Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính, bệnh có thể gây biến chứng viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn.
Tổng quan và tình hình về bệnh bạch hầu
Ở nước ta, số ca mắc bệnh bạch hầu đã giảm nhiều lần từ khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, từ 3.500 ca/ năm (vào những năm 1983) xuống còn khoảng từ 10 đến 50 ca mắc/năm (giai đoạn từ 2004-2019). Bệnh bạch hầu đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại. Tuy nhiên gần đây, số ca mắc bệnh bạch hầu có xu hướng gia tăng ở nước ta. Năm 2023, cả nước ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh bạch hầu (có kết quả xét nghiệm PCR dương tính và nuôi cấy) tại 3 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên. Số mắc tập trung vào 5 tháng cuối năm (55 trường hợp mắc), trong đó 7 trường hợp tử vong.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc, trong đó 1 trường hợp tử vong. Cụ thể, tỉnh Hà Giang ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong các tháng 1, 2 và 4/2024, tại các ổ dịch cũ (tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh). Tỉnh Nghệ An ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong (tháng 6/2024) tại huyện Kỳ Sơn. Tỉnh Bắc Giang ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh (tháng 7/2024) tại huyện Hiệp Hòa, có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong của tỉnh Nghệ An.
Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Nguyên nhân và đường lây truyền của bệnh như thế nào?
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae là nguyên nhân gây bệnh bạch hầu. Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae có 3 type là: Gravis, Mitis và Intermedius. Vi khuẩn bạch hầu có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh, nếu được chất nhầy bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày. Tuy nhiên, chúng lại khá nhạy cảm với các yếu tố lý, hoá như: dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ, ánh sáng khuếch tán sẽ bị diệt sau vài ngày. Ở nhiệt độ 580C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút. Chuột lang có cảm nhiễm cao đối với vi khuẩn bạch hầu.
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae là nguyên nhân gây bệnh bạch hầu, được phát hiện năm 1884 - Ảnh: Wikipedia
Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu. Thời gian ủ bệnh thường từ 2 - 5 ngày, hoặc lâu hơn.
Biểu hiện chính của bệnh bạch hầu
Tuỳ thuộc vào vị trí nhiễm khuẩn mà bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau, như:
-
Bệnh bạch hầu mũi trước: Bệnh nhân sổ mũi, chảy ra chất mủ nhầy đôi khi có máu, có màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
-
Bệnh bạch hầu họng và amidan: Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2, 3 ngày xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò. Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, những bệnh nhân này có thể tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày.
-
bạch hầu thanh quản: Là thể bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% - 10%.
Ngoài ra, vi khuẩn còn có thể gây bệnh ở một số vị trí khác nhưng những trường hợp này thường hiếm và có diễn tiến bệnh tương đối nhẹ.
Điều trị bệnh bạch hầu
Người bệnh cần được điều trị tích cực tại cơ sở y tế. Sự chậm trễ trong điều trị bệnh bạch hầu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và tử vong. Hiện nay, bệnh bạch hầu đã có thể điều trị được bằng thuốc. Điều trị bệnh bạch hầu bao gồm:
-
Điều trị chống ngoại độc tố bạch hầu: Tùy theo tình trạng bệnh mà chỉ định tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu từ 20.000 đơn vị đến 100.000 đơn vị. Cần thử phản ứng huyết thanh kháng độc trước khi tiêm.
-
Chống nhiễm khuẩn: Tiêm penicillin G liều 25.000 - 50.000 đơn vị/kg/ngày cho trẻ em và 1,2 triệu đơn vị cho người lớn, chia làm 2 lần/ngày. Nếu bệnh nhân dị ứng với penicillin thì thay bằng erythromycin với liều 40-50 mg/kg/ngày, liều tối đa 2 gam/ngày trong 7 ngày liền.
-
Điều trị dự phòng cho người lành mang vi khuẩn: Tiêm một liều đơn penicillin G benzathine 600.000 đơn vị cho trẻ dưới 6 tuổi và 1,2 triệu đơn vị cho trẻ từ 6 tuổi trở lên hoặc uống erythromycin với liều 40mg/kg/ngày cho trẻ em và 1gam/ngày cho người lớn trong 7-10 ngày.
Tiêm ngừa phòng bệnh bạch hầu
Rất may, bệnh bạch hầu đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ hoàn toàn ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Lịch tiêm ngừa bạch hầu ở các lứa tuổi - Ảnh: BVĐKKV TĐ
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm các vaccine đầy đủ, đúng lịch, để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm thì cần tham gia tiêm chủng sau đó sớm nhất có thể.
Dự phòng bệnh bạch hầu hiệu quả
Bên cạnh việc tiêm ngừa vaccin bạch hầu, chúng ta cần thường xuyên vệ sinh phòng bệnh bằng một số biện pháp như: rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đồng thời đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Một số biện pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả - Ảnh: internet
Ngoài ra, khi nhận thấy có các dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người bệnh cần phải được cách ly và đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế.
Tài liệu tham khảo
1. https://vncdc.gov.vn/benh-bạch-hau-nd14501.html
2. QUYẾT ĐỊNH 3593/QĐ-BYT Về việc ban hành “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu”
BS. Huỳnh Minh Nhựt - Khoa Nhiễm
Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức