Vào năm 1972, trong thời kì mà tiêm chủng và sự ra đời của các thuốc kháng sinh mới đang là những vấn đề y tế nổi bật thì hai nhà vi sinh vật học Macfarlane Burnet và David White đã tiên đoán rằng “ Hầu hết mọi dự báo trong tương lai về các bệnh lí truyền nhiễm sẽ rất mơ hồ “. Họ đã cho rằng rằng sẽ luôn luôn tiềm tàng một yếu tố nguy cơ nào đó về “ sự xuất hiện đột ngột một bệnh lí truyền nhiễm mới nguy hiểm, nhưng hầu như không có một đại dịch nào đáng kế trong vòng 50 năm trở lại . Đại dịch dường như chỉ còn là những câu chuyện lịch sử.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi theo thời gian, từ bệnh nhiễm trùng do Legionnnaire và Herpes vào những thập niên 70, cho đến bệnh AIDS, Ebola, hội chứng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (SARS) và bây giờ là Covid-19, những bệnh lí truyền nhiễm tiếp tục là mối đe dọa và gây ra nhiều xáo trộn cho thế giới.
Theo Charles Rosenberg, một thảm họa dịch bệnh xảy ra thường bao gồm ba phần. Đầu tiên là những dấu hiệu sớm nhất rất khó để nhận ra. Mọi thứ ban đầu của dịch bệnh thường bị bị ảnh hưởng bởi sự chủ quan của cộng đồng hoặc vì để bảo vệ lợi ích kinh tế, mà người dân đã phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo, cho đến khi tình trạng dịch bệnh và số lượng tử vong tăng lên nhanh chóng thì lúc đó cộng đồng mới bắt đầu công nhận một cách miễn cưỡng.
Ở bước đáp ứng thứ hai của dịch bệnh đó chính là sự thừa nhận dịch bệnh và nhu cầu được giải thích rõ ràng về cơ chế lây lan cũng như các khuyến cáo về dịch bệnh của cộng đồng đã làm thay đổi nhận thức về dịch bệnh.
Dịch bệnh sau cùng cũng sẽ được giải quyết, khi cộng đồng có những hành động đủ mạnh để ứng phó và song song là số người phơi nhiễm ít dần đi. Giống như Rosenberg đã nói “ dịch bệnh bắt đầu tại một thời điểm, diễn tiến trong một giai đoạn có giới hạn về không gian và thời gian, trải qua thời kì căng thẳng cao độ, dẫn đến sự khủng hoảng của các cá nhân và tập thể, cuối cùng là sự kết thúc “. Điều này cũng chính là thảm kịch đang diễn ra với dịch Covid-19 hiện nay, đầu tiên là xảy ra ở Trung Quốc và sau đó là lan ra nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Một khía cạnh kịch tính khác của phản ứng cộng đồng đối với dịch bệnh đó chính là thái độ đổ lỗi. Những hình thức đỗ lỗi này thường đan xen với các mâu thuẫn tôn giáo, chủng tộc, sắc tộc, giai cấp và sự phân biệt giới tính vốn đã có sẵn trong xã hội và nó gây chia rẽ xã hội. Tiếp ngay sau đó, các chính phủ thường có động thái triển khai các biện pháp dập dịch bằng việc kiểm dịch, cách li hoặc chế tạo vắc xin. Nhìn chung, điều này thường tạo ra những xung đột xã hội khi bắt đầu có những áp đặt, ràng buộc đối với từng cá nhân trong cộng đồng.
Một đặc điểm thường gặp khác trong khi phân tích, đánh giá các dịch bệnh trong quá khứ, chính là mọi nỗ lực can thiệp y tế và tác động lên sức khỏe cộng đồng thường gặp thất bại.
Có phải tất cả chúng ta đã quá chậm trễ trong việc nhận ra mối đe dọa này hay không? Các nhà quản lí đã lơ là những cảnh báo sớm? Các chính phủ đã phản ứng bằng những biện pháp can thiệp hành chính quá mức? Có phải sự cách li đang được thực hiện là không đủ để kiểm soát dịch bệnh? Điều này đã diễn ra thường xuyên trước đây, đặc biệt với những căn bệnh như cúm và SARS-CoV-2, và một vấn đề nữa là mọi người đã truyền nhiễm cho nhau trước khi có triệu chứng. Điều này cũng không có nghĩa can thiệp cách li là vô ích. Phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc trong dịch Covid 19 này có thể cũng đã giúp trì hoãn sự lây lan toàn cầu của đợt bùng phát hiện nay.
Người ta nhận thấy có hai đặc điểm chủ yếu làm thất bại trong việc đối phó một loại dịch bệnh. Trước tiên, chính là sự kì thị của cộng đồng đối với việc theo dõi chặt chẽ các mầm bệnh. Thái độ phản đối Trung Quốc là một vấn đề thường gặp, cho dù bệnh dịch hạch ở San Francisco năm 1990, SARS năm 2003, hoặc Covid-19 ngày nay. Điều thứ hai, khi dịch bệnh xảy ra chúng luôn cần có sự sẵn sàng và đầy đủ về nguồn lực y tế. Nhiều bác sĩ lâm sàng đã tử vong trong suốt thời gian bệnh dịch hạch bùng nổ ở Châu âu thời Trung cổ, sốt vàng ở Philadelphia (năm 1793), đại dịch Ebola (năm 2014) và ngay bây giờ tại Trung Quốc.
Vậy chúng ta nên lo lắng như thế nào về Covid-19? Một vài chuyên gia cảnh báo rằng 50% dân số thế giới sẽ bị nhiễm vào thời điểm những năm cuối cùng của đại dịch, hậu quả con số có thể nhiều hơn 100 triệu cái chết. Lịch sử về các dịch bệnh như là bệnh dịch hạch, bệnh đậu mùa, sởi, dịch tả, dịch cúm, bệnh Marburg (gây ra do một loại vi rút mang tên Marburg truyền từ khỉ sang người) và hội chứng hô hấp vùng Trung Đông đã cho những thông tin khá đầy đủ về mô hình tiên đoán sự bùng phát của dịch bệnh. Nhưng nên nhớ rằng các đại dịch thảm khốc giết chết hàng triệu người đã xuất hiện và lan rộng một cách bất thường kì lạ và chỉ một số ít xảy ra trong thiên niên kỉ qua. Phải chăng chúng ta đang ở trong một thời điểm hiếm hoi ấy, chúng ta đang đối mặt với một mầm bệnh rất phức tạp về độc lực và sự lan truyền ?
Lịch sử cho thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có khả năng là sợ hãi quá mức và đặt sự ưu tiên sai chỗ, rất nhiều dẫn chứng trước đây cho thấy sự hoảng loạn của chúng ta về các dịch bệnh chưa bao giờ thành hiện thực (như là cúm H1N1 vào các năm 1976, 2006 và 2009). Vô số những dẫn chứng khác về việc xã hội lo lắng quá mức về những mối đe dọa nhỏ (như về nguy cơ dịch Ebola lan rộng ra ở Mỹ năm 2014), trong khi chúng ta lại phớt lờ rất nhiều những mối đe dọa lớn khác mà lẽ ra chúng ta đã phải thấy. Dù sao đi nữa, người dân và chính phủ của họ cần suy nghĩ một cách thận trọng, cân nhắc những rủi ro trong bối cảnh hiện tại và thực hiện những chính sách phù hợp với mức độ đe dọa.
Tất cả những điều trên cũng đã làm dấy lên một câu hỏi quan trọng cuối cùng về lịch sử và chính trị của dịch bệnh. Tóm lại các dịch bệnh trong quá khứ đã đưa ra cho chúng ta những bài học lớn lao, nhưng chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết rõ về chúng và hành động một cách khôn ngoan.
Bs Nguyễn Trọng Tuấn - BS CKI.Trần Nhân Nghĩa
(Lược dịch từ “ History in a Crisis — Lessons for Covid-19 “, David S. Jones, M.D, New England Journal of Medicine, March 12, 2020)