Tự ý dùng thuốc kháng sinh mà không có ý kiến của bác sĩ thường là sử dụng thuốc kháng sinh còn lại từ các đợt điều trị trước đó hoặc mua thuốc kháng sinh tại các hiệu thuốc mà không có đơn của bác sĩ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Châu Âu (ECDC) đưa ra một số hướng dẫn và giáo dục cộng đồng nhằm hạn chế vấn đề tự ý dùng thuốc kháng sinh:
1. Thuốc kháng sinh phải được kê đơn bởi bác sĩ trực tiếp thăm khám
Nhiều bệnh vào mùa lạnh có thể gây ra các triệu chứng giống nhau nhưng việc điều trị có thể khác nhau. Nếu bạn đã được kê đơn một thuốc kháng sinh cho một đợt điều trị trước đó và khỏi bệnh, thông thường bạn sẽ muốn sử dụng lại thuốc kháng sinh giống trước đó khi có các triệu chứng tương tự. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chỉ bác sĩ đã khám trực tiếp cho bạn mới có thể xác định chắc chắn liệu tình trạng bệnh hiện tại của bạn có cần điều trị bằng thuốc kháng sinh hay không?
Do vậy:
- Không tự ý mua thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc
- Không dự trữ thuốc kháng sinh để sử dụng cho các đợt bệnh sau
- Không sử dụng thuốc kháng sinh còn sót lại từ các lần điều trị trước
- Không đưa thuốc kháng sinh còn sót lại của mình cho người khác sử dụng
Nếu bạn nhận được nhiều liều kháng sinh hơn so với liều lượng được kê đơn, hãy hỏi dược sĩ về cách xử lý các liều còn lại
2. Thuốc kháng sinh không phải là thuốc giảm đau và không thể điều trị tất cả các bệnh
Cơ chế hoạt động của thuốc kháng sinh không như thuốc giảm đau. Vì vậy, không thể giúp giảm đau đầu, đau nhức hoặc sốt
- Thuốc kháng sinh chỉ có hiệu quả đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và không thể điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi rút gây ra như cảm lạnh thông thường hoặc cúm mùa
- Khoảng 80% các bệnh vào mùa lạnh ảnh hưởng đến tai - mũi - họng và phổi thường có nguồn gốc từ vi rút. Do vậy, uống thuốc kháng sinh sẽ không điều trị được bệnh
3. Dùng thuốc kháng sinh không phù hợp có thể gây ra tác dụng phụ
Dùng thuốc kháng sinh để điều trị cảm lạnh hoặc cúm mùa không có lợi cho bạn vì thuốc không có tác dụng diệt vi rút. Ngoài ra, thuốc kháng sinh có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, dị ứng và phát ban trên da.
Nếu các triệu chứng như ho, sốt, đau họng, sổ mũi/nghẹt mũi,… vẫn còn hoặc nếu có bất kỳ mối lo ngại nào về sức khoẻ của mình, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Nếu thực sự mắc các bệnh do nhiễm vi khuẩn như viêm phổi, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh cho bạn. Ngoài ra, hãy liên hệ với người thân để được hỗ trợ kịp thời nếu bạn thuộc các nhóm bên dưới, gồm:
- Trên 65 tuổi
- Mắc hen suyễn hoặc đái tháo đường
- Mắc bệnh phổi như viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Mắc bệnh tim mạch như đau tim, đau thắt ngực, suy tim mạn tính
- Mắc bệnh suy giảm miễn dịch
- Đang dùng các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch như kháng viêm steroid, hóa trị, thuốc điều trị tuyến giáp...
4. Dùng thuốc đủ ngày để đạt được hiệu quả điều trị
Nếu bạn không thể đến bác sĩ thăm khám. Hãy học cách kiểm soát các triệu chứng có thể giúp bạn đối phó với bệnh tốt hơn. Tìm hiểu cách bạn có thể tự chăm sóc bản thân mà không cần dùng thuốc kháng sinh.
5. Liên hệ với dược sĩ để được tư vấn
Dược sĩ có thể gợi ý các loại thuốc không kê đơn để giúp giảm bớt các triệu chứng của bạn như:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt
- Thuốc kháng viêm như thuốc xịt họng nhằm giảm đau và giúp bạn nuốt dễ dàng hơn
- Thuốc long đờm
- Thuốc xịt giảm nghẹt mũi giúp dễ thở
- Thuốc kháng sinh histamin làm giảm nghẹt mũi, hắt hơi và ngứa mũi
Bạn nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi sẽ giúp cải thiện triệu chứng của các bệnh thường gặp vào mùa lạnh. Hãy hỏi ý kiến/lời khuyên của dược sĩ, đặc biệt nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác để điều trị cho các bệnh lý kèm theo.
Tài liệu tham khảo:
Key messages for the general public: Self-medication with antibiotics. https://antibiotic.ecdc.europa.eu/en/get-informed/key-messages/general-public-self-medication-antibiotics. Truy cập ngày 16/07/2022
DS Trần Bảo Minh Hiền - Khoa Dược
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức