CHĂM SÓC DA CHO NGƯỜI VIÊM DA CƠ ĐỊA

Bởi supadmin -13-11-2023

I. VIÊM DA CƠ ĐỊA LÀ GÌ ?

      Viêm da cơ địa hay chàm thể tạng là một bệnh da viêm, ngứa nhiều kèm khô da, diễn tiến mạn tính với những đợt bùng phát, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

      Bệnh đặc trưng bởi vòng xoắn bệnh lý - ngứa - gãi - mẩn đỏ. Ngứa cũng là triệu chứng khó chịu ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, khiến người bệnh luôn mong muốn khỏi hẳn bệnh. Tuy nhiên, người bệnh phải hiểu đây là bệnh mạn tính không thể điều trị dứt điểm. Dù vậy, bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được, hạn chế các đợt bùng phát bằng việc chăm sóc da đúng cách.

Viêm da cơ địa gặp ở mọi lứa tuổi

II. CHĂM SÓC DA NHƯ THẾ NÀO CHO NGƯỜI VIÊM DA CƠ ĐỊA

1. Dưỡng ẩm da:

      Chất dưỡng ẩm giúp gia tăng độ ẩm, giảm mất nước qua da, khôi phục hàng rào bảo vệ da. Ngoài ra chất dưỡng ẩm còn có thể thực hiện chức năng sinh học, phục hồi các yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên của da. Bởi vậy, ngày nay dưỡng ẩm da là phương pháp điều trị nền trong viêm da cơ địa, có vai trò quan trọng giúp da hạn chế tái phát các tổn thương cũng như giảm thiểu việc sử dụng corticoid.

      Thời điểm bôi dưỡng ẩm tốt nhất là sau khi tắm, khi da còn đang ẩm. Nên bôi dưỡng ẩm toàn thân, đặc biệt là các vùng da khô. 

      Nên dùng dưỡng ẩm 2-3 lần/ngày, với lượng dùng khoảng 1 đốt ngón tay trên diện tích da tương ứng 2 lòng bàn tay. Tuy nhiên, tần suất bôi có thể thay đổi phụ thuộc vào mức độ khô và đáp ứng của mỗi người.   

Lượng kem 1 đốt ngón tay trên diện tích da bằng 2 lòng bàn tay

Thời điểm bôi dưỡng ẩm tốt nhất là sau khi tắm

      Việc dưỡng ẩm da có ý nghĩa ở da lành. Những vùng da tổn thương cần được chăm sóc riêng biệt, không khuyến cáo dùng dưỡng ẩm trên vùng da tổn thương nếu sản phẩm dung nạp kém. Nếu phối hợp thuốc điều trị, cần thoa thuốc trước, dưỡng ẩm được thoa sau khi thuốc đã thấm vào da.

2. Chọn dưỡng ẩm thế nào là phù hợp: 

      Làn da trong viêm da cơ địa thường là một làn da khô, yếu và nhạy cảm. Bởi vậy dưỡng ẩm được chọn ngoài việc cung cấp đủ ẩm cho da cần có bảng thành phần dịu nhẹ lành tính và khả năng hấp thu tốt.

      Để lựa chọn được sản phẩm phù hợp với người viêm da cơ địa, nên lựa chọn các loại kem dưỡng ẩm chứa những thành phần sau:

      + Kháng viêm: Các hoạt chất kháng viêm tác dụng nhẹ như chất béo Ceramide; Glycyrrhetinic acid... có tác dụng giảm nhẹ phản ứng viêm do viêm da cơ địa gây ra.

      + Ngăn mất nước: Các hoạt chất Zinc oxide, Mineral oil (dầu khoáng), Petroleum và Lanolin... có tác dụng tạo một lớp màng trên bề mặt da giúp ngăn chặn tình trạng thoát hơi nước. Từ đó hạn chế tình trạng da khô rát, bong tróc. Các thành phần như Hyaluronic acid, Urea và Glycerin sorbitol có tác dụng hút nước từ lớp thượng bì đến lớp sừng nhằm giúp da mềm mịn, giảm bong tróc

      + Mềm da: Các hoạt chất giúp mềm da như: Isopropyl palminate, dầu bơ, yến mạch, dầu thầu dầu... không chỉ giúp da mềm mà còn giúp ngăn chặn sự xâm nhập của dị nguyên; hạn chế tình trạng viêm da cơ địa cấp.

 

                   Một số dưỡng ẩm có thể dùng cho cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ                     

Dạng Dạng cream có tỷ lệ cân bằng  và độ ẩm lý tưởng

    Kết cấu của sản phẩm: Tùy vào mức độ, vị trí khô da cũng như giai đoạn viêm da cơ địa để lựa chọn sản phẩm phù hợp. Thông thường, dưỡng ẩm dạng Cream là phù hơp nhất. Loại này chứa nước và dầu với tỉ lệ cân bằng; có ưu điểm là cung cấp độ ẩm lý tưởng, ít bết dính và dễ tán. Tuy nhiên, sản phẩm này có thêm chất bảo quản và chất ổn định trong thành phần nên một số người có thể bị dị ứng. Khi thoa sản phẩm nếu thấy tình trạng dị ứng thì nên ngừng ngay và hỏi ý kiến bác sĩ da liễu.

      Dạng mỡ có kết cấu đặc hơn với hơn 80% là dầu. Loại này có giá thành rẻ hơn, tác dụng dưỡng ẩm tốt, giúp ngăn chặn mất nước và phụ hồi hàng rào bảo vệ da. Tuy nhiên lại gây bết và bít tắt lỗ chân lông, sẽ không phù hợp với người da dầu, mụn. Chỉ nên dùng khi da quá khô, đặc biệt những vùng da bị dày sừng, thâm nhiễm, nứt nẻ nặng như bàn chân, bàn tay, mặt sau của khớp gối, khuỷu... 

     Nên chọn sản phẩm của những thương hiệu uy tín, tại nhà thuốc, cửa hàng uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái. Không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường.

3. Phương pháp làm sạch da trong viêm da cơ địa:

      Sữa rửa mặt, sữa tắm phù hợp với da sẽ giúp lấy đi bụi bẩn, dầu, vi khuẩn, tế bào chết... hỗ trợ chăm sóc và điều trị viêm da cơ địa tốt hơn so với chỉ tắm rửa bằng nước thông thường. Người viêm da cơ địa cần sử dụng dược mỹ phẩm dành riêng cho da nhạy cảm. Bệnh nhân nên dùng các sản phẩm tắm rửa không chứa xà phòng, có độ pH phù hợp (từ 5-6), có thể thêm thành phần dưỡng ẩm cho da như Glycerin, Niacinamide...

      Nên dùng cố định 1 loại sản phẩm làm sạch có thành phần dịu nhẹ ít hương liệu... nếu muốn thay đổi loại sản phẩm mới, nên dùng thử trên vùng da nhỏ xem có bị kích ứng không.

      Tắm và làm sạch da chỉ nên 1 lần mỗi ngày giúp duy trì làn da sạch sẽ, loại bỏ các yếu tố dễ gây kích ứng trên da.

      Nên tắm nhanh (dưới 10 phút) với nước không quá nóng.

4. Hạn chế các yếu tố gây kích ứng: 

      Cắt móng tay, hạn chế tối đa cào gãi sẽ làm tổn thương da, gây nên tình trạng nhiễm trùng da, để lại sẹo xấu,...

      Mặc đồ rộng rãi thoáng mát, tránh những trang phục từ da, nhựa, len sợi.

      Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với bụi, chất tẩy rửa, lông vật nuôi, côn trùng...

5. Chế độ ăn uống:

      Ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng, vitamin và uống nhiều nước góp phần tạo ra một làn da khỏe mạnh. Không nên kiêng khem quá mức, chỉ cần kiêng những đồ ăn có tiền sử gây dị ứng cho bản thân trước đó.

      Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.

6. Cần từ bỏ các thói quen chăm sóc da không đúng cách

      Bệnh viêm da cơ địa nếu không được chăm sóc điều trị đúng cách có thể gây các biến chứng: Nhiễm trùng, đỏ da toàn thân, giảm chất lượng cuộc sống... Lạm dụng kháng viêm Corticoid tại chỗ hoặc toàn thân có thể gây biến chứng mỏng da, thay đổi màu da, tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc có thể nghiêm trọng hơn như hội chứng Cushing.

Do vậy người bệnh không nên tự ý mua thuốc để trị viêm da cơ địa, tránh tự ý dùng các loại thuốc lá, thuốc tắm dân gian, dung dịch tẩy rửa vệ sinh để tắm, dùng các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc... sẽ làm nặng thêm tình trạng viêm da cơ địa. Người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn chăm sóc da và sử dụng thuốc đúng chỉ định.

Bệnh nhân cần hiểu viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính, bệnh không thể khỏi hoàn toàn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát các đợt tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống bằng việc chăm sóc da đúng đắn và phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

Các bệnh da liễu thường gặp- Đại Học Y Dược TP HCM

Bệnh học da liễu – Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch

Phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh da liễu – Bộ Y tế

BS CK I. Châu Thị Kim Trang - Khoa Khám Bệnh

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức