Một nghiên cứu tổng quan hệ thống (systematic review) và phân tích gộp (meta- analysis) từ các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (RCTs)
(Nguồn: Medscape.com)
Dữ liệu nghiên cứu của đề tài lấy từ những nghiên cứu RCT so sánh giữa hai phương pháp điều trị bằng heparin trọng lượng phân tử thấp (liều thấp hoặc cao hơn) với thuốc chống đông đường uống trực tiếp và dữ liệu so sánh giữa những bệnh nhân được nhận điều trị các thuốc kháng đông so với những trường hợp không được nhận điều trị tích cực. Đối tượng bệnh nhân tham gia những nghiên cứu trên là những người trưởng thành đang trải qua phẫu thuật không liên quan đến tim mạch.
Tiêu chí đánh giá kết quả nghiên cứu tổng quan là tần suất xuất hiện tình trạng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có triệu chứng, tình trạng thuyên tắc mạch máu phổi có triệu chứng và tình trạng xuất huyết nặng ở các đối tượng bệnh nhân. Chất lượng của nghiên cứu được đánh giá dựa theo bộ công cụ PRISMA. Trong đó, nghiên cứu tiến hành phân tích gộp các mô hình đa biến ngẫu nhiên với khoảng tin cậy 95%. Dữ liệu thu về từ những người tham gia nghiên cứu, các biện pháp can thiệp, kết quả sau can thiệp và nguy cơ sai lệch được đánh giá một cách độc lập. Mức độ bằng chứng của nghiên cứu được đánh giá dựa theo công cụ phân loại mức độ bằng chứng GRADE
Hình: thuốc kháng đông đường uống và heparin trọng lượng phân tử thấp đường tiêm
(Nguồn: Medscape.com)
Kết quả nghiên cứu thu được từ 68 nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng bao gồm 51 nghiên cứu phẫu thuật chỉnh hình, 10 nghiên cứu phẫu thuật tổng quát, 4 nghiên cứu phẫu thuật phụ khoa, 2 nghiên cứu lồng ngực và 1 nghiên cứu phẫu thuật tiết niệu với sự tham gia của 45.445 bệnh nhân.
Trong đó, khi so sánh giữa thuốc kháng đông trong điều trị giảm thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch từ 1 đến 100 trên 1000 bệnh nhân cho thấy hiệu quả cao hơn so với điều trị không dùng thuốc (mức độ bằng chứng chắc chắn) với các kết quả dữ liệu của từng thuốc cụ thể là heparin trọng lượng phân tử thấp liều thấp (OR = 0,33; 95% CI = 0,16 - 0,67), heparin trọng lượng phân tử thấp liều cao (OR = 0,19; 95% CI = 0,07 - 0,54), thuốc chống đông đường uống trực tiếp (OR = 0,17; 95% CI = 0,07 - 0,41). Không có hoạt chất nào làm giảm triệu chứng tình trạng thuyên tắc mạch máu phổi (mức độ bằng chứng chắc chắn).
Thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp và heparin trọng lượng phân tử thấp có liên quan đến tỷ lệ tình trạng xuất huyết nặng tăng gấp 2-3 lần so với điều trị điều trị không dùng thuốc (mức độ bằng chứng chắc chắn) với tần suất xảy ra 50 trên 1000 bệnh nhân có nguy cơ cao.
Khi so sánh giữa heparin trọng lượng phân tử thấp liều thấp với liều cao cho thấy không có hiệu quả trong việc làm giảm triệu chứng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ( OR=0,57; 95% CI=0,26 - 1,27) nhưng làm tăng nguy cơ xuất huyết nặng ( OR=1,87; 95% CI=1,06 - 3,31). Thuốc chống đông đường uống trực tiếp có hiệu quả làm giảm tình trạng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ( OR=0,53; 95% CI=0,32 - 1,89 ) và không làm tăng nguy cơ xuất huyết ( OR=1,23 ; 95% CI = 0,89 - 1,69).
Kết luận: Từ kết quả của nghiên cứu trên cho thấy cả hai thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp và heparin trọng lượng phân tử thấp đều có lợi ích trong làm giảm tình trạng huyết khối tĩnh mạch ở những bệnh nhân đang trải qua phẫu thuật cao hơn so với điều trị không dùng thuốc tích cực nhưng có thể làm tăng nguy cơ gây xuất huyết nặng ở các bệnh nhân này. Trong đó, thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp có hiệu quả trong việc ngăn ngừa thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có triệu chứng cao hơn so với heparin trọng lượng phân tử thấp.
Tài liệu tham khảo: Marcucci M, Etxeandia-Ikobaltzeta I, Yang S, et al. Benefits and harms of direct oral anticoagulation and low molecular weight heparin for thromboprophylaxis in patients undergoing non-cardiac surgery: systematic review and network meta-analysis of randomised trials. (2022). BMJ (Clinical Research ed.); 376:e066785. DOI: 10.1136/bmj-2021-066785. PMID: 35264372; PMCID: PMC8905353.
DS Trần Thiện Quyền - Khoa Dược
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức