Biến chứng bàn chân đái tháo đường là hậu quả của nhiều tổn thương phức tạp khác nhau của bệnh đái tháo đường như tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh, nhiễm trùng... Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ xơ vữa động mạch ở khắp cơ thể, trong đó bệnh động mạch ngoại biên chi dưới khá thường gặp. Khi mạch máu xơ vữa, lòng mạch máu sẽ chít hẹp làm giảm tưới máu cho phần chi bên dưới. Do vậy, bệnh nhân đái tháo đường có xơ vữa tắc hẹp động mạch chi dưới có nguy cơ viêm loét, nhiễm trùng, thậm chí hoại tử bàn chân rất cao.
Theo ước tính của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới, cứ mỗi 20 giây lại có một bệnh nhân đái tháo đường bị cắt cụt chi. Tại Âu châu, tần suất bị cắt cụt chi do biến chứng bàn chân đái tháo đường là 0,8-1,5%. Tại Hoa kỳ 85% cắt cụt chi dưới trên bệnh nhân đái tháo đường bắt nguồn từ một vết loét chân. Riêng tại Việt nam, chưa có báo cáo về tỷ lệ bàn chân đái tháo đường nhưng ít nhất hai phần ba số bệnh nhân nhập viện nội trú tại các Khoa Nội tiết thuộc các bệnh viện tuyến trung ương (ví dụ Bệnh viện Chợ Rẫy) là do biến chứng này. Đa số bệnh nhân từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên; trong khi biến chứng bàn chân đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng ngừa và giảm thiểu khả năng cắt cụt chi cho bệnh nhân ngay từ tuyến cơ sở. Thiếu quan tâm đến việc khám định kỳ bàn chân cho bệnh nhân đái tháo đường khiến cho việc tiếp cận và xử trí sớm bàn chân đái tháo đường còn nhiều hạn chế.
Sự ra đời một số kỹ thuật cao như Siêu âm Doppler mạch máu, CT 128 lát cắt, DSA … giúp phát hiện những tình trạng hẹp tắc mạch máu ở bệnh nhân loét bàn chân đái tháo đường, từ đó bệnh nhân được can thiệp kịp thời bằng kỹ thuật nong mạch máu ngoài tim dưới hướng dẫn của DSA đã giúp tái tưới máu cho chi bị tắc mạch từ đó cải thiện tỷ lệ điều trị thành công những trường hợp loét bàn chân đái tháo đường có tắc mạch, rút ngắn thời gian điều trị, giảm tỷ lệ cắt cụt chi cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Trường hợp bệnh nhân Đặng Thị H. 69 tuổi là một trường hợp như thế. Bệnh nhân nhập viện Khoa Nội tiết vì vết thương bàn chân phải nhiễm trùng trên 3 tháng không lành.
Vết thương bàn chân phải có hiện tượng hoại tử đen, thiếu máu nuôi tiến hành chụp DSA mạch máu 2 chi dưới.
Kết quả: " Tắc đoạn xa động mạch chày trước, tắc hoàn toàn động mạch chày sau và động mạch mác."
Sau đó, khoa Nội Tiết đã hội chẩn với Đơn vị Tim mạch học can thiệp với sự hỗ trợ của chuyên viên Bệnh viện Nhân Dân Gia Định tiến hành nong mạch máu.
Sau 1 tháng can thiệp, vết thương diễn tiến tốt, lên mô hạt, bắt đầu ghép da
Khoa Nội Tiết
Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức