Tại Việt Nam năm 2017 số người mắc đái tháo đường chiếm khoảng 5,4% dân số (với hơn 5 triệu người mắc) (theo thống kê của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam). Tỷ lệ này tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000.
Bên cạnh đó chỉ có một nửa số bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường biết mình mắc bệnh.
Trong số 50% người được chẩn đoán và điều trị thì có đến 50% số người có biến chứng về đái tháo đường đó là biến chứng tim mạch, tổn thương mắt, thận… và đến hơn 50% số bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường này ở nước ta không nhận thức được tình trạng bệnh của mình.
Vậy bạn biết gì về bệnh đái tháo đường?
Bệnh lý đái tháo đường (hay thường gọi là bệnh tiểu đường) là: “tình trạng tăng đường máu mạn tính đặc trưng bởi những rối loạn chuyển hoá carbonhydrat, có kèm theo rối loạn chuyển hoá lipid và protein do giảm tuyệt đối hoặc tương đối tác dụng sinh học của insulin và/hoặc tiết insulin”
Có các loại bệnh đái tháo đường:
- Đái tháo đường type 1: tế bào β tụy bị hủy do các nguyên nhân miễn dịch dẫn đến thiếu hụt insulin tuyệt đối, điều trị bắt buộc phải dùng insulin.
- Đái tháo đường type 2: là tình trạng đề kháng insulin và thiếu hụt insulin tương đối, có thể điều trị bằng chế độ ăn, tập luyện, thuốc uống hoặc insulin.
- Đái tháo đường thai kỳ: là tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết khởi phát hoặc phát hiện lần đầu tiên trong thời kỳ mang thai. Điều trị có thể bằng điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện hay kết hợp với insulin.
- Đái tháo đường khác:
- Đái tháo đường thứ phát : xuất hiện sau viêm tụy, xơ sỏi tụy, các bệnh nội tiết khác….
- Đái tháo đường do thuốc: corticoid…
- Đái tháo đường phối hợp với các hội chứng miễn dịch khác: hội chứng Down, hội chứng Klinefelter…
Vậy những ai cần đi khám để phát hiện sớm bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ)?
Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo nên xét nghiệm sàng lọc ở tất cả các cá nhân > 45 tuổi mỗi 3 năm. Sàng lọc các cá nhân có độ tuổi sớm hơn nếu có ≥ 1 yếu tố nguy cơ sau:
- Có tiền căn gia đình ĐTĐ (bố mẹ, anh chị em ruột mắc ĐTĐ type 2)
- Béo phì (BMI > 25Kg/m2), đặc biệt béo phì kiểu trung tâm, thừa cân.
- Ít hoạt động thể lực.
- Thuộc các chủng tộc có nguy cơ cao (Châu Á, người Mỹ bản địa hoặc gốc Châu Á, châu Phi,...)
- Có tiền căn rối loạn đường huyết đói, rối loạn dung nạp glucose hoặc HbA1C 5.7 – 6.4%
- Có tiền căn ĐTĐ thai kỳ hoặc sinh con nặng cân (>4kg)
- Có hội chứng buồng trứng đa nang hoặc chứng gai đen.
- Có tăng huyết áp và/hoặc đang dùng thuốc hạ áp.
- Có rối loạn lipid máu: HDL ≤ 35mg/dl, triglyceride ≥ 250mg/dl, hoặc cả hai.
- Có tiền căn bệnh tim mạch.
Và điều quan trọng nhất là những biểu hiện có thể nhận biết được hàng ngày của chúng ta hay của người thân có liên quan đến bệnh Đái tháo đường?
Cần nghĩ ngay tới khả năng mắc bệnh Đái tháo đường khi có các biểu hiện:
- Mệt mỏi, gầy sút 2-15kg có thể kéo dài trong nhiều tháng.
- Đái nhiều 3 -10lít/ ngày, khát nhiều và uống nhiều. Có thể có dấu hiệu mất nước: da khô, lưỡi khô, nhăn nheo, mắt trũng, môi đỏ.
- Cảm giác đói nhiều, ăn nhiều.
- Da hay bị ngứa, nhiễm trùng, lâu lành vết thương.
- Nhìn mờ.
- Chuột rút cẳng chân vào ban đêm, tê bì chân tay.
- Giảm tình dục, liệt dương, rối loạn kinh nguyệt.
- Ở người già có tình trạng lú lẫn, chóng mặt, hôn mê, ngã.
Các triệu chứng trên thường rầm rộ ở bệnh nhân Đái tháo đường type 1. Bệnh nhân đái tháo đường type 2 thường phát hiện tình cờ khi đi khám bệnh hay đã có những biến chứng cấp tính và mạn tính của đái tháo đường.
Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn một người bị mắc tiểu đường cần dựa vào tiêu chuẩn sau:
Có ít nhất 1 trong 4 tiêu chuẩn :
1.Glucose máu đói* (FPG) ≥ 126mg/dl (7,0 mmol/L). (Đói được định nghĩa là không dung nạp calo trong ít nhất 8h).
2.Glucose máu 2h sau nghiệm pháp dung nạp 75g glucose uống (2h-PG) ≥200mg/dL (11,1mmol/L). Nghiệm pháp nên được thực hiện theo mô tả của WHO**.
3.HbA1C ≥ 6,5%. Xét nghiệm này được thực hiện bởi phương pháp sắc lỏng kí cao áp).
4.Glucose máu bất kì ≥ 200mg/dl (11,1 mmol/l) ở bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng glucose máu (ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều) hoặc có cơn tăng glucose máu cấp.
Bệnh đái tháo đường thường đi kèm các rối loạn chuyển hóa khác. Nên khi đã được chẩn đoán đái tháo đường nên làm các xét nghiệm phát hiện các rối loạn kèm theo và phát hiện các biến chứng của bệnh đái tháo đường:
- Mỡ máu, acid uric máu.
- Xét nghiệm nước tiểu, protein niệu, chức năng thận.
- Điện tâm đồ, siêu âm mạch máu.
- Soi đáy mắt, kiểm tra thị lực, nhãn áp…
Vậy nếu bị đái tháo đường mà không điều trị thì chuyện gì sẽ xảy ra???
- Tắc mạch vành, cao huyết áp, tai biến mạch máu não.
- Suy thận.
- Mù mắt.
- Hay bị nhiễm trùng như nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng ngoài da, vết thương khó lành.
- Bàn chân bị loét không lành, và sinh hoại thư (mô bị chết) phải cắt cụt chân.
- Dây thần kinh bị tổn thương có thể làm yếu tay chân, hoặc sinh đau nhức, hay là tê, mất cảm giác.
Đối với những người chưa bị đái tháo đường cần phòng tránh bằng cách:
- Thay đổi lối sống: tăng cường tập thể dục, thường xuyên vận động.
- Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: hạn chế đồ ngọt, giảm tinh bột, ăn nhiều chất xơ và vitamin.
- Kiểm soát cân nặng và vòng bụng.
- Khám sức khỏe và xét nghiệm máu định kỳ.
Đối với người đã được chẩn đoán bị đái tháo đường cần:
- Đối với trẻ em và vị thành niên nên tập thể dục mức độ trung bình hoặc nặng ≥ 60 phút /ngày, ít nhất 3 ngày/tuần.
- Đối với người lớn nên tập thể dục mức độ trung bình hoặc nặng ≥150 phút/tuần trong ít nhất 3 ngày/tuần và không có 2 ngày nghỉ liên tục, những bệnh nhân trẻ, có thân hình cân đối có thể ≥75 phút/ tuần.
- Nên hạn chế thời gian tĩnh tại hàng ngày.
- Có thể thực hiện bằng cách đi bộ, chạy bộ, luyện tập Thái Cực Quyền và Yoga tùy theo sở thích mỗi cá nhân.
- Cai thuốc lá, rượu, bia.
- Chế độ ăn: nên hạn chế muối, chất béo bão hòa, tăng các thực phẩm giàu chất xơ, ít đường.
- Tuân thủ liệu trình điều trị: thuốc hạ glucose máu, insulin theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Thường xuyên khám định kỳ để được tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa nội tiết về cách phòng cũng như phát hiện sớm các biến chứng có thể có và biện pháp điều trị phù hợp.
Khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức với đội ngũ Bác sĩ trẻ trung, năng động, nhiệt tình sẽ tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc về bệnh đái tháo đường và các bệnh chuyển hóa khác. Hiện tại với gói khám bệnh “tầm soát phát hiện sớm bệnh đái tháo đường” và “tầm soát phát hiện sớm ung thư tuyến giáp” chúng tôi sẽ giúp phát hiện sớm bệnh cũng như tư vấn chế độ ăn uống, tập luyện, điều trị phù hợp với tình trạng của quý bệnh nhân. Rất hân hạnh được phục vụ quý bệnh nhân.