1/ Loét bàn chân đái tháo đường là gì?
Loét bàn chân do đái tháo đường (ĐTĐ) là các vết loét xuất hiện ở bàn chân (từ mắc cá chân trở xuống: mu chân, gan bàn chân, gót chân và bàn- ngón chân) ở người bệnh ĐTĐ.
2/ Tỷ lệ loét bàn chân đái tháo đường?
Ước tính có khoảng 19 – 34% người bệnh ĐTĐ có nguy cơ bị loét bàn chân do ĐTĐ trong đời. Theo Liên đoàn ĐTĐ Quốc tế (IDF), hàng năm có từ 9,1–26,1 triệu người bệnh ĐTĐ mắc loét bàn chân do ĐTĐ. Trên toàn cầu, tỷ lệ loét bàn chân do ĐTĐ là 6,3%, thay đổi từ 3% ở Châu Đại Dương đến 13% ở Bắc Mỹ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê mỗi 30 giây trôi qua, thế giới có thêm một người ĐTĐ bị cắt cụt chân. Theo IDF 85% các trường hợp cắt cụt chi khởi đầu bởi loét chân, tỷ lệ sống còn 5 năm sau cắt cụt chân <50%. Nếu các trường hợp loét bàn chân ĐTĐ được phát hiện sớm có thể ngăn ngừa 40-85% các trường hợp phải cắt cụt chi.
Ở Việt Nam từ một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ loét bàn chân ở người bệnh ĐTĐ nhập viện điều trị khoảng 20%.
3/ Nguyên nhân gây loét bàn chân đái tháo đường
Tăng glucose máu mạn tính là nguy cơ gây một số biến chứng động mạch nhỏ và lớn, trong đó bệnh lý thần kinh ngoại biên và bệnh lý động mạch chi dưới là 2 nguyên nhân chính gây loét bàn chân ĐTĐ.
Bệnh lý thần kinh do ĐTĐ thường biểu hiện dưới dạng các tổn thương về cảm giác, vận động và tự chủ:
- Mất cảm giác bảo vệ ở người bệnh mắc bệnh thần kinh cảm giác khiến dễ bị tổn thương về cơ học, chấn thương hóa học và nhiệt …
- Bệnh thần kinh vận động có thể gây ra bàn chân dị tật (chẳng hạn như bàn chân hình búa và/hoặc móng vuốt), có thể dẫn đến bất thường áp lực bàn chân.
- Bệnh thần kinh tự chủ thường là liên quan đến da khô, có thể dẫn đến các vết nứt, nứt và chai.
- Mất cảm giác bảo vệ là một nguyên nhân chính.
- Bệnh lý thần kinh ĐTĐ có thể khiến phân bố áp lực bất thường ở lòng bàn chân dẫn đến các biến dạng bàn chân Charcot. Đồng thời với biến dạng bàn chân, các vết chai cũng xuất hiện dưới áp lực tỳ đè kéo dài gây ra tình trạng viêm nhiễm, chấn thương mô mạn tính, hình thành các vết nứt nhỏ trên nền mô chai. Các áp xe bên dưới các mô chai rất dễ xuất hiện và gây nên các vết loét bàn chân ĐTĐ. Cảm giác bảo vệ bàn chân (cảm giác đau) cũng suy giảm do biến chứng thần kinh cảm giác và do đó người bệnh ĐTĐ càng ít quan tâm đến việc chăm sóc bàn chân. Biến chứng thần kinh ĐTĐ còn ảnh hưởng đến sự lành vết thương dễ tạo thành các vết loét lỗ đáo.
Bệnh lý động mạch chi dưới là tình trạng bệnh lý của động mạch chi dưới trong đó lòng động mạch bị hẹp, tắc gây giảm tưới máu cơ quan và các bộ phận liên quan (da, thần kinh) phía hạ lưu. Bệnh lý động mạch chi dưới có thể biểu hiện ở nhiều mức độ lâm sàng khác nhau; từ không có triệu chứng lâm sàng, đi cách hồi cho đến viêm tắc động mạch chi dưới hay hoại tử khô.
- Nguyên nhân chủ yếu của bệnh lý động mạch chi dưới là do xơ vữa động mạch. Các yếu tố nguy cơ chính của xơ vữa động mạch là hút thuốc lá, thuốc lào, ĐTĐ, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và tăng homocystein máu làm gia tăng sự phát triển của bệnh lý động mạch chi dưới và các bệnh lý động mạch khác do xơ vữa.
Yếu tố nhiễm trùng: người bệnh ĐTĐ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng. Khi glucose máu tăng cao mạn tính làm giảm tính hóa ứng động của bạch cầu, làm suy giảm khả năng tự miễn nội tại của người bệnh. Thêm vào đó, dưới tác động của môi trường glucose tăng cao, các vi khuẩn gây bệnh dễ dàng tạo lớp vỏ bọc biofilm bảo vệ nhờ các chất polysaccharides và lipid thặng dư, màng bảo vệ này giúp vi khuẩn đề kháng với kháng sinh và chống chọi lại các đại thực bào một cách rất hiệu quả.
4/ Các yếu tố nguy cơ gây loét bàn chân đái tháo đường
- Vệ sinh bàn chân kém, giày kém chất lượng, ẩm mốc, bẩn
- Cắt tỉa móng chân không đúng cách.
- Người nghiện rượu
- Biến chứng mắt do đái tháo đường.
- Suy giảm miễn dịch.
- Bệnh nền nặng: Bệnh tim, bệnh thận, béo phì...
- Hút thuốc lá thường xuyên
5/ Phân biệt nguyên nhân loét bàn chân đái tháo đường
6/ Chẩn đoán loét bàn chân đái tháo đường
Tình trạng loét ở bàn chân được xác định là mất mô và/ hoặc hoại tử độ 1 trở đi theo Phân loại Wagner – Meggitt
7/ Những dấu hiệu phát hiện sớm loét bàn chân đái tháo đường
- Thay đổi màu da chân.
- Thay đổi nhiệt độ da chân.
- Các vết nứt khô trên da, đặc biệt là quanh gót chân.
- Mùi hôi chân khó chịu và không biến mất sau khi rửa.
- Sưng ở bàn chân hoặc mắt cá chân.
- Chảy nước từ bàn chân làm bẩn tất.
8. Làm sao biết vết loét bị nhiễm trùng?
- Khi có 2/5 tiêu chuẩn: sưng, nóng, đỏ, đau, chảy mủ
- Tiêu chuẩn cơ năng: sưng.
- Da xung quanh: nóng, đỏ, đau.
- Dịch tiết: mủ, hôi, lượng nhiều.
9/ Điều trị loét bàn chân đái tháo đường cần nhiều chuyên khoa tham gia
- Chuyên khoa mạch máu: Tình trạng thiếu máu nuôi chi nặng và cấp tính cần được điều trị kịp thời, đây là một cấp cứu lâm sàng, nếu xử lý muộn sẽ dẫn đến hậu quả hoại tử không hồi phục. Những trường hợp bệnh động mạch ngoại biên khác làm giảm tưới máu vết thương cũng cần xem xét áp dụng các biện pháp tái tưới máu nhằm thúc đẩy lành thương và ngừa hoặc trì hoãn cắt cụt trong tương lai. Hai kỹ thuật chính được áp dụng là phẫu thuật bắc cầu nối mạch máu và điều trị can thiệp nội mạch.
- Chuyên khoa Nội tiết: kiểm soát đường huyết, lipid máu, dinh dưỡng phù hợp.
- Chuyên khoa Nhiễm: cho ý kiến về kháng sinh trong điều trị loét bàn chân đái tháo đường
- Chuyên gia bàn chân: khám định kỳ bàn chân, kiểm tra bàn chân xem có bị giảm cảm giác, biến dạng để có kế hoạch phòng ngừa loét bàn chân, giúp phát hiện sớm và có phương pháp can thiệp những biến dạng bàn chân, đồng thời hướng dẫn chăm sóc bàn chân cho người bệnh. Khi có loét bàn chân các chuyên gia bàn chân sẽ có kế hoạch chăm sóc, các dung dịch rửa vết thương, băng gạc, cắt lọc vết thương.
- Chuyên khoa chỉnh hình, tạo hình: có những dụng cụ, chỉnh hình hỗ trợ để làm giảm áp lực, không tỳ đè lên vết loét giúp lành nhanh vết loét.
- Chuyên khoa phục hồi chức năng: lên kế hoạch tập luyện, vật lý trị liệu giúp người bệnh hồi phục chức năng vận động, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sự kết hợp nhiều chuyên khoa trong điều trị loét bàn chân đái tháo đường sẽ giảm tỷ lệ đoạn chi > 50%.
10/ Dự phòng loét bàn chân đái tháo đường
Để dự phòng loét bàn chân đái tháo đường người đái tháo đường trước hết cần điều trị tích cực, thường xuyên kiểm soát mục tiêu đường huyết, huyết áp, tình trạng lipid máu. Ngoài ra người đái tháo đường nên:
- Thực hiện kiểm tra chân hàng ngày đối với toàn bộ bề mặt của cả hai bàn chân, khu vực giữa các ngón chân.
- Thông báo cho chuyên gia y tế nếu có dấu hiệu sưng, nóng, hoặc nổi mụn nước, vết cắt, vết xước hoặc vết loét.
- Không đi chân trần, đi tất không mang giày, hoặc đi dép đế mỏng, dù ở nhà hoặc đi ra ngoài.
- Không đi giày quá chật, có mép gồ ghề hoặc đường may không đều. Nhìn kỹ và sờ bằng tay vào bên trong đôi giày trước khi mang.
- Mang vớ không có đường may (hoặc có đường may từ trong ra ngoài); không mang vớ quá chật hoặc cao quá đầu gối và thay vớ hàng ngày.
- Rửa chân hàng ngày (với nhiệt độ nước luôn dưới 37 ° C) và lau khô cẩn thận, đặc biệt giữa các ngón chân.
- Không dùng các loại máy sưởi, bình nước nóng để sưởi ấm chân.
- Không sử dụng các chất hóa học, bột trét để tẩy các vết chai.
- Sử dụng chất làm mềm da để bôi trơn vùng da khô, nhưng không bôi giữa các ngón chân.
- Cắt móng chân thẳng ngang.
- Khám bàn chân theo định kỳ.
Tài liệu tham khảo
Bộ Y Tế (2023), QĐ1530-BYT, “Hướng dẫn chuẩn đoán và điều trị Loét bàn chân do đái tháo đường”
BS.CKI Trương Bảo Anh Minh - Khoa Nội Tiết
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức