I. Giới thiệu
Hình 1: gãy xương bả vai
Gãy xương bả vai là gãy xương không thường gặp của vùng vai, được gây ra bởi những chấn thương năng lượng cao và thường đi kèm với tổn thương phổi, chấn thương đầu và gãy các xương lân cận kèm theo…Mặc dù phần lớn các trường hợp gãy xương bả vai có thể điều trị bảo tồn bằng cách đeo nẹp, nhưng những trường hợp gãy phạm khớp, gãy di lệch cổ, thân, mỏm quạ, mỏm cùng vai nhiều cần phải phẫu thuật nếu không sẽ bị mất vững đai vai cánh tay, thoái hóa khớp vai sau này.
Tỉ lệ gặp phải của gãy xương bả vai <1% của tất cả các gãy xương, và từ 3-5% của gãy xương vùng vai. Tuổi gặp phải thường từ 25-50, gặp nhiều hơn ở nam giới. Vị trí gãy của xương bả vai thường gặp: gãy thân xương bả vai 45 – 50%, gãy ổ chảo khoảng 35%, gãy mỏm cùng vai khoảng 8%, gãy mỏm quạ khoảng 7%.
II. Chẩn đoán
a. Lâm sàng:
Bệnh nhân thường được đưa vào viện với tình trạng đau, sưng, bầm tím, mất cơ năng vùng vai do chấn thương năng lượng cao gây ra. Thường kèm theo chấn thương nhiều cơ quan khác.
Khám lâm sàng sẽ ghi nhận: tình trạng biến dạng, lạo xạo xương vùng xương bả vai.
Hình 2: biến dạng do gãy xương bả vai (mũi tên đỏ)
b. Cận lâm sàng:
Gãy xương bả vai được chẩn đoán bằng X-quang vai tư thế thẳng, tư thế nghiêng hoặc tư thế nách, thường chụp thêm x-quang phổi để xem xét tình trạng gãy xương sườn hoặc tổn thương phổi màng phổi kèm theo.
Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): để đánh giá chính xác tổn thương mặt khớp và các cấu trúc khó quan sát trên x-quang như mỏm quạ, mỏm cùng vai.
Hình 3: Gãy xương bả vai (mũi tên đỏ) và gãy xương đòn kèm theo (mũi tên xanh) trên X-quang vai tư thế thẳng.
Hình 4: Gãy xương bả vai trên X-quang vai tư thế nghiêng
Hình 5: Gãy ổ chảo xương bả vai trên phim CT-scan
c. Phân loại:
- Phân loại gãy ổ chảo theo Ideberg
Type 1a: Gãy bờ trước ổ chảo
Type 1b: Gãy bờ sau ổ chảo
Type 2: Đường gãy xuyên từ ổ chảo xuống thân xương bả vai bên dưới
Type 3: Đường gãy xuyên từ ổ chảo lên thân xương bả vai bên trên
Type 4: Đường gãy xuyên ổ chảo đi vào bờ trong thân xương bả vai
Type 5a: phối hợp type 2 và 4
Type 5b: phối hợp type 3 và 4
Type 5c: phối hợp type 2, 3, 4
Type 6: Gãy nát nhiều mảnh ổ chảo.
- Phân loại gãy mỏm cùng vai theo Kuhn
Type I: Gãy không di lệch hoặc ít di lệch
Type II: Gãy di lệch nhưng không ảnh hưởng đến khoang dưới mỏm cùng vai.
Type III: Gãy di lệch và ảnh hưởng đến khoang dưới mỏm cùng vai.
- Phân loại gãy mỏm quạ theo Ogawa
Type I: Đường gãy nằm ở phía chân mỏm quạ phía sau nơi bám dây chằng quạ đòn.
Type II: Đường gãy ở phía đầu của mỏm quạ.
III. Điều trị
- Bảo tồn: bằng cánh đeo đai trong khoảng 3 tuần những trường hợp gãy ít di lệch, ít gập góc hoặc những trường hợp chống chỉ định phẫu thuật vì lý do nội khoa.
Hình 6: đeo đai trong điều trị bảo tồn gãy xương bả vai
- Phẫu thuật:
+ Chỉ định: trong các trường hợp sau
- Gãy hở
- Gãy thân xương bả vai: gãy bờ ngoài >20mm, góc cổ thân <20-22 độ, gập góc > 40 độ.
- Gãy cổ xương bả vai: gập góc >40 độ, di lệch > 1cm, góc cổ thân <20-22 độ
- Gãy ổ chảo: gãy > 20-25 % ổ chảo, di lệch mặt khớp >4mm.
- Gãy mỏm cùng vai: di lệch >1cm, chèn ép khoang dưới mỏm cùng, hoặc trong gãy phối hợp các cấu trúc đai vai.
- Gãy mỏm quạ: di lệch >1cm, gãy type 1 theo ogawa, hoặc trong gãy phối hợp các cấu trúc đai vai.
- Phương pháp phẫu thuật: có thể sử dụng vít, hoặc nẹp vít để kết hợp xương ổ gãy xương bả vai
Hình 7: gãy xương bả vai được KHX bằng nẹp vít
Hình 8: Gãy ổ chảo xương bả vai được KHX bằng vít.
Hiện tại khoa Chấn Thương Chỉnh Hình bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức đã phẫu thuật nhiều trường hợp gãy xương bả vai từ đơn giản đến phức tạp, cho kết quả phục hồi chức năng của bệnh nhân tốt đến rất tốt. Những bệnh nhân đã được phẫu thuật KHX bả vai đều có thể quay trở lại lao động hàng ngày, cho đến nay chưa ghi nhận biến chứng sau phẫu thuật.
BS.CKII Đỗ Quang Sang - Trưởng khoa Chấn Thương Chỉnh Hình
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức