1. Dịch tễ
Enterobacteriaceae sinh ESBL đã được báo cáo trên toàn thế giới, thường gặp nhất trong các mẫu bệnh phẩm ở bệnh viện nhưng cũng được phát hiện trong các mẫu bệnh phẩm từ cộng đồng. Tỷ lệ mắc bệnh khác nhau giữa các bệnh viện và giữa các quốc gia. Trong một thống kê gồm 5.739 mẫu phân lập từ 72 bệnh viện Hoa Kỳ được thu thập vào năm 2012, tần suất chung của ESBL là 16% ở K. pneumoniae, 11,9% ở E. coli, 10% ở K. oxytoca và 4,8% ở P. mirabilis. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở các chủng phân lập từ Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Trung Đông, đạt 60% ở các chủng K. pneumoniae phân lập từ Argentina và 48% ở các chủng E. coli phân lập từ Mexico.
Trẻ em cũng ngày càng bị ảnh hưởng bởi các vi khuẩn sinh ESBL. Trong một nghiên cứu khảo sát từ Hoa Kỳ, tỷ lệ vi khuẩn gram âm sinh ESBL phân lập trong các bệnh phẩm nhi khoa tăng từ 0,28% trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến 2001 lên 0,92% trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2011.
2. Các yếu tố nguy cơ
Đường tiêu hóa là nguồn chính của Enterobacteriaceae sinh ESBL và sự xâm nhập của các vi sinh vật này là một yếu tố nguy cơ cao gây nhiễm trùng sau đó. Hầu hết các yếu tố lâm sàng liên quan đến sự xâm nhập và nhiễm các sinh vật sinh ESBL đều liên quan đến việc tiếp xúc với chăm sóc y tế như nhập viện, lưu trú ở các cơ sở chăm sóc dài hạn, chạy thận nhân tạo và sự hiện diện của catheter nội mạch. Tuy nhiên, nhiễm trùng mắc phải trong cộng đồng không phải là hiếm, các yếu tố nguy cơ bao gồm điều trị kháng sinh gần đây, sử dụng corticosteroid và sự hiện diện của nuôi ăn bằng ống thông qua da.
Ngoài ra, đối với người sống ở Hoa Kỳ và Châu Âu, việc du lịch đến Châu Á cũng là một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến sự xâm nhập của Enterobacteriaceae sinh ESBL. Đối với khách du lịch, bệnh tiêu chảy và việc sử dụng kháng sinh có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhiễm ESBL.
3. Lựa chọn điều trị
Carbapenem là thuốc được ưu tiên
Lựa chọn điều trị ưu tiên đã được chứng minh đối với các bệnh nhiễm trùng nặng do các sinh vật sinh ESBL gây ra là carbapenem (imipenem, meropenem và ertapenem). Meropenem hoặc imipenem được khuyến nghị cho hầu hết các trường hợp nhiễm ESBL. Ertapenem là một lựa chọn có thể chấp nhận được trong trường hợp không có kháng thuốc hoặc nhiễm trùng huyết nặng và có thể đặc biệt hữu ích ở bệnh nhân ngoại trú.
Sử dụng cephalosporin và piperacillin-tazobactam có liên quan đến thất bại điều trị hoặc tỷ lệ tử vong cao hơn. Fluoroquinolon có thể được sử dụng để điều trị các chủng nhạy cảm nhưng tình trạng kháng thuốc là phổ biến.
4. Các tác nhân thay thế
Sự kết hợp cephalosporin - chất ức chế beta-lactamase (ceftolozan-tazobactam, certazidim-avibactam) và tetracyclin phổ rộng (evacyclin) có vẻ đầy hứa hẹn, nhưng cần có thêm dữ liệu lâm sàng để chứng minh hiệu quả của chúng so với carbapenem. Tại Hoa Kỳ, ceftolozan-tazobactam, ceftazidim-avibactam và eravacyclin đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để sử dụng trong các trường hợp nhiễm trùng ổ bụng phức tạp (cùng với metronidazol đối với các phối hợp cephalosporin - chất ức chế beta-lactamase. Ceftolozan-tazobactam và ceftazidim-avibactam cũng được chấp thuận cho nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) phức tạp; các thử nghiệm đánh giá việc sử dụng chúng để điều trị viêm phổi liên quan đến thở máy đang được tiến hành. Eravacyclin không thành công trong các thử nghiệm điều trị UTI phức tạp.
Đối với UTI phức tạp, plazomicin là một lựa chọn khác có thể chống lại các chủng phân lập sinh ESBL kháng các aminoglycosid khác. Thuốc này thường được dành cho những bệnh nhân không thể sử dụng carbapenem và nguy cơ rối loạn chức năng thận là điều cần cân nhắc. Tương tự như vậy, fosfomycin đường tiêm là một lự chọn tiềm năng cho UTI phức tạp do các chủng phân lập sinh ESBL nhạy cảm khi không thể sử dụng carbapenem, nhưng nó không được phổ biến rộng rãi.
Đối với viêm bàng quang đơn giản, fosfomycin và nitrofurantoin đường uống là những lựa chọn tiềm năng khắc có thể vẫn có hoạt tính chống lại các chủng phân lập sinh ESBL.
*** Tài liệu tham khảo:
Kalpana Gupta, et al. (2022). Extended-spectrum beta-lactamases. UpToDate. Truy cập ngày 17/01/2023
ThS DS Hà Xuân Tuấn - Khoa Dược
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức