DẤU GAI ĐEN | Dấu Hiệu Cảnh Báo Về Các Vấn Đề Sức Khỏe Tiềm Ẩn

Bởi supadmin -23-09-2024

Gai đen là bệnh gì?

      Chứng gai đen là một rối loạn da gây ra các đốm màu nâu nhạt đến đen. Nó thường xảy ra với những người khỏe mạnh, nhưng trong một số trường hợp, nó có thể là dấu hiệu của một bệnh tiềm ẩn. Các vết trông giống như một đốm hoặc vết bẩn mà chúng ta nghĩ rằng có thể chà sạch. Nhưng rửa sẽ không loại bỏ được dấu gai đen.

Dấu gai đen xuất hiện ở đâu?

      Dấu gai đen có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Chúng thường xuất hiện ở các nếp gấp da ở cổ, nách, bẹn và dưới vú.

Dấu gai đen có lây không?

      Không, Dấu gai đen không lây. Bạn không thể lây cho người khác hoặc bị lây từ người khác.

Dấu gai đen có nguy hiểm không?

      Tình trạng này không gây hại,  nhưng có thể là dấu hiệu của một bệnh tiềm ẩn cần được điều trị. Nếu bạn nhận thấy các vết bất thường hoặc da có màu, hãy đến gặp Bác sĩ chuyên khoa Nội Tiết hoặc Da liễu. Bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm để xác định bệnh để điều trị.

Ai có thể mắc dấu gai đen?

      Bất kỳ ai cũng có thể mắc dấu gai đen, bao gồm cả những người khỏe mạnh. Những trường hợp có thể có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn là:

  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Có tiền sử gia đình mắc dấu gai đen.
  • Là người gốc thổ dân châu Mỹ, châu Phi, Caribe hoặc gốc Tây Ban Nha.
  • Có làn da sẫm màu hơn.

Dấu gai đen có thường gặp không?

      Dấu gai đen là một căn bệnh hiếm gặp. Tuy nhiên, một nghiên cứu về người lớn bị béo phì đã phát hiện ra rằng trong số những người có cân nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể lý tưởng của họ, ít nhất 50% có dấu gai đen.

Nguyên nhân gây bệnh gai đen là gì?

      Bệnh gai đen xảy ra do những nguyên nhân sau:

  • Tình trạng đề kháng insulin: phần lớn các trường hợp mắc bệnh gai đen cũng sẽ dẫn đến hậu quả là tình trạng đề kháng insulin, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2
  • Rối loạn nội tiết: bệnh thường xảy ra ở những người có tình trạng rối loạn nội tiết do các nguyên nhân như u nang buồng trứng, suy chức năng tuyến giáp hoặc các rối loạn của tuyến thượng thận
  • Thuốc: bệnh gai đen có thể là hậu quả của việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc ngừa thai, prednisone, thuốc chứa corticosteroid hoặc một số chất bổ sung như niacin liều cao (vitamin B3)
  • Ung thư: trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh gai đen có thể xuất hiện do khối u hạch lympho hoặc khi khối u bắt đầu phát triển trong cơ quan ví dụ như dạ dày, đại tràng hoặc gan

Các triệu chứng của bệnh gai đen là gì?

Các dấu hiệu của tình trạng da này bao gồm:

  • Các mảng da nâu hoặc đen.
  • Da có cảm giác như nhung.
  • Ngứa.
  • Các mảngda có mùi hôi
  • Vị trí thường gặp ở nách, cổ, bẹn, bộ phận sinh dục, quanh rốn, vú.
  • Khi thương tổn tăng lên, các nếp da rõ, dày da, bề mặt trở nên thô hơn.
  • Lòng bàn tay bàn chân dày.
  • Trường hợp nặng có thể bị toàn thân.
  • Thể trạng có thể biểu hiện thừa cân, béo phì.

Các triệu chứng của bệnh gai đen có xu hướng phát triển chậm. Nếu các triệu chứng phát triển nhanh, thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư, mặc dù điều này rất hiếm gặp.

Bệnh gai đen được chẩn đoán như thế nào?

Các xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh gai đen bao gồm:

  • Xét nghiệm máu, có thể giúp xác nhận hoặc loại trừ các tình trạng bệnh lý tiềm ẩnnhư bệnh đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp, tuyến thượng thận.
  • Sinh thiết da (lấy mẫu mô da), trong những trường hợp hiếm hoi, nếu chuẩn đoán không rõ ràng. 

Những phương pháp điều trị bệnh gai đen?

  • Bệnh gai đen gây ra do thuốc: bệnh sẽ tự hết sau khi ngưng sử dụng thuốc
  • Bệnh gai đen do đề kháng insulin: kiểm soát cân nặng bằng chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh sẽ giảm tình trạng kháng insulin và cải thiện bệnh
  • Điều trị bằng thuốc bôi ngoài da: một số loại thuốc cũng giúp cải thiện bệnh bao gồm các thuốc kê toa như Retin-A, urê 20%, hydroxyacid alpha, vitamin D tại chỗ và axit salicylic. Tuy nhiên, tác dụng của các thuốc này rất hạn chế

Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được cách trị bệnh gai đen thích hợp nhất.

Làm sao để phòng ngừa bệnh gai đen?

Để phòng ngừa bệnh gai đen, chúng ta có thể điều trị và kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh.

  • Béo phì: kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục thể thao hợp lý sẽ giúp cải  thiện tình trạng đề kháng insulin, từ đó sẽ góp phần phòng ngừa bệnh gai đen
  • Điều trị các tình trạng sức khoẻ liên quan đến bệnh gai đen, ví dụ như điều trị suy giáp
  • Tránh và hạn chế sử dụng các loại thuốc, chất bổ sung có thể làm nặng tình trạng bệnh hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh như thuốc ngừa thai, prednisone, corticosteroid, chất bổ sung (niacin liều cao...)

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế (2011). Bệnh viện Bạch Mai. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa.  Nhà xuất bản Y học.

2. Bộ Y tế (2015). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh Da liễu, Ban hành kèm theo Quyết định số 75/QĐ-BYT ngày 13/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bs CKI. Trương Bảo Anh Minh - Khoa Nội tiết

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức