BỆNH LÝ TUYẾN GIÁP TRONG THAI KỲ

Bởi supadmin -17-12-2024

Sự thay đổi chức năng tuyến giáp trong thai kỳ

      Nhằm đáp ứng gia tăng nhu cầu chuyển hóa trên phụ nữ mang thai, tuyến giáp có sự điều chỉnh về mặt sinh lý để thích ứng nhu cầu trên như thay đổi chuyển hóa hormone tuyến giáp, hấp thu iod và điều chỉnh trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến giáp so với lúc không mang thai, dẫn đến sự thay đổi về xét nghiệm chức năng tuyến giáp ở phụ nữ mang thai, và các chỉ số đó sẽ thay đổi theo từng giai đoạn trong thời kỳ mang thai, và có sự khác biệt giữa các cộng đồng, chủng tộc khác nhau trên thế giới.

      Cụ thể trong khi mang thai có hai sự thay đổi chính về tuyến giáp:

- Sự gia tăng của thyroxine-binding globulin (TBG) huyết thanh: estrogen kích thích làm tăng TBG, tuyến giáp tăng sản xuất hormone giáp để duy trì nồng độ hormone giáp tự do (không liên kết với TBG) trong huyết thanh, tăng dần từ tuần thứ 7 đến tuần 16 thai kỳ, và sẽ duy trì đến khi sinh.

- Sự kích thích thụ thể TSH bởi hormone hCG: hCG có tác dụng kích thích yếu lên thụ thể TSH, làm tăng sản xuất hormone giáp, tuyến yên giảm tiết TSH, hormone giáp dần trở về ổn định về giai đoạn sau của thai kỳ, khi hCG giảm. hCG tăng tiết nhiều trong trường hợp ốm nghén hoặc đa thai, có thể gây ra cường giáp thai kỳ thoáng qua hoặc cường giáp thật sự (hiếm gặp).

Nhu cầu iod trong thai kỳ

      Do sản xuất hormone tuyến giáp tăng, bài tiết iod qua thận tăng và nhu cầu iod của thai nhi, nhu cầu iod trong chế độ ăn uống cao hơn trong thai kỳ so với người lớn không mang thai. Người mẹ có chế độ ăn thiếu hụt iod trong thời gian có thai sẽ có gây ra sảy thai tự nhiên, thai lưu, sinh non, tăng nguy cơ mắc bướu cổ cao ở mẹ và con, tác động tiêu cực đến chức năng nhận thức của con cái, có thể biểu hiện bệnh đần độn, khiếm khuyết trí tuệ, ngoài ra trẻ sinh ra có thể mắc các dị tật bẩm sinh liệt tay chân, nói ngọng, câm điếc,... Tuy nhiên, chúng ta không nên bổ sung iod quá nhiều vì nguy cơ suy giáp, bướu cổ (hiếm gặp), và ảnh hưởng đến kết cục không tốt cho thai kỳ.

 

 

Các bệnh lý tuyến giáp thường gặp trong thai kỳ

1. Suy giáp:

      Triệu chứng lâm sàng thường gặp: mệt mỏi, không chịu được lạnh, phù mặt, nhịp tim chậm, da khô, táo bón, tăng cân, có bướu cổ, ... tuy nhiên các triệu chứng trên có thể bỏ qua vì tương tự như triệu chứng lúc mang thai, ngoài ra một số bệnh nhân không có triệu chứng. 

      Kết quả xét nghiệm: hormone TSH tăng, FT4 giảm (đối với suy giáp rõ ràng) hoặc bình thường (đối với suy giáp dưới lâm sàng)

      Biến chứng thường gặp trong thai kỳ:

  • Sảy thai, thai lưu
  • Sinh non
  • Tiền sản giật và tăng huyết áp trong thai kỳ
  • Thai nhẹ cân
  • Nhau bong non
  • Suy giảm nhận thức và chậm phát triển về thần kinh của trẻ

      Phụ nữ ở độ tuổi sinh sản khi có tiền căn suy giáp, viêm giáp tự miễn (viêm giáp Hashimoto, ...)  phẫu thuật hay xạ trị tuyến giáp, dùng các loại thuốc như amiodarone, lithium hoặc sống ở khu vực có tình trạng thiếu iod nặng cần được tầm soát và điều trị suy giáp, trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch mang thai phù hợp.

2. Nhiễm độc giáp:

      Triệu chứng thường gặp: hồi hộp, đánh trống ngực, tăng tiết mồ hôi, không chịu được nhiệt, mệt mỏi, sụt cân, mất ngủ, cổ to, mắt lồi,… các triệu chứng trên cũng có thể bị bỏ sót vì tương tự với triệu chứng của mang thai.

      Kết quả xét nghiệm: hormone TSH giảm, FT4 tăng (đối với cường giáp rõ ràng) hoặc bình thường (đối với cường giáp dưới lâm sàng)

      Nguyên nhân của nhiễm độc giáp:

  • Bệnh Graves (thường gặp nhất ở phụ nữ ở độ tuổi sinh sản)
  • Đa nhân giáp hóa độc, adenoma tuyến giáp hóa độc
  • Viêm giáp bán cấp đau hoặc không đau (tiết hormone giáp thụ động từ tuyến giáp tổn thương)
  • U tuyến yên tiết TSH
  • Các nguyên nhân hiếm gặp khác: Struma ovarii (u quái buồng trứng có mô tuyến giáp chức năng), u di căn có chức năng tuyến giáp, đột biến gen thụ thể TSH
  • Sử dụng quá liều hormone giáp

      Biến chứng thường gặp:

  • Đối với người mẹ: sảy thai, tăng huyết áp thai kỳ, sinh non, sinh con nhẹ cân, thai nhi chậm tăng trưởng, thai lưu, cơn bão giáp, tiền sản giật và suy tim sung huyết.
  • Đối với thai nhi: gây ra các vấn đề như nhịp tim thai nhanh, bướu giáp thai nhi, chậm phát triển và rối loạn hành vi thần kinh trong cuộc sống sau này. 

      Nhiễm độc giáp thoáng qua trong thai kỳ xảy ra ở thai phụ không có tiền sử bẹnh lý tuyến giáp, không có dấu hiệu của Baseedow (bướu cổ, bệnh mắt) là một rối loạn nhẹ tự giới hạn, có kèm với triệu chứng nôn ói của ốm nghén, khởi phát trong giai đoạn đầu thai kỳ. 

      Phụ nữ ở độ tuổi sinh sản có tiền căn bệnh Basedow, nhân bướu giáp hóa độc hoặc có triệu chứng gợi ý đến nhiễm độc giáp cần có một kế hoạch mang thai hợp lý và được theo dõi điều trị nhiễm độc giáp

3. Bướu giáp và ung thư tuyến giáp:

      Phụ nữ ở độ tuổi sinh sản có dấu hiệu tuyến giáp to bất thường và ghi nhận tiền căn gia đình có bệnh lý tuyến giáp lành tính hoặc ác tính, ung thư tuyến giáp thể tủy gia đình, đa u nội tiết loại 2 (MEN 2), ung thư biểu mô nhú giáp gia đình,... nguy cơ ác tính cao hơn đối với các nhân bướu được phát hiện ở cả những người lớn mắc ung thư lúc còn nhỏ có điều trị liên quan đến bức xạ đầu, cổ và/hoặc sọ não, cũng như những người tiếp xúc với bức xạ ion hóa trước 18 tuổi,… nên trao đổi với bác sĩ về kế hoạch mang thai, theo dõi và điều trị trước khi mang thai. Nếu bệnh nhân phát hiện ung thư tuyến giáp trong thai kỳ, việc phẫu thuật có thể trì hoãn cho đến sau khi sinh.

4. Viêm giáp sau sinh:

      Viêm giáp sau sinh là tình trạng viêm giáp tự miễn sau sinh ở phụ nữ có chức năng tuyến giáp bình thường trước khi mang thai, đặc điểm bởi các đợt cường giáp nhẹ, suy giáp nổi bật hơn và chức năng tuyến giáp sẽ về bình thường vào cuối năm đầu sau sinh. Triệu chứng lâm sàng có thể rõ ràng trong giai đoạn suy giáp như không chịu được lạnh, da khô, mệt mỏi, giảm khả năng tập trung và cảm giác tê bì,… Phụ nữ mang thai sau khi sinh nếu có triệu chứng gợi ý trên hoặc có dấu hiệu của trầm cảm sau sinh cần được xét nghiệm chức năng tuyến giáp để được theo dõi điều trị đầy đủ.

Tầm soát bệnh lý tuyến giáp trong thai kỳ

      Tất cả bệnh nhân có dự định mang thai, hoặc mới mang thai, nên được đánh giá lâm sàng. Cần xét nghiệm chức năng tuyến giáp khi có 1 trong các trường hợp sau:

  • Tiền sử suy giáp/cường giáp hoặc triệu chứng/dấu hiệu hiện tại của rối loạn chức năng tuyến giáp
  • Dương tính với kháng thể tuyến giáp hoặc có bướu cổ
  • Tiền sử xạ trị vùng đầu hoặc cổ hoặc phẫu thuật tuyến giáp trước đó
  • Trên 30 tuổi
  • Đái tháo đường loại 1 hoặc các rối loạn tự miễn khác
  • Tiền sử sảy thai, sinh non, hoặc vô sinh
  • Nhiều lần mang thai trước đó (≥2 lần)
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp tự miễn hoặc rối loạn chức năng tuyến giáp
  • Béo phì (BMI ≥40 kg/m2)
  • Sử dụng amiodarone hoặc lithium, hoặc có tiêm thuốc cản quang chứa iod gần đây
  • Sống ở địa phương có tình trạng thiếu iod từ trung bình đến nặng

Tổng kết

  • Sự thay đổi chức năng tuyến giáp trong thai kỳ do sự gia tăng của TBG huyết thanh và sự kích thích của hCG lên thụ thể TSH
  • Phụ nữ mang thai cần bổ sung iodine 250μg/ngày
  • Các rối loạn về chức năng tuyến giáp ở phụ nữ mang thai thường có triệu chứng gần tương tự với triệu chứng khi mang thai, cần có kế hoạch tầm soát bệnh lý tuyến giáp trước khi mang thai khi có các yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh lý tuyến giáp để có được kế hoạch thời điểm mang thai hợp lý, được theo dõi và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn khi mang thai
  • Phụ nữ sau sinh nên kiểm tra chức năng tuyến giáp khi có triệu chứng gợi ý đến viêm giáp sau sinh để được theo dõi và điều trị

Tài liệu tham khảo:

1. 2017 Guidelines of the American Thyroid Association for the Diagnosis and Management of Thyroid Disease During Pregnancy and the Postpartum

2. Healthy Foods That Are Rich in Iodine - Kaitlyn Berkheiser. healthline.com

3. Vai trò của i-ốt – Viện Dinh dưỡng

BS. Nguyễn Ngọc Ân - Khoa Nội tiết

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức