CÁCH BẢO VỆ TRẺ TRONG DỊCH SỞI

Bởi supadmin -07-10-2024

Bệnh Sởi là gì?

      Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cao, gây ra bởi virus thuộc họ Paramyxovirus.

      Bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc mắt và phát ban ở da. Bệnh có thể có các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não màng não cấp tính.

      Việc tiêm ngừa Sởi cho trẻ lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng đã giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh Sởi.

Dịch Sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam năm 2024

      Ngày 27 tháng 8 năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố dịch Sởi trên địa bàn thành phố do số ca tăng nhanh và đã có 03 trẻ tử vong do Sởi. Bên cạnh đó, theo thông tin từ Viện Pasteur TP. HCM, số ca Sởi tại các tỉnh thành phía nam đầu năm 2024 có xu hướng tăng.

      Trước tình hình đó, việc hiểu đúng về mức độ nguy hiểm của bệnh và vai trò của các biện pháp phòng ngừa Sởi là yếu tố quan trọng giúp cha mẹ bảo vệ trẻ và góp phần giúp cộng đồng nhanh chóng đẩy lùi dịch Sởi.

Những trẻ nào có yếu tố nguy cơ mắc bệnh và biến chứng do Sởi?

      Những trẻ chưa được tiêm ngừa sởi hoặc tiêm ngừa không đầy đủ đều có thể nhiễm bệnh. Trẻ nhỏ và phụ nữ có thai chưa tiêm ngừa sởi có nguy cơ mắc các biến chứng nặng khi nhiễm Sởi. Tỷ lệ mắc và tử vong rất cao ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 1 tuổi. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác gồm: suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, thiếu Vitamin A.

Các dấu hiệu nhận biết Sởi mà cha mẹ cần biết

      Sởi thường ủ bệnh từ 6-21 ngày sau khi xâm nhập vào cơ thể.

      Sau đó là giai đoạn viêm long với các đặc điểm là sốt cao, kèm ho, sổ mũi, đổ ghèn mắt, viêm kết mạc, hạt Koplick trong niêm mạc miệng (hạt màu trắng, thường ở cạnh cung hàm trên và sẽ mất khi phát ban).

      Giai đoạn tiếp theo, trẻ phát ban toàn thân khi còn sốt cao, ban bắt đầu từ sau tai, sau gáy, lan ra mặt, cổ, thân mình và tứ chi. Khi ban mọc toàn thân thì thân nhiệt giảm dần. Sau vài ngày, ban sẫm màu dần và bong vảy.

      Khi trẻ có yếu tố dịch tễ (tiếp xúc với người mắc Sởi), và có các dấu hiệu như sốt, viêm long, phát ban, … cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Phòng ngừa lây nhiễm và cách ly trẻ như thế nào?

      Trẻ mắc sởi có thể lây lan cho những người xung quanh trong giai đoạn khoảng 4 ngày trước và sau phát ban. Do đó, trẻ mắc sởi cần phải cách ly tại nhà hoặc cơ sở y tế ít nhất là 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban.

      Các biện pháp phòng ngừa cơ bản với bệnh lý truyền nhiễm đường hô hấp bao gồm: rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng, uống đủ nước, vệ sinh mũi họng.

      Vai trò của vaccine và vitamin A : tiêm chủng đầy đủ và bổ sung vitamin A giúp phòng ngừa Sởi hiệu quả. Vaccine Sởi đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, gồm 02 mũi tiêm, mũi đầu lúc 9 tháng tuổi (Sởi đơn) và mũi thứ 2 lúc 18 tháng tuổi (sởi – rubella).

      Danh sách các địa điểm tiêm chủng Sởi của Thành phố Hồ Chí Minh có thể được tra cứu tại: https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/benh-soi/danh-sach-diem-tiem/

      Ngoài ra, bổ sung vitamin A giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh Sởi và nguy cơ biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong. Theo khuyến cáo của WHO cũng như Bộ Y tế, bổ sung vitamin A được thực hiện ngay sau khi chẩn đoán Sởi. Đồng thời, cha mẹ cần cho con uống vitamin A định kỳ mỗi 6 tháng để bảo vệ sức khoẻ của trẻ.

      Trước tình hình dịch Sởi đang xảy ra, việc hiểu biết đúng về bệnh, tích cực phòng ngừa lây nhiễm và tuân thủ việc tiêm ngừa Sởi sẽ góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi căn bệnh này.

 Nguồn:

https://tuoitre.vn/tp-hcm-chinh-thuc-cong-bo-dich-soi-20240827164414382.htm

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/measles#:~:text=Measles%20infects%20the%20respiratory%20tract,body%20fight%20off%20the%20virus

Bộ y tế, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, quyết định số 1327/QĐ – BYT ngày 18/04/2014.

Bệnh viện Nhi Đồng 2, Phác đồ điều trị bệnh sởi , 2019

 BS. Phùng Quang Vinh - Khoa Nhi

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức