1. Dấu hiệu nhận biết hóc dị vật đường thở:
Dấu hiệu chính của dị vật đường thở thường xảy ra đột ngột ở người hoàn toàn khỏe mạnh. Người bị nạn thường nắm chặt cổ họng - đây là "dấu hiệu phổ biến". Khi nghi ngờ, hãy hỏi trực tiếp: "Bạn đang bị sặc phải không?" hoặc "Bạn nói được không?". Người bị tắc nghẽn đường thở sẽ không thể trả lời mà chỉ có thể ra dấu.
Các dấu hiệu quan trọng cần nhận biết:
- Hai tay ôm cổ hoặc chỉ vào miệng
- Không thể nói, ho hoặc thở bình thường
- Biểu hiện hoảng loạn, trợn mắt
- Xuất hiện hội chứng xâm nhập: ho dữ dội, tím tái, khó thở, thở khò khè hoặc rít
- Da, môi và móng tay chuyển sang màu xanh hoặc sẫm màu
- Có thể tiến triển đến mất ý thức nếu không được xử lý kịp thời
Với trẻ em, cần đặc biệt cảnh giác khi trẻ đang ăn, bú hoặc chơi đồ chơi mà đột nhiên xuất hiện:
- Ho sặc sụa dữ dội
- Khó thở hoặc ngạt thở
- Trợn mắt và vã mồ hôi
- Tím tái nhanh chóng
- Ý thức giảm dần, có thể tiến triển đến hôn mê
2. Cách sơ cứu nạn nhân bị hóc dị vật:
A. Cách sơ cứu người lớn, trẻ lớn bị hóc dị vật không hoàn toàn:
Khi đường thở bị tắc nghẽn nhẹ, nạn nhân thường thể hiện các dấu hiệu sau:
- Có khả năng tự điều chỉnh tư thế thuận lợi (như cúi người về phía trước)
- Vẫn có thể hít vào để ho mạnh, ho lớn tiếng
- Vẫn nói được, trẻ em vẫn khóc được
- Tỉnh táo, không có dấu hiệu lơ mơ
Hướng dẫn sơ cứu: Khuyến khích nạn nhân ho mạnh để đẩy dị vật ra ngoài. Nếu ho không hiệu
B. Cách sơ cứu người lớn, trẻ lớn bị hóc dị vật hoàn toàn:
Cách nhận biết nạn nhân bị tắc nghẽn đường thở hoàn toàn vào các yếu tố sau:
- Không thể ho hoặc ho yếu, không hiệu quả.
- Không thể nói.
- Thở rít, không nghe tiếng thở.
- Tím tái.
- Lơ mơ, hôn mê dần.
Có 3 thủ thuật có thể thực hiện, tùy thuộc vào đối tượng bị nạn:
- Thủ thuật ấn bụng (Heimlich): thực hiện được ở tất cả nạn nhân ngoại trừ trẻ sơ sinh (< 1 tuổi). Chống chỉ định tương đối với người béo bụng, phụ nữ mang thai.
- Thủ thuật vỗ lưng: thực hiện được ở tất cả nạn nhân, là phương pháp thường lựa chọn cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh.
- Thủ thuật ấn ngực: thường lựa chọn ở trẻ sơ sinh, người béo bụng, phụ nữ có thai.
Thủ thuật ấn bụng: (Heimlich)
- Đứng sau lưng nạn nhân
- Đặt 1 nắm tay vào vùng bụng giữa xương ức và rốn, tay còn lại đặt lên trên nắm tay
- Kéo mạnh và nhanh về phía sau-lên trên
- Lặp lại 6-10 lần nếu cần
Kết hợp vỗ lưng, ấn ngực khi không hiệu quả
Thủ thuật Heimlich ở người lớn
Thủ thuật Heimlich ở trẻ em
Thủ thuật vỗ lưng: (Back blow)
- 1 tay ôm ngang eo người bị nạn để trợ lực, trẻ em nhỏ có thể để nằm sấp trên đùi/cánh tay.
- Cúi người bị nạn 90 độ, ngang hông.
- Dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 lần vào giữa 2 xương bả vai của người bị nạn.
Thủ thuật vỗ lưng
C. Cách sơ cứu trẻ sơ sinh bị hóc dị vật hoàn toàn:
Đối với trẻ sơ sinh và nhũ nhi: chúng ta sẽ thực hiện thủ thuật vỗ lưng hoặc ấn ngực. Thực hiện vỗ lưng 5 lần xen kẽ ấn ngực 5 lần cho đến khi lấy được dị vật.
Thủ thuật vỗ lưng:
- Đặt trẻ nằm sấp dọc theo cánh tay của người sơ cứu, đầu thấp hơn thân.
- Người sơ cứu đặt tay dọc lên đùi mình và dùng gót bàn tay còn lại vỗ nhẹ và nhanh 5 cái lên lưng trẻ vùng giữa hai xương bả vai.
- Vỗ dứt khoát nhưng lực không quá mạnh tránh tổn thương cho trẻ.
Thủ thuật vỗ lưng ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi
Thủ thuật ấn ngực:
- Đặt trẻ nằm ngửa trên cẳng tay, bàn tay ôm lấy đầu trẻ, đầu thấp hơn thân.
- Đặt 2 ngón tay giữa xương ức, thường ở vị trí dưới đường ngang vú.
- Ấn ngực hướng vào trong - lên trên, độ sâu khoảng 1/3 - 1/2 lồng ngực, ấn dứt khoát 5 lần.
Thủ thuật ấn ngực trẻ sơ sinh và nhũ nhi
D. Cách sơ cứu khi bản thân bị hóc dị vật
Nếu chẳng may bạn chính là nạn nhân và xung quanh không có ai, hãy thực hiện thao tác Heimlich trên chính mình! Bạn không thể thực hiện những cú vỗ lưng nhưng đừng hoảng sợ, bạn có thể thực hiện các động tác ép bụng.
- Đặt một nắm tay hơi phía trên rốn của bạn.
- Nắm chặt nắm tay của bạn bằng tay còn lại.
- Uốn cong người trên một bề mặt cứng (mặt bàn hoặc thành ghế).
- Đẩy nắm đấm của bạn vào trong và hướng lên.
Nhanh chóng gọi 115 hoặc số khẩn cấp của bạn ngay lập tức trong khi bạn đang thao tác.
Kết hợp vỗ lưng, ấn ngực khi không hiệu quả
5. Những sai lầm thường gặp khi cấp cứu dị vật đường thở:
- Mất bình tĩnh hoặc nhận định chậm tình trạng dị vật đường thở của nạn nhân, dẫn đến cấp cứu không hiệu quả, nạn nhân ngạt thở kéo dài dẫn đến tím tái, hôn mê.
- Cố gắng lấy tay hoặc các vật khác vào miệng để móc dị vật ra khi chưa thấy rõ, có thể làm dị vật xuống sâu hơn, hoặc gây trầy xước, chấn thương niêm mạc vùng hầu họng.
- Cho nạn nhân nuốt thêm đồ ăn khác như cơm, hoa quả, uống nước,...điều này có thể khiến tình trạng hóc dị vật trở nên nghiêm trọng hơn.
- Vuốt xuôi ngực: Mỗi khi trẻ sặc hay nghẹn, nhiều bậc phụ huynh vuốt ngực cho trẻ, đây là cách làm sai vì có thể làm dị vật chui sâu hơn vào đường thở.
6. Các biện pháp phòng ngừa dị vật đường thở:
Trẻ em thường gặp nguy cơ cao bị dị vật đường thở do bản tính hiếu động, tò mò và chưa nhận thức được các mối nguy hiểm. Các biện pháp phòng ngừa cần thiết bao gồm:
Kiểm soát môi trường và đồ vật
- Cất giữ bóng bay (đã thổi hoặc chưa thổi) ngoài tầm với của trẻ
- Bảo quản đồ chơi nhỏ hoặc có chi tiết tháo rời (như Lego) an toàn và chỉ cho trẻ chơi dưới sự giám sát
- Rèn luyện cho trẻ không ngậm, mút đồ chơi
- Để cúc áo và pin các loại xa tầm tay trẻ
- Sử dụng khóa an toàn cho các ngăn tủ chứa vật dụng nhỏ
Phòng ngừa sặc thức ăn
- Yêu cầu trẻ luôn ngồi một chỗ khi ăn
- Không ép trẻ ăn/uống khi đang khóc hoặc vận động
- Không cho phép trẻ chạy nhảy, nô đùa khi có thức ăn trong miệng
- Khuyến khích trẻ ăn chậm và nhai kỹ
- Tránh cho trẻ dưới 2 tuổi ăn thức ăn dễ gây sặc như lạc, thạch, nhãn, kẹo dẻo, hạt trân châu
Người lớn cần luôn giữ trẻ trong tầm quan sát và nhận biết các nguy cơ tiềm ẩn để đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ.
7. Kết luận
Hóc dị vật là một trong những sơ cấp cứu cực kì quan trọng vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng. Nếu không được xử trí nhanh chóng, hóc dị vật có thể dẫn đến tím tái và ngưng thở chỉ sau vài phút. Nên nhớ, hóc dị vật, xin đừng chần chờ!
Tài liệu tham khảo
1. PGS. TS. Nguyễn Thị Xuyên và PGS.Ts. Lương Ngọc Khuê. Sổ tay điều trị cấp cứu nội khoa – Chương 33: Suy hô hấp cấp. Nhà xuất bản Y học. 2019.
2. PGS. TS. Đặng Quốc Tuấn và PGS.Ts. Lương Ngọc Khuê. Tài liệu đào tạo cấp cứu cơ bản – Chương I – Bài 2: Các kỹ thuật kiểm soát đường thở. Nhà xuất bản Y học. 2014
3. The Royal Children's Hospital Melbourne. Foreign bodies inhaled. https://www.rch.org.au/clinicalguide/guideline_index/Foreign_bodies_inhaled/ (Last updated March 2021)
4. Clinical Practice Guidelines: Respiratory/Foreign body airway obstruction. https://www.ambulance.qld.gov.au/clinical.html (January, 2020)
Haley Dodson; Jeffrey Cook. Foreign Body Airway Obstruction. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK553186/ (Last Update: March 6, 2023)
BS. Nguyễn Bảo Vinh – Khoa Cấp Cứu
Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức