Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức (TP.HCM) vừa áp dụng thành công phương pháp điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết (rt-PA). Ở thời điểm hiện tại, đây được xem là phương pháp tối ưu nhất giúp làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não mà chưa cần phẫu thuật hay can thiệp.
Trưa ngày 16.09.2020, bà Đ. T. L. (75 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) nhập viện cấp cứu với các triệu chứng: " nói đớ, liệt nửa người bên phải. "
Sau khi được các Bác sĩ thuộc Khoa Cấp cứu thực hiện khám lâm sàng và cận lâm sàng, CT, MRI sọ não đồng thời hội chẩn với các Bác sĩ của " Đơn vị Đột quỵ " trực thuộc Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức. Từ kết quả trên phim CT sọ não và MRI sọ não bệnh nhân được chẩn đoán:
" Nhồi máu não cấp vùng thùy đính bên trái giờ thứ 2; Hẹp động mạch não giữa bên trái đoạn M2."
Ngay lập tức các Bác sĩ của Đơn vị Đột quỵ đưa ra quyết định sử dụng " phương pháp điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch bằng thuốc rt-PA (tên biệt dược là Actilyse) " vào giờ thứ 3 tính từ khi khởi phát bệnh, sau khi đánh giá lại bệnh nhân thỏa mãn các chỉ định và chống chỉ định của phương pháp điều trị này.
Trong quá trình dùng thuốc tiêu sợi huyết bệnh nhân được đưa đi chụp CT mạch máu não (với Máy CT – SCANNER 128 Lát Cắt) kết quả " tái thông hoàn toàn động mạch não giữa bên trái."
Bệnh nhân ngay sau đó được chuyển lên Đơn vị Đột quỵ trực thuộc Khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức để điều trị, theo dõi và chăm sóc theo quy trình chăm sóc bệnh nhân đột quỵ.
Theo BS CKI Vũ Văn Thoại, chuyên khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức:
“ Đột quỵ não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn phế và tử vong, dẫn đến gánh nặng cho gia đình và xã hội.Trong số các biện pháp hiện có, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rt-PA) đang là phương pháp tối ưu nhất giúp làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não mà chưa cần phẫu thuật hay can thiệp.”
Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não được tiếp cận và điều trị bằng phương pháp này còn rất ít. “ Nguyên nhân chính là do thuốc rt-PA chỉ áp dụng cho người bệnh bị nhồi máu não đến sớm trước 3 – 4,5 giờ đầu sau khi khởi phát triệu chứng đầu tiên. Trong khi đó, theo tâm lý của đại đa số người Việt, sau khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ, người nhà bệnh nhân thường tự ý dùng thuốc hay dùng các biện pháp dân gian thay vì đến các cơ sở y tế, hậu quả là vô tình bỏ lỡ khung giờ vàng vô cùng quý giá để điều trị Đột quỵ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phục hồi cũng như tính mạng của bệnh nhân ”, BS Thoại phân tích.
Sau 24 giờ chăm sóc và theo dõi tại khoa, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt: " Bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, nói rõ, vận động nửa người bên phải tốt, các dấu hiệu sinh tồn (mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở…..) ổn định. " Bác sĩ cũng đã tiến hành chụp lại CT sọ não và không thấy biến chứng xuất huyết não.
Sau 48 giờ nhập viện, bệnh nhân đã có thể đi đứng bình thường, vận động nhẹ nhàng và tự thực hiện các sinh hoạt cá nhân. Hiện tại, bệnh nhân đã được xuất viện, tiếp tục điều trị ngoại trú tại Phòng khám Nội thần kinh để tiếp tục theo dõi và sử dụng thuốc hỗ trợ dự phòng các yếu tố nguy cơ có thể gây tái phát.
BS CKI Vũ Văn Thoại
Khoa Nội Thần Kinh - Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức