BỆNH NHÂN TỰ KIỂM SOÁT CƠN ĐAU SAU MỔ (PCA)

Bởi supadmin -30-01-2023
Bài viết này nhằm mục đích cung cấp thông tin giúp bệnh nhân hiểu được phương pháp “giảm đau sau mổ do bệnh nhân tự kiểm soát”, gọi tắt là PCA. Được sự cố vấn chuyên môn từ BS. CKI. Nguyễn Thị Thanh Thủy - Khoa Gây Mê Hồi Sức - Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức...

1. Bệnh nhân tự kiểm soát đau ra sao (PCA)?

   Bệnh nhân tự kiểm soát cơn đau PCA (viết tắt của: Patient Controlle Analgesia) là phương pháp giảm đau cho phép bệnh nhân tự kiểm soát cơn đau của mình, mà không phải đợi nhân viên y tế (NVYT) tiêm thuốc. Thuốc sẽ được tiêm vào tĩnh mạch (thường là ở tay) của bệnh nhân với liều lượng đã được cài đặt sẵn từ NVYT, sau khi bệnh nhân bấm nút để kích hoạt hệ thống bơm tự động.


2. Ai có thể sử dụng phương pháp giảm đau (PCA)?

   Hầu hết bệnh nhân sau mổ đều có thể sử dụng được phương pháp giảm đau PCA. Nếu bệnh nhân có khả năng bấm nút.

   Sau khi được đánh giá là phù hợp với phương pháp này, Bác sĩ sẽ tư vấn sử dụng cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật. Nếu bệnh nhân đồng ý thì phương pháp này mới được áp dụng.

3. Khi nào thì sử dụng máy PCA?

   Sau khi mổ xong, bệnh nhân tỉnh lại ở phòng hồi tỉnh. Nếu cảm thấy đau thì bệnh nhân có thể bấm nút để tiêm thuốc giảm đau ngay. Trường hợp gặp khó khăn trong việc sử dụng máy, hãy gọi sự trợ giúp từ NVYT.

4. Thời gian tác dụng kể từ khi bấm nút tiêm thuốc

   Kể từ khi bấm nút, thuốc cần 5 - 10 phút mới có thể phát huy tác dụng, người bệnh sẽ bắt đầu cảm thấy đỡ đau hơn.

   Bệnh nhân và thân nhân đừng quá lo lắng vì tỉ lệ nghiện thuốc giảm đau là rất hiếm.

   Lưu ý rằng khi sử phương pháp giảm đau PCA, vẫn có thể phối hợp thêm các thuốc giảm đau (Paracetamol) và kháng viêm khác, nhằm tăng tối ưu hiệu quả giảm đau trên bệnh nhân.

5. Trường hợp bệnh nhân bấm nút quá nhiều lần thì có bị quá liều hay không?

   Nhân viên y tế sẽ cài đặt lượng thuốc phù hợp với tình trạng đau của bệnh nhân. Máy PCA được trang bị chức năng tự động khóa (trong một khoảng thời gian nhất định) sau mỗi lần mà bệnh nhân bấm nút bơm thuốc, đảm bảo bệnh nhận không sử dụng quá liều lượng cho phép.

6. Bệnh nhân có thể sử dụng phương pháp giảm đau PCA trong bao lâu?

   Bệnh nhân sử dụng trong bao lâu cũng được nếu cần. Thông thường là 48 giờ sau khi phẫu thuật, hầu hết bệnh nhân đều có thể kiểm soát tốt cơn đau bằng thuốc uống.

   Khi tình trạng bệnh nhân dần khá lên và cơn đau giảm đi thì bệnh nhân sẽ bấm nút ít hơn. Liều lượng thuốc giảm đau sẽ được giảm dần, cho đến khi không cần sử dụng máy bơm PCA nữa.

7. Ưu điểm

  • Với máy PCA, bệnh nhân có thể tự kiểm soát cơn đau của mình mà không cần phải chờ điều dưỡng tiêm thuốc giảm đau.
  • Bệnh nhân có thể cử động trên giường dễ dàng hơn và rời khỏi giường sớm hơn, so với hầu hết các loại thuốc giảm đau khác.
  • Bệnh nhân được giảm đau tốt, sẽ phục hồi nhanh hơn và về nhà sớm hơn.
  • PCA rất an toàn khi chính bệnh nhân sử dụng. Chỉ có bệnh nhân mới biết mức độ đau của mình và lượng thuốc mà bệnh nhân cần để giảm đau.

8. Nhược điểm 

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra như:

  • Buồn ngủ
  • Dị ứng.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Táo bón.
  • Hạ huyết áp, Suy hô hấp (rất hiếm khi xảy ra)

   Bệnh nhân cần thông báo ngay cho NVYT khi xảy ra triệu chứng bất thường, để kịp thời xử trí.

   Với phương pháp giảm đau PCA này, từ lâu đã được áp dụng rộng rãi tại Khoa Gây Mê Hồi Sức và các khoa lâm sàng khác của Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, đáp ứng nhu cầu giảm đau sau mổ của bệnh nhân. Từ đó đem lại niềm tin, bớt đi sự e dè, lo sợ về vấn đề đau sau mổ. Mọi thắc mắc về phương pháp giảm đau PCA sẽ được Bác sĩ chuyên khoa Gây mê hồi sức giải thích cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.

***Tài liệu tham khảo:

Phác đồ giảm đau PCA - Giảm đau bằng Morphinic tĩnh mạch do người bệnh kiểm soát (Paitent Controlled Analgesia- PCA) - BS.CKII. Huỳnh Văn Bình- Bệnh viện Nhân dân Gia Định

CNĐD Phan Tấn Phúc - Khoa Gây Mê Hồi Sức

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức