1.NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM LÀ GÌ?
Ngộ độc thực phẩm là một tình trạng bệnh lý gây ra những rối loạn cấp tính trên đường tiêu hóa và ngoài đường tiêu hóa do người bệnh ăn uống phải những thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chất độc.
2.NGHI NGỜ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM KHI NÀO?
Khi có cùng lúc hai người trở lên có cùng dấu hiệu ngộ độc thực phẩm xảy ra trong một thời gian ngắn sau khi người bệnh ăn uống cùng một loại thực phẩm tại cùng một thời điểm và thời gian, trong khi những người không ăn thì không bị bệnh. Trường hợp hiếm hơn là chỉ có một người bệnh mắc phải và có triệu chứng nặng hoặc tử vong.
3.TRIỆU CHỨNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM.
Thông thường ngộ độc thực phẩm cấp tính sẽ xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc 1-2 ngày sau khi nhiễm độc từ thức ăn.
- Nếu sau khi ăn phải những thực phẩm bị nhiễm độc do vi sinh vật (như vi khuẩn, virus hoặc do độc tố từ vi sinh vật), đa phần bệnh nhân có những biểu hiện rõ rệ trên đường tiêu hóa như:
- Ói
- Tiêu lỏng có thể có lẫn máu hoặc chất nhầy trong phân
- Đau bụng
- Có thể sốt, vã mồ hôi, dấu hiệu nhiễm trùng
- Dấu hiệu mất nước: khát nước, khô môi ,tiểu ít
- Nếu nguyên nhân do thực phẩm nhiễm hóa chất thì người bệnh không chỉ có triệu chứng trên đường tiêu hóa mà còn có biểu hiện ở nhiều cơ quan khác :
- Nhìn mờ, nhìn đôi
- Nói khó, nói ngọng
- Đau đầu, chóng mặt
- Co giật yếu liệt
- Li bì, hôn mê
- Tụt huyết áp, trụy mạch, loạn nhịp tim, khó thở…
4. XỬ TRÍ NHƯ THẾ NÀO KHI NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM:
4.1 Xử trí tại nhà:
Khi người bệnh có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa nhưng số lần nôn ói và tiêu chảy không nhiều, người bệnh vẫn còn khỏe mạnh:
- Có thể gây nôn để hạn chế độc tố từ thức ăn (nếu trường hợp người bệnh không có biểu hiện nôn và bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo):
- Rửa tay sạch và đặt tay vào đáy lưỡi để kích thích gây nôn.
- Không gây nôn cho người khác nếu không đảm bảo an toàn (bệnh nhân nằm nghiêng, không gây hít sặc).
- Không gây nôn trong trường hợp bệnh nhân hôn mê.
- Người bệnh cần nghỉ ngơi và theo dõi với điều kiện uống bù đủ nước bằng nước lọc hoặc dung dịch Oresol.
- Có thể uống các loại men tiêu hóa như Enterogermina, Lacbiosyn, Bacivit…
- Uống thuốc hạ sốt bằng Paracetamol nếu có sốt.
- Chia nhỏ bữa ăn với chế độ ăn lỏng, dễ tiêu.
4.2. Khi nào cần tới bệnh viện?
Bệnh nhân cần tới bệnh viện khi có một trong các dấu hiệu sau:
- Ói nhiều, ói tất cả mọi thứ.
- Li bì, kém đáp ứng hoặc hôn mê.
- Kích thích, co giật.
- Có biểu hiện yếu liệt chi.
- Đi tiêu lỏng rất nhiều lần, phân nhiều nước, khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ có máu trong phân.
- Sốt cao khó hạ với thuốc hạ sốt.
- Ăn uống kém, bỏ ăn.
- Khát nước nhiều.
- Mệt lã, khó thở….
5.NHÂN VIÊN Y TẾ XỬ TRÍ THẾ NÀO KHI TIẾP NHẬN BỆNH NHÂN NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM.
- Đánh giá mức độ bệnh lý để quyết định điều trị ngoại trú hay nhập viện.
- Bệnh nhân nhập viện cần được làm các xét nghiệm cần thiết để đánh giá mất nước, rối loạn điện giải, đánh giá dấu hiệu nhiễm trùng, xét nghiệm độc chất trong dịch nôn, thực phẩm nghi ngờ, soi, cấy phân…
- Bệnh nhân được bác sỹ đánh giá mức độ mất nước, biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc, các dấu hiệu rối loạn thần kinh và tim mạch nếu có để quyết định bù nước bằng đường uống hay tĩnh mạch, điều trị kháng sinh, và các điều trị hỗ trợ khác…
6.VIỆC NÊN LÀM KHI PHÁT HIỆN VÀ SƠ CỨU NGƯỜI BỊ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
- Giữ lại mẫu bệnh phẩm nghi ngờ, tốt nhất nên giữ lại cả nhãn mác thậm chí cả chất nôn của người bệnh.
- Thông báo đến cơ sở y tế gần nhất, trung tâm y tế dự phòng và chính quyền địa phương trong trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt ca.
- Đưa người bệnh ngộ độc thực phẩm đến cơ sở y tế gần nhất nếu có dấu hiệu cần nhập viện.
7.CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
- Luôn giữ sạch tay và rửa sạch các bề mặt tất cả dụng cụ chế biến thực phẩm, có dụng cụ chế biến thức ăn sống và chín riêng biệt.
- Lựa chọn thực phẩm, rau xanh tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng, có uy tín trên thị trường (điều kiện bảo quản tốt và còn hạn sử dụng).
- Không để thực phẩm đã nấu chín lẫn thực phẩm sống.
- Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã thay đổi mùi vị, màu sắc, nghi ngờ ôi thiu, bao bì bảo quản bị rách, nhầu nát…
- Đun lại thức ăn trước khi cất vào trong tủ lạnh.
- Ăn ngay khi nấu chín, không để thức ăn nấu chín ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ.
- Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách.
- Các bếp ăn tập thể, hàng quán cần tuân thủ về vệ sinh an toàn thực phẩm như chính bếp ăn của gia đình mình.
Khoa Nội Tiêu Hoá Bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức với giường bệnh nội trú 60 giường, với đầy đủ các trang thiết bị chẩn đoán, thuốc men, nhân viên y tế vững chuyên môn, là địa chỉ đáng tín cậy khi bạn có các vấn đề về bệnh lý tiêu hóa. Người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị nếu không may bị ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức .
BS.CKII Nguyễn Thị Bé – Trưởng khoa Nội Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức