1/ Hen phế quản là gì?
Hen phế quản hay còn được gọi là hen suyễn, là một bệnh lý khá phổ biến ở đường hô hấp được đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp, làm tăng đáp ứng của đường thở gây tắc nghẽn hay hạn chế luồng khí đường thở, dẫn đến các triệu chứng như khò khè, khó thở, nặng ngực và ho lặp đi lặp lại nhiều lần, nhất là về đêm và gần sáng, phần lớn có thể phục hồi tự nhiên hay do dùng thuốc. Tuỳ vào việc tiếp xúc với các yếu tố kích thích và đáp ứng kích thích của các tiểu phế quản cũng như cơ địa từng người mà biểu hiện có thể ở mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Hen phế quản là một bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi nhưng triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát bởi sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Đường dẫn khí hen phế quản
2/ Nguyên nhân bệnh Hen phế quản
Hen phế quản thường do rất nhiều nguyên nhân gây ra, thường được người ta chia ra làm 2 nhóm tác nhân:
+ Các tác nhân dị ứng: là nguyên nhân thường gặp nhất:
- Nhiễm khuẩn, virut ( đặc biệt nhiễm virut đường hô hấp trên )
- Hít phải dị nguyên: bụi nhà ( 44% ), bụi lông gia súc, gia cầm, bụi xác côn trùng, nấm mốc, phấn hoa...
- Bụi ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết (như giảm nhiệt độ, độ ẩm và sương mù, đặc biệt khi trời lạnh và khô ) hút thuốc thụ động.
- Một số thuốc: Aspirin, thuốc giảm đau Nonsteroide làm bùng nổ cơn hen.
- Gắng sức.
- Một số loại thức ăn: tôm, cua , cá...
- Nghề nghiệp: tiếp xúc một số muối kim loại, bụi gỗ...
- Nội tiết: một số trường hợp hen liên quan với khi có thai và kinh nguyệt.
- Phản xạ dạ dày thực quản: trào ngược dịch dạ dày.
+ Các tác nhân không dị ứng:
- Di truyền: Trong gia đình có người bị hen phế quản.
- Yếu tố tâm lý: tình trạng lo âu, căng thẳng, sang chấn tâm lý,…
- Rối loạn tình dục.
3/ Biểu hiện của Hen phế quản
Cơn hen phế quản thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây khởi phát, bệnh nhân khó thở cơn chậm, thở rít, khò khè, chủ yếu thì thở ra, cơn nặng phải ngồi chống tay, há miệng thở. Có thể có triệu chứng báo hiệu như hắt hơi, sổ mũi, tức ngực. Bệnh nhân có thể có ho khan, có khi ho đàm vàng hoặc xanh nếu bội nhiễm. Ngoài cơn hen, bệnh nhân vẫn làm việc bình thường.
4/ Hen phế quản có bị lây không?
Nhiều người có thể thắc mắc rằng liệu hen phế quản có thể lây cho gia đình và những người xung quanh không? Tuy nhiên, hen phế quản là một bệnh mạn tính chứ không phải là một bệnh truyền nhiễm, không do virus hay vi khuẩn gây ra, nên nó không lây truyền từ người này sang người khác. Các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân không làm lây lan bệnh hen phế quản.
Cũng phải nói thêm rằng, hen phế quản không phải là một bệnh có thể lây nhiễm nhưng nó lại có tính chất di truyền. Người có tiền sử gia đình mắc bệnh hen phế quản sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
5/ Chẩn đoán bệnh hen phế quản
Hen phế quản thường khó chẩn đoán vào lần đầu tiên nhập viện hay một tình trạng mới khởi phát cơn khó thở khi vào viện. Các bác sĩ thường dựa vào một số yếu tố sau để chẩn đoán bệnh cũng như loại trừ các nguyên nhân khác có thể dẫn tới tình trạng bệnh nhân khó thở khi vào viện hay đi khám bệnh:
- Các triệu chứng lâm sàng: bệnh nhân thường vào viện vì các triệu chứng của một cơn khó thở cấp, khò khè
- Khám lâm sàng: Việc này không chỉ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh mà còn giúp loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự như Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm đường hô hấp,…
- Đo chức năng hô hấp: Bệnh nhân sẽ được làm Hô hấp kí, nếu chức năng phổi cải thiện sau khi dùng thuốc giãn phế quản thì bệnh nhân có khả năng cao bị hen phế quản.
- Chẩn đoán hình ảnh: x-quang ngực thẳng hay CT-scan thường không ghi nhận bất thường ở bệnh nhân hen phế quản.
- Một số xét nghiệm khác: test dị nguyên, xét nghiệm NO,…có thể có ích trong một số trường hợp.
6/ Điều trị bệnh hen như thế nào?
Như đã nói, hen phế quản là một bệnh mạn tính không thể điều trị khỏi hẳn hoàn toàn, tuy nhiên nếu tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, các triệu chứng có thể được kiểm soát hoàn toàn. Đối với thuốc điều trị hen phế quản được chia thành thuốc kiểm soát hen dài hạn và thuốc cắt cơn tác dụng nhanh.
Về thuốc kiểm soát hen dài hạn bao gồm corticosteroid dạng hít, thuốc kích thích beta kéo dài hay các thuốc kết hợp. Đây có thể được xem là biện pháp chính trong điều trị hen phế quản, giúp kiểm soát hen hằng ngày và ngăn ngừa các cơn hen cấp.
Thuốc cắt cơn tác dụng nhanh, thuốc kích thích beta tác dụng ngắn, Coticosteroid đường uống/tiêm tĩnh mạch hoặc Ipratropium…được sử dụng trong các cơn hen cấp để cắt cơn hen.
Lựa chọn điều trị như thế nào tuỳ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chọn những phác đồ điều trị thích hợp. Hiệu quả của điều trị sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự tuân trị của bệnh nhân.
7/ Phòng ngừa bệnh hen phế quản
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như bụi nhà, lông động vật, phấn hoa,…. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
- Cần tránh các tác nhân gây dị ứng đối với những bệnh nhân đã bị dị ứng với các tác nhân đó.
- Phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
- Tránh lo âu, căng thẳng quá mức.
BS.CKI Đặng Đức Khiêm - Khoa Nội Tổng Hợp
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức