NGỘ ĐỘC THỨC ĂN Ở TRẺ EM

Bởi supadmin -29-01-2024

      Ngộ độc thức ăn (NĐTA) hay còn gọi là ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do ăn, uống phải thức ăn, nước uống có độc tố tự nhiên (nấm độc, khoai mì, khoai tây mầm, cá nóc,...), hay do một số các hoạt chất khác (thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, chất tăng trưởng...) hoặc do thức ăn nước uống  bị nhiễm các vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm,...). Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào dịp Tết, do thói quen chế biến thức ăn lượng lớn, bảo quản không đúng cách, cùng với thời tiết nóng dịp tết ở khu vực phía Nam, làm cho thức ăn dễ bị hư hỏng gây ra ngộ độc thức ăn, đặc biệt hay gặp ở trẻ em.

Những biểu hiện của ngộ độc thức ăn là gì?

- Các biểu hiện có thể xuất hiện vài giờ sau ăn hoặc có thể vài ngày, vài tuần. Các dấu hiệu thường gặp gồm: 

  • Buồn nôn, nôn ói
  • Đau bụng
  • Tiêu lỏng toàn nước hoặc đi phân có máu
  • Sốt

- Dấu hiệu cần đưa NGAY trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám:

  • Nôn ói nhiều, ói ra mật (vàng), ra máu (nâu, đen, đỏ)
  • Sốt cao, không đáp ứng sau khi uống thuốc hạ sốt hoặc sốt từ 2 ngày trở lên.
  • Tiêu lỏng nhiều, đi phân toàn nước hoặc đi tiêu phân có máu.
  • Có dấu hiệu mất nước nặng: lừ đừ, tiểu ít, tay chân lạnh, khóc không nước mắt.
  • Không ăn uống được gì
  • Đa bụng dữ dội
  • Dấu hiệu thần kinh: co giật, hôn mê
  • Khi cha mẹ hoặc người chăm sóc không có đủ khả năng theo dõi và chăm sóc trẻ.

Cách chăm sóc trẻ khi bị ngộ độc thức ăn

- Về chế độ ăn uống

  • Khi trẻ nôn ói, tiêu chảy nhiều, cần khuyến khích trẻ uống nhiều nước, tốt nhất nên uống dung dịch bù nước điện giải ORS. Không bù nước bằng các loại nước trái cây nhiều đường, nước có ga, các nước bù khoáng thể thao vì có nhiều đường và tỷ lệ các chất điện giải không phù hợp.
  • Với trẻ còn bú mẹ, nên tiếp tục cho trẻ bú. Nếu trẻ nôn ói ngay sau bú, có thể thử chia nhỏ cữ bú, đến khi trẻ không còn nôn ói thì quay lại như bình thường.
  • Nếu trẻ không có dị ứng đạm sữa bò, trẻ vẫn có thể uống sữa bình thường.
  • Nếu trẻ đang nôn ói nhiều, không nên ép trẻ ăn mà hãy để trẻ ăn theo nhu cầu. Khi trẻ hết ói, có thể cho ăn lại bằng thức ăn gồm: tinh bột, thịt nạc, rau, trái cây, sữa chua. Tránh cho ăn lại bằng thức ăn nhiều chất béo vì sẽ gây khó tiêu.

- Theo dõi sát các dấu hiệu mất nước

  • Các dấu hiệu mất nước sớm: khô miệng, khát nước.
  • Các dấu hiệu muộn: tiểu ít, khóc không có nước mắt, mắt trũng, tay chân lạnh, lừ đừ.

- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

  • Kháng sinh: hầu hết các trường hợp ngộ độc thức ăn không cần sử dụng kháng sinh, khi bệnh nặng, nên được thăm khám và chỉ định dùng thuốc theo ý kiến của bác sĩ.
  • Không tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy.
  • Thuốc chống ói: có thể sử dụng khi trẻ ói nhiều, nhưng cần có chỉ định của bác sĩ.
  • Men vi sinh: có vai trò làm giảm thời gian tiêu chảy.
  • Khi trẻ sốt, từ trên 38,5 độ C, có thể sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol mỗi 4-6 giờ .

Làm sao để phòng ngừa ngộ độc thức ăn?

- Ngộ độc thức ăn là một trong những lý do nhập viện thường gặp ở trẻ em, cần tuân thủ các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống lây lan để phòng ngừa.

- Tuân thủ 4 bước đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gồm:

      Rửa

  • Rửa tay với xà phòng và nước sạch: trước và sau khi chế biến thức ăn, khi ăn và bất cứ khi nào thấy tay mình bẩn. Đặc biệt, luôn luôn phải rửa tay sau khi cầm vào thịt sống, gia cầm, hải sản, bột mì, trứng.
  • Các dụng cụ nấu ăn: dao, thớt, rổ, chậu, … nên được rửa sau khi nấu mỗi món ăn.
  • Trái cây và rau củ cần được rửa dưới vòi nước chảy thật kĩ.

      Tách biệt

  • Để thực phẩm sống (thịt, gia cầm, cá, ...) tách biệt với các thực phẩm khác khi đi mua sắm và khi bảo quản trong tủ lạnh.
  • Sử dụng dao, thớt, đĩa riêng cho thực phẩm sống, không dùng chung với các thực phẩm không được nấu chín: bánh chưng, bánh tét, bánh mì, trái cây, …

      Nấu

  • Thức ăn có nguồn gốc động vật, bao gồm cả hải sản và động vật có vỏ, cần được nấu chín kĩ.
  • Không cho trẻ uống sữa chưa tiệt trùng hoặc các thực phẩm từ sữa chưa tiệt trùng.
  • Nếu sử dụng thực phẩm nấu sẵn, thực phẩm ăn liền, hoặc khó bảo quản, cần sử dụng càng sớm càng tốt.

      Bảo quản

  • Thức ăn nên được bảo quản lạnh, chỉ nên để ngoài nhiệt độ phòng dưới 1 giờ.
  • Thời gian bảo quản một số thực phẩm cụ thể theo CDC Hoa Kỳ: https://www.foodsafety.gov/food-safety-charts/cold-food-storage-charts
  • Thực phẩm trong tủ lạnh nên được bảo quản ở mức dưới 4,4 độ C (tủ mát) và dưới -17,8 độ C (tủ đông).

- Phòng ngừa lây lan

  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc người bệnh (đặc biệt với dịch tiết: phân, chất nôn của người bệnh). Khi có 1 trẻ trong nhà bị bệnh, cần hạn chế cho tiếp xúc với các trẻ còn lại.
  • Rửa tay thường xuyên và đúng cách với xà phòng và nước sạch.

BS. Phùng Quang Vinh - Khoa Nhi

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức