Fluoroquinolon/quinolon là một trong những kháng sinh phổ rộng được kê đơn phổ biến nhất trên thế giới. Các kháng sinh trong nhóm này thường được chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn tiêu hóa và nhiễm khuẩn da – mô mềm. Sử dụng kháng sinh nhóm quinolon có liên quan đến một số tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng bao gồm các rối loạn trên hệ thần kinh và/hoặc tâm thần, bệnh thần kinh ngoại biên, hạ đường huyết và các tác dụng phụ liên quan đến cơ gân như đứt gân Achilles, phình động mạch chủ bụng. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra một số cảnh báo hộp đen (black-box warnings) về những rủi ro trong việc sử dụng kháng sinh nhóm quinolon. Do vậy, kháng sinh nhóm quinolon chỉ nên được dùng khi lợi ích lớn hơn nguy cơ.
Các kháng sinh nhóm quinolon (ngoại trừ moxifloxain) được thải trừ chủ yếu qua thận. Do vậy, các kháng sinh này bài tiết chậm hơn ở những bệnh nhân suy giảm chức năng thận. Các tờ hướng dẫn sử dụng thuốc và hướng dẫn điều trị thường khuyến cáo sử dụng liều thấp/giảm liều ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận, đặc biệt ở những bệnh nhân có độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) < 30 mL/phút/1.73 m2. Tuy nhiên, trên thực tế kháng sinh nhóm quinolon thường được kê đơn với liều cao hơn khuyến cáo ở những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn (CKD) tiến triển (Bảng 1. Liều khuyến cáo của ciprofloxacin, levofloxacin và norfloxacin).
Nhằm cung cấp thông tin về việc kê đơn kháng sinh nhóm quinolon an toàn ở bệnh nhân CKD tiến triển, Muanda FT và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu đoàn hệ tại Ontario, Canada (từ 01/01/2008 đến 17/03/2020) thông qua việc sử dụng dữ liệu chăm sóc sức khỏe để xác định những bệnh nhân mới sử dụng kháng sinh nhóm quinolon. Dân số nghiên cứu gồm bệnh nhân lớn tuổi (≥ 66 tuổi) có eGFR < 30 mL/phút/1.73 m2 (không bao gồm những bệnh nhân đang lọc máu) và xem xét nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng ở bệnh nhân được điều trị với kháng sinh nhóm quinolon ở liều cao so với liều thấp. Nhóm nghiên cứu định nghĩa kháng sinh nhóm quinolon liều cao là ciprofloxacin với mức liều từ 501 – 1000 mg/ngày; levofloxacin từ 501 – 750 mg/ngày hoặc norfloxacin từ 401 – 800 mg/ngày. Kháng sinh nhóm quinolon liều thấp được định nghĩa gồm ciprofloxacin 500 mg/ngày; levofloxacin từ 250 – 500 mg/ngày hoặc norfloxacin 400 mg/ngày. Kết cục chính là nguy cơ nhập viện trong vòng 14 ngày với các triệu chứng rối loạn hệ thần kinh và/hoặc tâm thần, hạ đường huyết hoặc đứt gân Achilles, phình động mạch chủ bụng.
Tổng cộng 11,917 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu (tuổi trung vị là 83 tuổi [IQR, 77-89 tuổi], trong đó có 7,438 nữ [62.4%]; eGFR trung vị là 25 [IQR, 21-28] mL/phút/1.73 m2). Kết quả nghiên cứu cho thấy 5,482 bệnh nhân (46%) được kê đơn với mức liều cao hơn khuyến cáo và 6,435 bệnh nhân (54%) được dùng với mức liều thấp hơn. Kết cục gộp chính (primary composite outcomes) gồm vào viện vì các rối loạn hệ thần kinh và/hoặc tâm thần, hạ đường huyết hoặc một biến cố liên quan đến bệnh cơ gân ghi nhận ở 68/5,482 bệnh nhân (1.2%) khi điều trị với kháng sinh nhóm quinolon ở liều cao và 47/5,516 bệnh nhân (0.9%) khi điều trị với liều thấp hơn (weighted RR = 1.45 [95% CI = 1,01-2,08]; weighted RD = 0.39% [95% CI = 0,01-0,76%]). Không có sự khác biệt có ý nghĩa về nguy cơ nhiễm trùng huyết, bong võng mạc, nhập viện hoặc tử vong do mọi nguyên nhân và đột tử do tim giữa các nhóm.
Những phát hiện này cho thấy rằng, bệnh nhân lớn tuổi mắc CKD tiến triển có khả năng cao đáng kể gặp các kết cục gộp của vào viện vì các rối loạn hệ thần kinh và/hoặc rối loạn tâm thần, hạ đường huyết hoặc bệnh cơ gân do sử dụng kháng sinh nhóm quinolon với mức liều cao hơn khuyến cáo mặc dù nguy cơ tuyệt đối của những biến cố trên là dưới 2%. Kết quả của nghiên cứu đề xuất kháng sinh nhóm quinolon nên được kê đơn một cách thận trọng và với mức liều thấp hơn đối với bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh CKD tiến triển.
***Tài liệu tham khảo:
Muanda FT, et al. Association of Higher-Dose Fluoroquinolone Therapy With Serious Adverse Events in Older Adults With Advanced Chronic Kidney Disease. JAMA Network Open. 2022 Aug 2;5(8):e2224892.
DS Trần Bảo Minh Hiền - Khoa Dược
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức