1. Nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm:
Đầu tiên, cha mẹ cần nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm, nghĩa là những dấu hiệu cho thấy việc nôn trớ của trẻ có thể do một nguyên nhân bệnh lý, hoặc có gây ra biến chứng. Có 4 nhóm dấu hiệu nguy hiểm:
- Dấu hiệu của việc nôn trớ: trẻ nôn nhiều, nôn liên tục, nôn ra máu, nôn ra mật xanh
- Dấu hiệu tại đường tiêu hoá: trẻ kèm theo tiêu chảy, táo bón, chướng bụng, đi cầu phân có nhầy, máu
- Dấu hiệu ngoài đường tiêu hoá: trẻ kèm theo sốt, co giật, thóp phồng, trẻ đau hoặc kích thích khi nôn, trẻ ho khò khè kéo dài
- Nôn trớ gây hậu quả: trẻ chậm tăng cân hay sụt cân
Nếu có một trong những dấu hiệu trên, cha mẹ cần cho trẻ đi khám ngay để các bác sĩ đánh giá và tìm nguyên nhân.
2. Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn tới 6 tháng tuổi:
Theo một vài nghiên cứu nhỏ, trẻ bú sữa mẹ có tần suất trào ngược ít hơn và thời gian làm trống dạ dày nhanh hơn so với trẻ bú sữa công thức.
Nếu trẻ không thể bú mẹ hoàn toàn, hãy tận dụng sữa mẹ nhiều nhất có thể.
3. Tránh cho trẻ tiếp xúc khói thuốc lá:
Khói thuốc là làm tăng nguy cơ trào ngược ở trẻ. Ở những trẻ tiếp xúc khói thuốc lá, tần suất trào ngược tăng lên gần gấp 2,5 lần. Ngoài ra, tránh khói thuốc lá còn mang lại nhiều lợi ích khác cho trẻ.
4. Chia nhỏ cữ bú:
Đơn giản là bởi vì, dạ dày càng căng trẻ càng dễ bị trào ngược.
Nếu trẻ nôn trớ nhiều, giảm lượng sữa mỗi cữ còn 1/2- 2/3 so với bình thường, đồng thời cho bé bú nhiều cữ hơn để đảm bảo tổng lượng sữa.
5. Giữ tư thế thẳng đứng sau bú:
Sau khi bú, vỗ lưng cho trẻ ợ hơi, đồng thời giữ cho trẻ thẳng đứng bằng cách giữ trẻ trên vai khoảng 20-30 phút. Biện pháp này giúp dạ dày trẻ bớt đầy trước khi cho trẻ nằm. Lưu ý tránh đè vào bụng trẻ.
6. Tập cho trẻ nằm sấp (Tummy time):
Tư thế nằm sấp cho thấy giảm tần suất trào ngược. Tuy nhiên, vì lí do an toàn, chỉ tập nằm sấp cho trẻ khi trẻ thức. TUYỆT ĐỐI KHÔNG CHO TRẺ NẰM SẤP KHI NGỦ.
Ngoài giảm trào ngược, nằm sấp còn giúp trẻ đạt được các mốc vận động sớm hơn.
Thời gian tối ưu cho việc nằm sấp là > 30 phút mỗi ngày.
Cha mẹ có thể tham khảo thêm về việc tập nằm sấp cho trẻ ở bài viết Tummy time.
Các tư thế khác như nằm nghiêng, nửa ngồi nửa nằm không chứng minh được hiệu quả giảm trào ngược.
7. Cuối cùng
Nếu tất cả những điều trên đều không làm cho trẻ giảm nôn trớ, hay cha mẹ vẫn lo lắng nhiều, hãy cho trẻ đến khám bác sĩ nhi khoa của bạn. Một số biện pháp khác như làm đặc sữa hay sử dụng thuốc cần được sự thăm khám và tư vấn kỹ hơn từ bác sĩ.
BS.CKI Nguyễn Thanh Tuấn - Khoa Nhi
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức