KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ THẬN - BỆNH THẬN, BIỆN PHÁP BẢO VỆ THẬN

Bởi supadmin -28-11-2022
Hầu hết mọi người có 2 hai quả thận. Nếu chỉ còn 1 quả thận, nó thường điều chỉnh hiệu suất hoạt động để đảm bảo các nhiệm vụ mà thường 2 quả thận đảm trách...

1. Thận nằm ở đâu trong cơ thể chúng ta?

   Thận là một bộ phận quan trọng trong hệ tiết niệu. Thận có hình hạt đậu nằm trong khoang bụng, sau phúc mạc và đối xứng nhau qua cột sống. Thận ngang đốt sống ngực T11 đến đốt thắt lưng L3. Thận phải nằm hơi thấp hơn thận trái khoảng 1 đốt sống. Thận của nam và nữ đều giống nhau.

   Mỗi quả thận có chiều dài khoảng 10 - 12.5 cm, chiều rộng 5 - 6cm, độ dày 3 - 4cm. Hầu hết mọi người có 2 quả thận. Nếu chỉ còn 1 quả thận, nó thường điều chỉnh hiệu suất hoạt động để đảm bảo các nhiệm vụ mà thường 2 quả thận đảm trách.

   Người sinh ra chỉ 1 quả thận thì nó sẽ tự tăng kích thước một phần và chức năng lên bằng 2 quả thận để đảm bảo hoạt động. Vì vậy người có một quả thận vẫn có thể sống mạnh khỏe bình thường.

2. Thận giữ chức năng gì trong cơ thể?

2.1 Loại bỏ các sản phẩm thừa trong cơ thể

  • Thức ăn mà chúng ta ăn có chứa protein. Cơ thể tiêu thụ protein sẽ tạo ra các chất thải, là các chất độc cho cơ thể.Thận sẽ lọc máu để đào thải các chất độc ra ngoài thông qua nước tiểu.

2.2 Loại bỏ nước thừa trong cơ thể

  • Chức năng quan trọng thứ 2 của thận là điều hoà cân bằng nước. Thận sẽ giữ lại lượng nước cần thiết để duy trì sự sống, lượng nước dư thừa sẽ bài xuất ra ngoài.

2.3 Cân bằng điện giải và các chất hóa học

  • Qúa trình tái hấp thu chọn lọc rất thông minh của thận sẽ tái hấp thu các chất khoáng như Natri, Kali, Hydro, Can xi, Mg, bicarbonate, đồng thời duy trì các thành phần đó trong dịch cơ thể ở mức bình thường.

2.4  Điều hòa huyết áp

  • Thận sản xuất nhiều loại hormon (renin, angiotensin, aldosterone, prostagladin,..) giúp cân bằng muối nước trong cơ thể, duy trì huyết áp bình thường.

2.5 Chức năng tạo Hồng cầu

  • Erythropoietin là 1 hormon đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo hồng cầu. Bình thường thận là nơi tiết ra chất này.

2.6 Duy trì sức khỏe của xương

  • Thận chuyển vitamin D thành dạng có hoạt tính cần thiết cho việc hấp thụ Can xi từ thức ăn, sự tăng trưởng của xương và răng, giữ cho xương chắc chắn và khỏe mạnh.

3. Một số bệnh thận thường gặp 

  • Bệnh thận mạn, suy thận mạn
  • Viêm cầu thận mạn
  • Bệnh thận đa nang
  • Hội chứng thận hư
  • Viêm đài bể thận
  • Suy thận cấp
  • Viêm cầu thận cấp
  • Bệnh ống thận mô kẽ
  • Sỏi thận

4. Ai sẽ là người mắc bệnh thận?

   Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh thận

   Nhóm người có nguy cơ mắc bệnh thận cao: bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, người hút thuốc lá, người béo phì, người có người trong gia đình mắc bệnh thận, người trên 60 tuổi.

   Người có thói quen gây hại cho thận như:

  • Lạm dụng thuốc đặc biệt thuốc giảm đau, sử dụng thuốc bừa bãi.
  • Uống quá nhiều đồ uống không tốt cho sức khỏe như: nước ngọt, nước có ga, trà đặc, rượu bia…sẽ làm tăng gánh cho thận.
  • Ăn các thức ăn độc cho thận: thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích...
  • Nhịn tiểu là thói quen của rất nhiều người, do quá bận rộn với công việc, hay ngại đứng dậy đi tiểu để cố làm nốt việc. Điều này sẽ khiến cho nước tiểu bị giữ lại lâu trong bàng quang, có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm đài bể thận.
  • Uống quá ít nước: nếu không uống nước trong một thời gian dài, lượng nước tiểu sẽ giảm đi đồng nghĩa với việc các chất thải và độc tố có trong nước tiểu sẽ tăng lên, dẫn tới các bệnh như sỏi thận..
  • Ăn nhiều muối.

5. Làm thế nào để biết mình bệnh thận?

  • Bệnh thận thường thầm lặng và không có bất kỳ triệu chứng gì cho đến khi vào  giai đoạn muộn.
  • Phương pháp chẩn đoán sớm và phòng ngừa bệnh thận hiệu quả nhất là kiểm tra thận định kỳ.
  • Kiểm tra thận hàng năm bằng xét nghiệm nước tiểu, định lượng creatinine máu, siêu âm bụng ít nhất mỗi năm một lần.

6. Làm gì để trái thận luôn được khỏe mạnh?

  • Tập thể dục thường xuyên và hoạt động thể lực hàng ngày.
  • Chế độ ăn lành mạnh, nhiều trái cây và rau tươi. Giảm lượng thực phẩm tinh chế, đường, chất béo và thịt trong chế độ ăn.
  • Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh, giảm đau bán tự do thường xuyên, các thuốc chống viêm không steroid.
  • Bỏ hút thuốc lá
  • Uống đủ nước (khoảng 2-3 lít mỗi ngày) giúp làm loãng nước tiểu, loại bỏ tất cả các chất thải độc hại ra khỏi cơ thể và ngăn ngừa sỏi thận.
  • Không tự điều trị, phải dùng thuốc theo toa bác sĩ

Hãy đến các cơ sở y tế có chuyên khoa thận để kiểm tra sức khỏe quả thận của bạn định kỳ.

BS CKI Nguyễn Thị Bảo Thương - Khoa Nội Thận - Tiết Niệu

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức