1. CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ
Hiện nay đái tháo đường đang trở thành đại dịch trên toàn thế giới. Đái tháo đường khi có thai cũng ngày càng gia tăng nhất là ở những thai phụ có những yếu tố nguy cơ như: cha mẹ, anh em có người bị đái tháo đường, thai kỳ lần trước bị thai lưu, thai dị tật, con to hoặc ở những người có lối sống ít vận động, béo phì, cao huyết áp.
2. TÁC HẠI
Đái tháo đường xảy ra khi mang thai thường không có triệu chứng gì ngay cả xét nghiệm đường lúc đói cũng không cao, nhưng lại có thể gây những ảnh hưởng rất nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.
- Đối với mẹ: có thể gây bệnh lý thận, tiền sản giật, bệnh lý tim,…
- Đối với con: có thể gây sẩy thai, thai dị tật, thai chết trong bụng mà không rõ lý do, con sanh ra to, sanh khó, nguy cơ phải mổ sanh cao, dễ ngạt, vàng da nặng và nếu không được phát hiện và hướng dẫn một chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, điều trị đúng sẽ có thể tiến triển thành bệnh đái tháo đường type II sau này.
3. TẦM SOÁT
Muốn biết mình có bị đái tháo đường thai kỳ hay không, nhất là các thai phụ có nguy cơ cao, các bạn nên tham gia thực hiện chương trình “ Tầm soát đái tháo đường trong thai kỳ” tại phòng khám thai Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức và sẽ được hướng dẫn một chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng như điều trị hợp lý nếu như phát hiện ra bệnh nhằm chăm sóc sức khoẻ cho mình và thai nhi được tốt hơn.
- Thời điểm thực hiện: Tất cả phụ nữ đang mang thai, tuổi thai từ 24 -28 tuần, có thể lên đến 32 tuần nếu chưa làm.
- Các bước thực hiện: đăng ký khám thai => phòng khám thai lấy chỉ định => đóng phí => nhận chai nước đường + uống và lấy máu tại khoa xét nghiệm.
- Thời gian: trước 8 giờ sáng từ thứ 2 – thứ 7
- Cách tiến hành:
- Lấy máu lần 1: lúc đói. Sau đó uống ngay chai nước đường 75g trong 5 phút tại khoa xét nghiệm.
- Lấy máu lần 2: cách 1 giờ sau lần 1.
- Lấy máu lần 3: cách 1 giờ sau lần 2.
Chú ý:
- Thai phụ ăn uống bình thường 3 ngày trước đó.
- Không ăn, không uống sữa sau 22 giờ trước ngày làm xét nghiệm.
- Trước lúc làm nghiệm pháp phải nghỉ ngơi ít nhất 30 phút.
- Trong thời gian làm nghiệm pháp bệnh nhân không được ăn, uống nước đường, nước có gaz, hút thuốc lá, uống cà phê ( có thể uống nước lọc).
- Nếu bị nôn sau uống đường thì báo ngay nhân viên phòng khám thai để làm test vào ngày khác.
Kết luận:
- Tuỳ theo mức độ cao của đường huyết, bạn sẽ được bác sĩ của mình cho những hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn uống, sinh hoạt hoặc điều trị bằng thuốc hợp lý, giúp chăm sóc sức khoẻ tốt cho bạn và con bạn.
- Để biết thêm chi tiết vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức bằng Hotline: 02837223556 Hoặc Facebook: https://www.facebook.com/bvdkkhuvucthuduc/?mibextid=LQQJ4d
BS CKI Trần Quế Lâm - Khoa Sản
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức