Túi mật là một cấu trúc thuộc đường mật phụ, có chức năng dự trữ mật từ gan tiết ra. Dịch mật chứa các emzym giúp tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng, chất đạm béo. Sự cô đặc dịch mật quá mức, hoặc các rối loạn về chức năng bài tiết, hấp thụ dịch mật làm tăng kết tinh muối mật, hình thành sỏi trong túi mật. Bệnh lý sỏi túi mật, là một bệnh lý phổ biến ở người trưởng thành và ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Bệnh nhân T.T.K. N, nữ 28 tuổi, nghề nghiệp công nhân ở Tp. Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đêm ngày 21/2, Chị N đau bụng thượng vị, kèm nôn ói nhiều. Sau khi khám và điều trị tại một phòng khám không giảm, đến khám tai khoa cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức.
Sau quá trình thăm khám, thấy ấn đau vùng hạ sườn phải nhiều. Thực hiện các cận lâm sàng, trên hình ảnh siêu âm cho thấy có sỏi #13 mm trong lòng túi mật. Kết hợp CtScan ổ bụng có thuốc túi mật thành dày. Chị N. Được chẩn đoán mình bị Viêm túi mật do sỏi túi mật, kèm viêm dạ dày. Bác sĩ điều trị giải thích tình trạng bệnh, cũng như chỉ định Phẫu thuật nội soi cắt túi mật. Tuy nhiên, chị N. và người nhà với tâm lý lo lắng đã từ chối phẫu thuật, thậm chí xin về điều trị “ thuốc Nam” để tiêu sỏi. Sau khi được bác sĩ động viên tinh thần và giải thích các nguy cơ nếu không phẫu thuật kịp thời. Đồng thời, đưa ra các biến chứng khi sử dụng các loại thuốc không rõ công dụng, nguồn gốc để điều trị bệnh. Chị N. Đã đồng ý ở lại thực hiện phẫu thuật.
Ca mổ nội soi được thực hiện bởi Bác sĩ trưởng khoa BSCK II. Võ Duy Điền ngay ngày hôm sau. Trong mổ cho thấy túi mật viêm căng, thành dày. Kết thúc cuộc mổ, bên trong túi mật viêm là một viên sỏi Cholesterol khoảng hơn 10mm. Nguyên nhân khiến chị N. đau bụng trong những ngày qua đã được Ekip phẫu thuật giải quyết, không có biến chứng trong mổ. Sau mổ, bệnh nhân giảm đau rõ, ăn uống trở lại bình thường và xuất viện sau 5 ngày hậu phẫu. Bác sĩ Trần Xuân Phúc- bác sĩ trực tiếp chăm sóc điều trị bệnh nhân cho biết.
Một bệnh nhân nam khác, V. V. K. 23 tuổi ở An Giang đến khám Bs. Trần Xuân Phúc, tại phòng khám Ngoại Tổng hợp ngày 1/3. Anh K. tình cờ phát hiện có sỏi túi mật trong đợt khám tuyển Nghĩa vụ Quân sự tháng 2. Siêu âm bụng cho thấy anh K. có nhiều viên sỏi trong túi mật, viên lớn nhất có kích thước #2,5x1,5 cm, gần bằng với một quả trứng cút nhỏ. Tuy nhiên, bệnh nhân không có bất cứ triệu chứng nào, như đau bụng vùng hạ sườn bên phải, vàng da hay chán ăn. Bệnh nhân tổng trạng trung bình, không có các bệnh lý chuyển hóa kèm theo trước đây.
Khai thác về chế độ ăn của bệnh nhân từ trước, “ Anh ăn bao nhiêu quả trứng một tuần?” . Câu trả lời của anh K. khiến bác sĩ “choáng”, khi biết rằng bệnh nhân ăn trứng mỗi ngày, và ăn rất nhiều, trong suốt thời gian dài. Bác sĩ Phúc định hướng nguyên nhân sỏi mật của anh là do ăn quá nhiều trứng.
Trứng là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ ăn và dễ chế biến. Tuy nhiên, lòng đỏ trứng gà chứa nhiều Cholesterol và việc tiêu thụ quá nhiều trứng trong chế độ ăn làm tăng nguy cơ tạo sỏi. Theo khuyến cáo, ở người trưởng thành khỏe mạnh nên ăn trung bình khoảng 2 quả trứng một ngày và không nên quá 3 ngày trong tuần.
Điều trị sỏi túi mật hiện nay, phẫu thuật nội soi cắt túi mật là phương pháp điều trị chính. Các điều trị sử dụng thuốc tiêu sỏi (Axit Ursodeoxycholic) hoặc các thuốc Nam trong y học cổ truyền, vẫn mang tính điều trị hỗ trợ và chưa được xem là điều trị chính thức để điều trị bệnh lý này. Ngoài ra, việc tự ý sử dụng các loại thuốc Nam không rõ nguồn gốc, không đúng liều lượng, về lâu dài ảnh hưởng không tốt lên cơ thể. Thậm chí làm chậm trể việc phẫu thuật, gây ra các biến chứng viêm túi mật, viêm phúc mạc mật... làm tăng chi phí điều trị, thậm chí làm tăng nguy cơ tử vong.
Tại khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Khu vực Thủ Đức, phẫu thuật nội soi cắt túi mật đã được triển khai thường qui. Ưu điểm của phương pháp này là giải quyết được tình trạng đau do sỏi túi mật gây ra, can thiệp ít xâm lấn hơn so với mổ hở cắt túi mật trước đây. Bệnh nhân ít đau sau mổ và hồi phục sớm.
Bs.Trần Xuân Phúc - Khoa Ngoại Tổng Hợp
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức