1. Tổng quan
Có 4 nhóm virus cúm mùa là A, B, C và D. Virus cúm A và B lưu hành và gây ra các vụ dịch.
- Virus cúm A được phân loại thành các phân nhóm theo sự kết hợp kháng nguyên H và N trên bề mặt virus. Hiện đang lưu hành ở người là phân nhóm cúm A (H1N1) và A (H3N2). Chỉ có vi rút cúm A được biết là đã gây ra các đại dịch trong lịch sử.
-
Virus cúm B không được phân loại thành các phân nhóm, nhưng có thể được chia thành các dòng B/Yamagata hoặc B/Victoria.
-
Virus cúm C ít được phát hiện hơn và thường gây ra các bệnh nhẹ, do đó không có tầm quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
-
Virus cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và không gây bệnh cho người.
2. Triệu chứng
Triệu chứng của cúm thay đổi tuỳ người, nhưng thường bao gồm:
- Sốt: khởi phát đột ngột. Sốt thường cao và kéo dài khoảng 5 ngày (khác với cảm thường chỉ kéo dài khoảng 3 ngày)
- Nhức đầu, đau cơ, đau nhức khớp
- Mệt mỏi, khó chịu
- Ho (thường là ho khan), đau họng, chảy nước mũi cũng có thể gặp
- Ngoài ra có thể có các triệu chứng tiêu hóa như ói, tiêu chảy, biếng ăn
Các triệu chứng thường tự cải thiện sau khoảng 5-7 ngày. Tình trạng mệt mỏi có thể kéo dài đến vài tuần. Tuy nhiên, cúm có thể gây biến chứng nặng và tử vong, tỉ lệ biến chứng của cúm cao hơn so với cảm, đặc biệt ở các nhóm đối tượng nguy cơ cao, bao gồm:
- Trẻ em < 5 tuổi, đặc biệt là trẻ < 2 tuổi
- Người lớn > 65 tuổi
- Phụ nữ có thai hoặc trong vòng 2 tuần sau sinh
- Bệnh nhân nội trú hoặc trong các cơ sở chăm sóc y tế
- Người có bệnh nền: hen suyễn, người có vấn đề về phát triển tâm vận, bệnh phổi mạn, bệnh tim mạch, suy giảm miễn dịch (như bệnh nhân HIV/AIDS), suy giảm chức năng các cơ quan khác, béo phì nặng.
Vậy các biến chứng có thể gặp của cúm là gì?
-
Viêm phổi là biến chứng thường gặp nhất, đặc biệt là ở các đối tượng nguy cơ cao. Bệnh nhân sốt cao kéo dài, ho đàm, nặng ngực, khó thở, tím tái.
-
Các biến chứng khác bao gồm: lên cơn hen ở bệnh nhân có tiền căn hen, viêm tai giữa, viêm thanh khí phế quản, …
3. Cúm được chẩn đoán như thế nào?
Cúm đa số được các bác sĩ chẩn đoán dựa trên khám lâm sàng. Ở một vài trường hợp cần lấy dịch mũi họng để làm xét nghiệm xác định bằng PCR. Trên thị trường cũng có những kit test nhanh cho kết quả tương đối chính xác.
4. Điều trị gì khi bị cúm?
Nếu bạn không nằm trong nhóm nguy cơ cao, đa số cúm sẽ tự khỏi trong 1-2 tuần, nên chỉ cần điều trị triệu chứng và hỗ trợ:
- Nghỉ ngơi cho tới khi hồi phục
- Uống đủ nước, sao cho nước tiểu trong hoặc có màu vàng nhạt
- Sử dụng các thuốc hạ sốt, giảm đau như paracetamol, ibuprofen đúng liều khi sốt hoặc đau nhức nhiều
- Hỏi ý kiến bác sĩ về sử dụng các loại thuốc giảm ho
Nếu bạn nằm trong nhóm bệnh nhân nguy cơ cao, hoặc có triệu chứng nặng, có thể bạn cần điều trị bằng thuốc kháng virus và hỗ trợ, cần đi khám bác sĩ ngay.
Vậy các triệu chứng nặng cần lưu ý là gì?
- Cảm giác khó thở, thở ngắn
- Đau hay cảm giác tức, nặng ngực, vùng bụng trên rốn
- Có dấu hiệu mất nước như bạn cảm thấy say sẩm chóng mặt khi đứng dậy hoặc không đi tiểu trong 1 ngày
- Lú lẫn
- Nôn ói liên tục, không thể uống đủ nước
- Sốt cao liên tục, kéo dài trên 5 ngày
Ở trẻ em, đưa trẻ đi khám ngay nếu:
- Da trẻ xanh hoặc tái
- Quấy khóc liên tục, khó dỗ
- Trẻ có dấu mất nước, khóc nhưng không có nước mắt
- Sốt kèm phát ban
- Trẻ li bì, khó đánh thức
5. Phòng ngừa cúm như thế nào?
Phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm là chích ngừa vaccin. Vaccin cúm đã được sử dụng và chứng minh hiệu quả và tính an toàn hơn 60 năm qua.
Vaccin cúm làm giảm khả năng bị nhiễm bệnh, giảm độ nặng của bệnh khi nhiễm, giảm nguy cơ các biến chứng và nguy cơ tử vong.
Hiệu quả của vaccin giảm dần theo thời gian, do vậy cần chích ngừa cúm hàng năm.
Vaccin có lợi ích với mọi người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở các đối tượng nguy cơ cao (kể trên).
Ngoài ra, các biện pháp phòng hộ cá nhân khác cũng rất quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm bệnh:
-
Rửa tay thường xuyên với xà phòng. Nếu không có xà phòng có thể sử dụng các dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn
-
Che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi. Có thế dùng khuỷu tay để che miệng mũi khi ho hắt hơi để tránh lây nhiễm tay. Vứt các sản phẩm lây nhiễm đúng nơi quy định.
-
Hạn chế chạm tay lên mắt, mũi, miệng vì đó là đường lây nhiễm chính.
-
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
-
Khi bạn có triệu chứng bị cúm, hãy ở nhà, hạn chế tiếp xúc với mọi người cho tới khi bạn hết sốt ít nhất 24 giờ.
Mọi thông tin về cúm trên toàn thế giới có thể tham khảo tại HỆ THỐNG GIÁM SÁT VÀ ỨNG PHÓ VỚI CÚM TOÀN CẦU của Tổ chức Y tế thế giới (Global Influenza Surveillance and Response System - GISRS) tại:
https://www.who.int/initiatives/global-influenza-surveillance-and-response-system
***Tài liệu tham khảo:
1. Influenza (Seasonal), from: https://www.who.int/en/news-room/fact-sheets/detail/influenza-(seasonal)
2. Flor M Munoz, MD, MSc (2022). Seasonal influenza in children: Clinical features and diagnosis, In I. Mary M Torchia, MD (Ed.), UpToDate. from https://www.uptodate.com/contents/seasonal-influenza-in-children-clinical-features-and-diagnosis
3. Raphael Dolin, MD, MD, MSc (2022). Influenza: Epidemiology and pathogenesis, In I. Elinor L Baron, MD, DTMH (Ed.), UpToDate. from https://www.uptodate.com/contents/influenza-epidemiology-and-pathogenesis
4. Flor M Munoz, MD, MSc, Morven S Edwards, MD (2022). Seasonal influenza in children: Management, In I. Mary M Torchia, MD (Ed.), UpToDate. from https://www.uptodate.com/contents/seasonal-influenza-in-children-management
5. Flor M Munoz, MD, MSc, Morven S Edwards, MD (2022). Seasonal influenza in children: Prevention with vaccines ,In I. Mary M Torchia, MD (Ed.), UpToDate. from https://www.uptodate.com/contents/seasonal-influenza-in-children-prevention-with-vaccines
BS CKI Nguyễn Thanh Tuấn
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức