

 • Polypodium leucotomos extract: Chống oxy hóa, bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.

Liệu pháp xâm lấn nhẹ nhàng

 • Lăn kim (Microneedling): Kích thích sản sinh collagen, giúp da tái tạo và mờ nám.

 • Peel da hóa học: Sử dụng acid nhẹ để loại bỏ lớp da cũ, giúp da sáng hơn.

 

Phương pháp lăn kim điều trị rám má

Điều trị bằng công nghệ cao

 • Laser Picosure, Q-switched Nd:YAG: Tác động sâu vào sắc tố để phá vỡ melanin mà không làm tổn thương da.

 • IPL (Ánh sáng xung cường độ cao): Giúp làm sáng da và cải thiện sắc tố nhẹ nhàng hơn laser.

3. Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt

Bổ sung thực phẩm giúp da sáng khỏe

 • Vitamin C (cam, chanh, ổi) giúp chống oxy hóa, giảm sắc tố.

 • Vitamin E (hạnh nhân, dầu oliu) giúp bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng.

 • Uống đủ nước để duy trì độ ẩm và giúp da đào thải độc tố tốt hơn.

Các thực phẩm tốt cho da rám má

Hạn chế thực phẩm gây tăng sắc tố

 • Đồ ăn nhiều đường và dầu mỡ có thể làm tăng tình trạng viêm da, kích thích melanin hoạt động mạnh hơn.

 • Hạn chế bia rượu, thuốc lá vì chúng làm da xỉn màu, dễ bị tổn thương.

Duy trì lối sống lành mạnh

 • Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm để da có thời gian phục hồi.

 • Tập thể dục giúp tăng tuần hoàn máu, mang oxy đến da tốt hơn.

 • Giảm stress bằng yoga, thiền hoặc các hoạt động thư giãn khác.

V. KẾT LUẬN

Rám má là tình trạng tăng sắc tố dai dẳng nhưng có thể kiểm soát hiệu quả nếu điều trị đúng cách. Việc tự điều trị tại nhà có thể không mang lại kết quả như mong muốn, thậm chí khiến nám nặng hơn. Vì vậy, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa Da liễu thăm khám và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

Tại bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, quy trình điều trị rám má được thực hiện bài bản theo các bước sau: 

  • Khám chuyên khoa Da liễu: Bác sĩ xác định loại rám má và các yếu tố liên quan.
  • Lập phác đồ điều trị cá nhân hóa: Kết hợp thuốc bôi, thuốc uống và liệu pháp công nghệ cao nếu cần. 
  • Điều trị tại bệnh viện: Peel da hóa học, lăn kim kết hợp dưỡng chất điều trị, ứng dụng công nghệ laser và ánh sáng (IPL, Laser CO2...)
  • Theo dõi và tái khám định kỳ: Đánh giá hiệu quả điều trị, điều chỉnh phương pháp nếu cần.

V. LỜI KHUYÊN CHO NGƯỜI BỊ RÁM MÁ

  • Kiên trì điều trị theo đúng phác đồ: Rám má không thể biến mất ngay lập tức, cần duy trì thói quen chăm sóc da và theo dõi lâu dài.
  • Luôn chống nắng: Đây là bước quan trọng để ngăn ngừa rám má tái phát. 
  • Không tự ý dùng sản phẩm trị nám không rõ nguồn gốc: Các sản phẩm chứa corticoid có thể làm sáng da nhanh nhưng gây tác hại lâu dài. 
  • Tái khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được theo dõi và duy trì kết quả điều trị. 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y Tế (2018). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh da liễu. NXB Y Học.

2. Nguyễn Văn Đoàn (2010). Bệnh Da Liễu. NXB Y Học.

3. Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TP.HCM (2015). Giáo trình Da liễu học. NXB Đại học Quốc gia TP.HCM.

4. Trần Hậu Khang (2019). Bệnh lý Da liễu và các phương pháp điều trị hiện đại. NXB Y Học.

5. Kang HY, Ortonne JP (2010). Melasma update. J Eur Acad Dermatol Venereol.

6. Handel AC, Miot LD, Miot HA (2014). Melasma: a clinical and epidemiological review. Bras Dermatol

BS.CKI Châu Thị Kim Trang - Khoa Khám Bệnh  

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức