BỆNH TRĨ

Bởi supadmin -03-03-2022
Trĩ là các lớp mô đệm đặc biệt, giàu mạch máu nằm dưới niêm mạc ống hậu môn – trực tràng, trĩ là một trạng thái sinh lý bình thường và chỉ khi nào xuất hiện các rối loạn không tự điều chỉnh được ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và lao động thì người bệnh mới đi khám bệnh.....

1. Bệnh trĩ là gì?

   - Trĩ là các lớp mô đệm đặc biệt, giàu mạch máu nằm dưới niêm mạc ống hậu môn – trực tràng, trĩ là một trạng thái sinh lý bình thường và chỉ khi nào xuất hiện các rối loạn không tự điều chỉnh được ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và lao động thì người bệnh mới đi khám bệnh.

   - Bệnh trĩ là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh hậu môn trực tràng, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh khoảng 5-15% dân số, gặp nhiều cả nam và nữ, độ tuổi chiếm tỷ lệ nhiều nhất từ 45- 65 tuổi.

   - Bệnh trĩ được tạo thành do  giãn ra, dày lên của lớp đệm hậu môn, chứa đám rối trĩ, mô đàn hồi, mô liên kết và cơ trơn. Bệnh trĩ xuất hiện không rõ ràng, không khẳng định được thời gian bắt đầu của bệnh trĩ.

   - Dựa theo cấu trúc giải phẫu, bệnh trĩ được chia thành 2 loại: Trĩ nội và trĩ ngoại.

   - Trĩ nội là những búi trĩ xuất hiện phía trên đường lược, là loại trĩ thường gặp. Trĩ ngoại là những búi trĩ xuất hiện phía dưới đường lược.

Cấu tạo đám rối trĩ ở hậu môn

2. Yếu tố thuận lợi hình thành bệnh trĩ:

   - Táo bón kéo dài: khi bị táo bón, bệnh nhân rặn nhiều, khiến áp lực trong lòng ống hậu môn tăng lên, làm xuất hiện các búi trĩ. Các búi trĩ dần dần to lên sa ra ngoài.

   - Tăng áp lực ổ bụng: những người mang thai, khối u ổ bụng lớn, bị viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, phải ho nhiều và những người làm lao động nặng, làm tăng áp lực trong ổ bụng, dễ dàng cho bệnh trĩ xuất hiện.

   - Lối sống tĩnh tại: người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít đi lại.

      - Lão hóa hay bất thường cơ thắt trong.

3. Triệu chứng của bệnh trĩ như thế nào?

   - Sa búi trĩ: thường xảy ra trễ hơn sau một thời gian đi đại tiện có chảy máu, lúc đầu sau mỗi khi đại tiện thấy có khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, về sau các búi trĩ sa nhiều nằm ngoài hậu môn kể cả không đi đại tiện.

   - Chảy máu: triệu chứng sớm nhất và thường gặp nhất.

   - Đau: do tắc mạch xuất hiện trong búi trĩ những cục máu đông nhỏ, có thể nứt hậu môn đi kèm.

   - Ngứa hậu môn và sưng hậu môn.

      - Thiếu máu: do chảy máu rỉ rã theo thời gian dẫn đến tình trạng thiếu máu.

4. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

   - Dựa trên các triệu chứng lâm sàng: Đại tiện có máu tươi. Tuy nhiên, triệu chứng này có thể gặp ở các bệnh khác như ung thư trực tràng, viêm loét đại trực tràng chảy máu, polyp đại trực tràng.

   - Vì vậy, khi nghi ngờ bị bệnh trĩ cần đi khám để loại trừ các bệnh lý nói trên.

   - Nội soi đại trực tràng ống mềm có thể chẩn đoán chính xác bệnh trĩ và chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác ở trực tràng và đại tràng như ung thư trực tràng, ung thư ống hậu môn…

5. Phân độ trĩ và các phương pháp điều trị

   - Trĩ ngoại không có phân độ.

   - Đối với trĩ nội, tùy thao mức độ sa của búi trĩ mà ta có thể phân chia làm 4 cấp độ:

  • Cấp độ 1: Búi trĩ chỉ phình lên, không sa ra ngoài. Có thể chảy máu khi đi tiêu.
  • Cấp độ 2: Búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu và ngay sau đó tự tụt vào.
  • Cấp độ 3: Búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu và khó tụt vào. Thường phải dùng tay đẩy vào.
  • Cấp độ 4: Búi trĩ sa ra ngoài thường trực và khi lấy tay đẩy vào búi trĩ lại tụt ra.

 Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh trĩ mà ta có các phương pháp điều trị khác nhau.

 - Điều trị nội khoa:

  • Điều chỉnh thói quen ăn uống: Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà. Tránh các thức ăn          nhiều gia vị như ớt, tiêu. Uống nước đầy đủ. Ăn nhiều chất xơ.
  • Vận động thể lực: nên tập thể dục , bơi lội, đi bộ…
  • Điều trị các bệnh mạn tính hiện có như viêm phế quản, giãn phế quản…
  • Vệ sinh tại chỗ tốt bằng phương pháp ngâm nước ấm 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút.
  • Thuốc uống: gồm các thuốc có tác nhân trợ tĩnh mạch, giảm phù nề nhờ tác động kháng viêm tại chỗ, chống nhiễm trùng và chống tắc mạch.
  • Thuốc tại chỗ: gồm các loại thuốc mỡ và đạn bao gồm các tác nhân kháng viêm, vô cảm tại chỗ và dẫn       xuất hỗ trợ tĩnh mạch.

   - Điều trị bằng thủ thuật và phẫu thuật

  • Thủ thuật: áp dụng cho trĩ nội độ I, II
    • Tiêm xơ búi trĩ
    • Thắt búi trĩ bằng vòng cao su
    • Liệu pháp đông lạnh, quang học, đốt điện
  • Phẫu thuật: áp dụng cho trĩ nội độ III, IV và trĩ ngoại
    • Phẫu thuật triệt mạch trĩ bằng laser
    • Phẫu thuật cắt trĩ từng búi (Saint Mark)
    • Phẫu thuật khâu treo trĩ bằng máy Longo: phẫu thuật hiện đại và phổ biến nhất hiện nay, ưu điểm ít đau, ít chảy máu, thời gian nằm viện ngắn và hồi phục nhanh.
    • Phổ biến nhất:

 Phẫu thuật trĩ bằng máy Longo

  - Hiện nay tại bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, khoa Ngoại tổng hợp chúng tôi đã triển khai nhiều phương pháp điều trị trĩ khác nhau, đạt hiệu quả cao, góp phần giảm tỉ đau, chảy máu sau mổ, giúp  người bệnh sớm trở lại cuộc sống bình thường.

*** Mọi thắc mắc xin liên hệ:

   Khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức

   Địa chỉ: 64 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức 

   Số điện thoại: 02839682601

Bs Trần Hồng Quân - Khoa Ngoại tổng hợp

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức