ĐỀ KHÁNG KHÁNG SINH

Bởi supadmin -05-03-2024
Đề kháng kháng sinh không phải là mới, hiện đã tiến triển đến mức độ rất nguy hiểm cho nhân loại, nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu về nó. Theo ước tính, đến 2050, số người tử vong vì đề kháng kháng sinh có thể lên đến con số 10 triệu người [1].

Cơ chế của đề kháng kháng sinh và lan truyền như thế nào?

      Cơ chế của đề kháng kháng sinh có thể được hiểu đơn giản như sau: khi người bệnh sử dụng kháng sinh, thuốc kháng sinh sẽ tác động trên một hay nhiều bộ phận của tế bào vi khuẩn và tiêu diệt chúng, trừ một số loại vi khuẩn có khả năng kháng thuốc (vi khuẩn thay đổi các đặc tính cấu trúc, chuyển hoá...) làm cho kháng sinh không còn tác dụng giết chết vi khuẩn. 

      Những vi khuẩn kháng thuốc này tiếp tục phát triển, nhân lên, phát tán và lây nhiễm những người khác làm cho thuốc kháng sinh dần mất tác dụng, gây ra tình trạng đề kháng thuốc [2].

Nguyên nhân gây ra đề kháng kháng sinh

  • Kê toa kháng sinh khi không cần thiết.
  • Bệnh nhân không tuân thủ điều trị
  • Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. 

      Kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện và phòng khám chưa tốt, chưa có kháng sinh mới [2]

      Hậu quả của việc đề kháng kháng sinh

  • Chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng có thể giảm sút nghiêm trọng.
  • Bệnh diễn biến nặng, phức tạp hơn rất nhiều, mất nhiều thời gian để bình phục, thậm chí tử vong.
  • Không thể điều trị bệnh dứt điểm, có nguy cơ tái phát nhiều lần làm khó khăn trong công tác đều trị
  • Chi phí điều trị tăng lên nhiều lần [3].

      Hạn chế tình trạng kháng thuốc và lây lan vi khuẩn kháng thuốc chúng ta cần làm gì?

      Đối với cơ sở y tế:

  • Tiếp cận đa ngành: bao gồm đội ngũ chăm sóc bác sĩ, dược sĩ, vi sinh lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn, điều dưỡng, hộ lý, người bệnh, và/hoặc người chăm sóc.
  • Chỉ kê toa kháng sinh khi thật cần thiết, đúng chỉ định
  • Học hỏi, cập nhật các hướng dẫn về sử dụng các kháng sinh mới đang được đưa vào sử dụng trên lâm sàng để điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn kháng thuốc và cần được đánh giá thêm về hiệu quả cũng như xu hướng kháng thuốc của vi khuẩn ở từng cơ sở điều trị.

      Đối với người bệnh

  • Chỉ sử dụng kháng sinh do bác sĩ kê đơn
  • Không tự ý ngừng thuốc khi bệnh thuyên giảm mà phải sử dụng thuốc kháng sinh đúng thời gian bác sĩ kê đơn
  • Không sử dụng lại toa thuốc cho các lần bệnh sau
  • Không chia sẻ kháng sinh với người thân và bạn bè
  • Phòng chống nhiễm khuẩn bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và giữ cho cơ thể khỏe mạnh, tiêm ngừa vắc xin đầy đủ

Tài liệu tham khảo

Review on Antimicrobial Resistance, Tackling drug- resistant infections globally

Hội hô hấp TP HCM, 2018, Đề kháng kháng sinh “Bài toán ý thức” của cả cộng đồng.

Antibiotic Resistance: What Is It, Complications and How to Prevent 2023

IDSA 2023 Guidance on the Treatment of Antimicrobial Resistant Gram-Negative Infections.

BS. Tôn Thị Thanh - Khoa Hồi sức tích cực – chống độc

Bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức