Mục tiêu của phục hồi chức năng đột quỵ là tập phục hồi chức năng sớm để giúp người bệnh học lại các kỹ năng đã mất khi bị đột quỵ ảnh hưởng đến một phần não của họ. Phục hồi chức năng đột quỵ có thể giúp người bệnh lấy lại sự độc lập và cải thiện chất lượng cuộc sống. Thông qua bài viết này, khoa Nội Thần Kinh bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức sẽ giải đáp một số câu hỏi thường gặp về vấn đề phục hồi chức năng sau đột quỵ.
1. Các rối loạn chức năng và di chứng nào thường gặp sau khi đột quỵ?
- Rối loạn trương lực cơ: thông thường người bệnh sẽ gặp tình trạng giảm trương lực cơ trong giai đoạn đầu và tăng trương lực cơ trong giai đoạn sau.
- Mất sự phối hợp bình thường giữa các cơ
- Mất đối xứng ở các nhóm cơ thân mình, chi và mặt
- Rối loạn cảm giác
- Rối loạn đại tiểu tiện
- Rối loạn ngôn ngữ: nói khó, nói ngọng, mất nói
- Rối loạn nuốt: nuốt khó, nuốt sặc, hít sặc
- Loét do đè ép: thường do nằm lâu, dinh dưỡng kém, vệ sinh không tốt
2. Mục tiêu chăm sóc và phục hồi chức năng cho người đột quỵ là gì?
- Đề phòng tổn thương thứ phát, tránh gây ra các biến chứng nặng nề về lâu dài (như loét, teo cơ, cứng khớp, gãy xương….)
- Phục hồi và biết cách tự sử dụng các động tác sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày nhiều nhất có thể, hạn chế dần sự trợ giúp của người khác như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân….
- Tự di chuyển được, giảm dần việc người khác phải hỗ trợ, biết cách sử dụng các dụng cụ trợ giúp (như nạng, xe lăn…..). Đây là mục tiêu rất quan trọng vì nó tạo điều kiện thay đổi cơ bản cuộc sống.
- Lao động trở lại với khả năng tối đa vì lợi ích của bản thân người bệnh, của gia đình và xã hội
Hình 1: Phục hồi chức năng cho người bị đột quỵ.(Nguồn: www.physioline.in)
3. Khi nào thì nên bắt đầu phục hồi chức năng sau đột quỵ ?
Phục hồi chức năng sau đột quỵ cần được tiến hành càng sớm càng tốt, ngay khi tình trạng nội khoa của bệnh nhân ổn định và có chỉ định của bác sĩ phục hồi chức năng, sớm nhất là 24 đến 48 giờ ngay sau đột quỵ. Bắt đầu phục hồi chức năng đột quỵ càng sớm, người bệnh càng có nhiều khả năng lấy lại các khả năng và kỹ năng đã mất.
4. Phục hồi chức năng sau đột quỵ kéo dài bao lâu?
Thời gian phục hồi chức năng đột quỵ của người bệnh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đột quỵ và các biến chứng liên quan. Một số người sau đột quỵ phục hồi nhanh chóng. Nhưng hầu hết đều cần một số hình thức phục hồi chức năng đột quỵ lâu dài, có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm sau khi họ bị đột quỵ.
5. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến kết quả của quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ?
Phục hồi đột quỵ khác nhau ở mỗi người. Thật khó để dự đoán bệnh nhân có thể phục hồi bao nhiêu khả năng và trong thời gian sớm. Nói chung, phục hồi chức năng đột quỵ thành công phụ thuộc vào:
- Các yếu tố thể chất, bao gồm cả mức độ nghiêm trọng của đột quỵ về cả tác động nhận thức và thể chất
- Các yếu tố cảm xúc, chẳng hạn như động lực và tâm trạng của người bệnh, và khả năng người bệnh gắn bó với các hoạt động phục hồi chức năng ngoài các buổi trị liệu
- Các yếu tố xã hội, chẳng hạn như sự hỗ trợ của bạn bè và gia đình
- Các yếu tố trị liệu, bao gồm bắt đầu sớm để phục hồi chức năng và kỹ năng của nhóm phục hồi chức năng đột quỵ của bệnh nhân.
- Tốc độ hồi phục thường cao nhất trong những tuần và vài tháng sau khi bị đột quỵ. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy hiệu suất có thể cải thiện thậm chí từ 12 đến 18 tháng sau khi bị đột quỵ.
- Dự phòng bằng thuốc: là một trong những yếu tố quan trọng. Các thuốc kháng kết tập tiểu cầu và các thuốc kháng đông thế hệ mới có vai trò vô cùng qquan trọng trong việc dự phòng đột quỵ tái phát.
6. Nên thay đổi lối sống, sinh hoạt hằng ngày như thế nào để giúp phòng ngừa bệnh đột quỵ và phục hồi, cải thiện chức năng sau khi bị đột quỵ?
- Với những bệnh nhân có hút thuốc, nên được khuyến cáo ngừng hút thuốc và tránh môi trường có khói thuốc.
- Người bệnh có thể tập thể dục, nên tập thường xuyên trong ít nhất 30 phút mỗi ngày, tập theo cường độ tăng dần ở mức bệnh nhân có thể chịu đựng được.
- Người bệnh nên được khuyến cáo sử dụng các sản phẩm từ sữa ít béo dựa trên dầu thực vật, tăng cường chất xơ và giảm lượng thịt đỏ ăn vào.
- Với những bệnh nhân thừa cân và béo phì nên được tư vấn và hỗ trợ để giảm cân.
- Người bệnh có kèm bệnh lý tăng huyết áp nên giảm lượng muối ăn vào, sử dụng ít muối nhất có thể khi nấu ăn và tránh các thực phẩm bảo quản, dưa chua, cải muối….
- Người bệnh có uống rượu nên được giữ trong giới hạn an toàn, không quá 3 đơn vị mỗi ngày đối với nam và hai đơn vị mỗi ngày đối với nữ (1 đơn vị rượu tương đương 100 ml rượu vang).
Hình 2: Chế độ ăn hợp lý cho người bệnh đột quỵ (Nguồn: vsh.org.vn).
Trên đây là một số câu hỏi thường gặp trong quá trình điều trị và chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ. Để có thể giải đáp hết những thắc mắc, băn khoăn và trở ngại của người bệnh và thân nhân về bệnh đột quỵ, trân trọng mời quý bệnh nhân, thân nhân và tất cả những ai quan tâm đến với câu lạc bộ bệnh nhân đột quỵ tại khoa Nội Thần Kinh bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức, nơi có những bác sĩ giỏi và nhiều kinh nghiệm như BS.CKII.Nguyễn Thanh Tùng, BS.CKI.Vũ Văn Thoại cùng đội ngũ bác sĩ trẻ giàu nhiệt huyết, sẽ giúp giải đáp hết những vấn đề trong việc điều trị và chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ.
BS Võ Trần Hồng Quân - BS CKII Nguyễn Thanh Tùng
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chăm sóc và điều trị NGƯỜI BỆNH ĐỘT QUỴ- Hội Đột Quỵ Việt Nam