Hình ảnh thực tế tại khoa GMHS - BV ĐKKKV Thủ Đức
1. Một tuần trước khi phẫu thuật
- Tình trạng thể chất: bệnh nhân nên được chuẩn bị rất tốt về chế độ dinh dưỡng trước mổ. Chế độ ăn nên giàu chất đạm, giàu dinh dưỡng và vitamin, đặc biệt những bệnh nhân bị suy dinh dưỡng cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt để nâng cao thể trạng. Bệnh nhân đái tháo đường cần chọn chế độ ăn thích hợp.
- Không hút thuốc: người nghiện thuốc thường gặp các vấn đề về hô hấp trong hoặc sau khi phẫu thuật, tăng nguy cơ viêm phổi, xẹp phổi sau mổ do tăng tiết đờm dãi, dịch nhầy trong khí phế quản. Hút thuốc lá làm giảm lưu thông máu, làm chậm quá trình lành vết mổ, vết mổ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn. Vậy nên dừng thuốc lá trước mổ càng lâu càng tốt, ít nhất là 3 tuần trước mổ
- Tránh uống bia rượu: Uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục tăng nguy cơ chảy máu, giảm đáp ứng miễn dịch.
- Tập luyện: Nên tập các động tác lý liệu pháp hô hấp như: Tập hít sâu, thở chậm, ho khạc đờm, nằm trên giường tập các động tác co, gấp, duỗi các chi. Nên ngủ sớm, ngủ đủ giấc và sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ
2. Ngày vào viện chuẩn bị cho phẫu thuật
- Nên đi cùng với người thân/người giám hộ để hỗ trợ bệnh nhân
- Cần báo ngay với nhân viên y tế nếu bệnh nhân có biểu hiện bất thường về sức khỏe
- Nếu bệnh nhân sốt/cảm lạnh, đến kỳ kinh nguyệt hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác trước phẫu thuật 1 ngày cần báo ngay cho bác sĩ điều trị
- Sau khi đã hoàn tất các xét nghiệm tiền phẫu, bệnh nhân sẽ được khám tiền mê với bác sĩ gây mê để quyết định phương pháp gây mê phù hợp. Bác sĩ cũng sẽ giải thích về phương pháp gây mê được áp dụng cho bệnh nhân.
3. Thủ thuật pháp lý thực hiện trước phẫu thuật, thủ thuật, gây mê
- Sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin về phẫu thuật, bệnh nhân sẽ ký cam kết chấp thuận cho bác sĩ thực hiện phẫu thuật điều trị theo kế hoạch.
- Tùy vào tính chất phẫu thuật, bệnh nhân có thể được yêu cầu ký cam kết, thủ tục cần thiết bao gồm cả nghĩa vụ tài chính. Người dưới 18 tuổi phải có cha mẹ hoặc người giám hộ ký vào những cam kết chấp thuận nói trên.
4. Những điểm lưu ý trước phẫu thuật
- Tẩy trang và chùi sạch sơn móng tay, móng chân trước khi phẫu thuật
- Chải và cột gọn tóc
- Tháo kính áp tròng, tháo răng giả tháo lắp
- Tháo tất cả đồ trang sức, bao gồm các loại khuyên đeo trên người
- Mặc quần áo do bệnh viện cung cấp, không mang tất và mặc đồ lót. Mang giày dép thoải mái, không mang giày cao gót, xăng đan hay dép xỏ ngón
- Đi tiểu trước khi vào phòng mổ
- Bệnh nhân nhỏ tuổi cần có bố mẹ hoặc người giám hộ đi kèm
- Trước khi phẫu thuật, nếu bệnh nhân có các triệu chứng bất thường như: cảm lạnh, đau họng, ho, đau bụng cồn cào, tiêu chảy hoặc sốt, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ phẫu thuật, nhân viên y tế để kịp thời thăm khám tình trạng bệnh nhân. Bác sĩ có thể quyết định hoãn thực hiện phẫu thuật cho đến khi tình trạng bệnh nhân ổn định.
5. Vệ sinh cơ thể trước khi phẫu thuật
- Mục đích: loại bỏ vi khuẩn vảng lai và định cư trên da bệnh nhân trước phẫu thuật nhằm làm giảm nguy cơ mắc nhiễm khuẩn vết mổ
- Không loại bỏ lông trước phẫu thuật trừ những phẫu thuật sọ não hoặc bệnh nhân có lông tại vị trí rạch da gây ảnh hưởng tới các thao tác trong quá trình phẫu thuật. Những bệnh nhân có chỉ định loại bỏ lông, cần tiến hành trong vòng 1 giờ trước phẫu thuật và loại bỏ bằng kéo
- Hóa chất khử khuẩn: Chlorhexidine gluconate 2-4% hoặc dung dịch chứa povidone iodine 4% được đóng chai nhỏ 20ml
Chú ý: Bệnh nhân không dùng bất kỳ loại phấn, hóa chất nào thoa lên người sau khi tắm bằng dung dịch khử khuẩn
- Kỹ thuật tắm như sau: Dùng tay thoa xà phòng thật kỹ toàn bộ cơ thể, đảm bảo toàn bộ bề mặt da trên cơ thể đều được cọ sạch với xà bông. Sau đó, bệnh nhân xả nước sạch và lau người khô bằng khăn sạch. Bệnh nhân không cần gội đầu nếu đầu vẫn sạch, trừ khi phải phẫu thuật đầu hay cổ. Sau lần tắm sau cùng, mặc quần áo sạch do bệnh viện cung cấp.
6. Hướng dẫn nhịn ăn uống trước phẫu thuật
-
Tùy từng chuyên khoa và từng trường hợp bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê sẽ cho chỉ định bệnh nhân nhịn ăn, uống trước mổ vào thời điểm nào.
-
Nhịn ăn uống giúp phòng ngừa việc hít các vật thể lạ, chất nôn vào đường thở gây sặc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân nên tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, để hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra biến chứng.
-
Kể cả trong trường hợp bạn được gây tê vùng thì việc tuân thủ các hướng dẫn nhịn ăn uống cũng rất quan trọng vì có thể chuyển gây mê. Cần từ 6 – 8 giờ sau ăn để dạ dày ở trạng thái trống, an toàn cho việc gây mê. Do đó bệnh nhân cần kết thúc bữa ăn cuối trước khi lên phòng mổ khoảng 8 tiếng. Sữa, súp loãng cần kết thúc trước 06 giờ.
- Những bệnh nhân phải nhịn hoàn toàn cả ăn uống bác sĩ sẽ trao đổi cụ thể
7. Hướng dẫn sử dụng thuốc trước phẫu thuật
Bệnh nhân cần thông tin rõ cho bác sĩ những loại thuốc đang điều trị hàng ngày. Có những loại thuốc có nguy cơ gây ra biến chứng chảy máu trong và sau mổ. Nên thông báo rõ cho bác sĩ những loại thuốc sau đây nếu bệnh nhân đang uống hàng ngày:
- Thuốc kháng đông (Wafarin...)
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu ( Aspirin, Clopidogrel, Prasugrel, Ticagelor, Ticlopidine...)
- Thuốc kháng viêm NSAID (Ibuprofen, Diclofenac,Celecoxib, Indomethacine...)
- Thuốc điều trị Đái tháo đường
- Thuốc chống trầm cảm (Haloperidol, clopromazine...)
- Thuốc huyết áp
- Thuốc điều trị cường giáp
- Thuốc ngừa thai
- Một số vitamin và thảo dược như nhân sâm, tỏi, Ginkgo biloba
Nếu bệnh nhân có bệnh lý ngưng thở khi ngủ (ngủ ngáy), cần thông báo tình trạng này với bác sĩ, để bác sĩ và điều dưỡng chủ động kế hoạch theo dõi hô hấp cho bệnh nhân trong và sau khi phẫu thuật.
8. Dinh dưỡng trước phẫu thuật
Vấn đề dinh dưỡng trước mổ ngày càng được quan tâm, cũng như lợi ích của nó trong suốt quá trình bệnh nhân điều trị. Tuy nhiên, quá trình ăn uống của bệnh nhân ảnh hưởng đến tình trạng phải đảm bảo dạ dày luôn rỗng trước khi mổ. Do đó cần phải có sự khuyến cáo từ chuyên gia dinh dưỡng, BS CKI Trần Thị Hiếu khoa Dinh dưỡng – Tiết chế Bệnh viện ĐKKV Thủ Đức cho hay:
Sản phẩm dành cho BN trước mổ là dung dịch Maltodextrin. Sử dụng dụng dung dịch maltodextrin 12,5% để nạp Carbohydrat trước mổ.
Lợi ích:
- Giúp giảm biến chứng trong và sau phẫu thuật
- Giúp giảm thời gian nằm viện
- Giảm cảm giác khát, đói, mệt, mất dịch...giảm nôn sau mổ, giảm lo âu cho bệnh nhân
Cách dùng:
-
Chiều ngày trước phẫu thuật ăn cháo và uống dần 800ml dung dịch maltodextrin trước khi ngủ ( tối thiểu nên uống 500ml )
-
Sáng ngày phẫu thuật: uống 400ml dung dịch maltodextrin trước khi lên phòng mổ 2h ( đề xuất uống trước 6h sáng).
9. Thời gian thực hiện phẫu thuật
Điều dưỡng sẽ thông báo cho bệnh nhân thời gian dự tính của ca phẫu thuật. Để chuẩn bị tốt cho ca phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng mổ từ 30 - 45 phút trước khi bắt đầu.
a). Đến phòng phẫu thuật
- Bệnh nhân sẽ được nhân viên đưa đến khu vực phòng phẫu thuật, điều dưỡng sẽ kiểm tra lại các thông tin liên quan đến bệnh nhân và người đi cùng đến phòng mổ. Hai thành viên gia đình được phép đi cùng bệnh nhân đến cửa phòng phẫu thuật nhưng không được vào bên trong vì đây là khu vực vô trùng.
b). Hậu phẫu
- Bệnh nhân được đưa đến phòng hồi tỉnh để theo dõi và chăm sóc sau phẫu thuật. Tại đây, bác sĩ và điều dưỡng sẽ theo dõi cho đến khi bệnh nhân tỉnh lại (nếu có gây mê) hoặc 2 chân cử động được (nếu gây tê tủy sống). Khi bệnh nhân ổn định, phục hồi hoàn toàn về ý thức, chức năng vận động, cảm giác, phản xạ… nhân viên khu hồi tỉnh sẽ liên hệ chuyển bệnh nhân về phòng bệnh.
c). Trở về phòng bệnh
-
Sau khi rời phòng hồi tỉnh, bệnh được đưa về phòng bệnh. Điều dưỡng sẽ theo dõi huyết áp, nhịp tim và nhiệt độ cho bệnh nhân, đánh giá mức độ đau và theo dõi các diễn tiến của bệnh nhân... để kịp thời thông báo cho bác sĩ khi có bất thường.
-
Để tránh nguy cơ choáng dẫn tới té ngã sau phẫu thuật, bệnh nhân không nên tự ý rời khỏi giường mà nên nhờ sự trợ giúp của người thân và hướng dẫn của điều dưỡng
-
Sau phẫu thuật, trên cơ thể bệnh nhân có thể còn các ống dẫn lưu, ống dẫn nước tiểu… Điều dưỡng sẽ giải thích cho bệnh nhân về vai trò của các ống này. Nhằm đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc tốt nhất, điều dưỡng rất cần sự hợp tác của bệnh nhân và người nhà đối với các lưu ý về ống dẫn lưu.
-
Trong trường hợp, các bệnh nhân nặng cần chăm sóc và hồi sức tích cực sau mổ sẽ được chuyển về khu Hồi sức tích cực – chống độc. Tại đây được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị theo dõi và hỗ trợ đặc biệt dành cho bệnh nhân có chỉ định hỗ trợ hô hấp, chăm sóc, hồi sức tích cực. Đây là khu vực vô trùng, bệnh nhân được chăm sóc toàn diện nên cần giới hạn thân nhân vào thăm bệnh.
10. Hãy báo cho điều dưỡng hay bác sĩ nếu bạn thấy có những triệu chứng sau:
- Đau nhiều
- Đi tiểu khó hoặc thấy đau khi tiểu
- Đau khi hít vào hoặc thở ra
- Đau ở vết mổ
- Buồn nôn, ói mửa (do ảnh hưởng thông thường của thuốc mê
- Bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác
11. Kiểm soát cơn đau
- Các bác sĩ sẽ cố gắng giảm nhẹ cơn đau sau thủ thuật, phẫu thuật đến mức thấp nhất cho bệnh nhân. Hiện nay tại Bệnh viện ĐKKV Thủ Đức đã triển khai các gói “Giảm đau sau phẫu thuật” (tê ngoài màng cứng, bệnh nhân tự kiểm soát cơn đau (PCA), giảm đau đa mô thức) đến hầu hết bệnh nhân. Hãy báo ngay cho nhân viên y tế điều trị tại khoa nếu bệnh nhân cảm thấy đau vượt ngưỡng chịu đựng sau phẫu thuật để có chiến lược bổ sung thuốc phù hợp.
12. Chế độ ăn - vận động sớm sau phẫu thuật
- Ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân không được ăn hay uống trong một thời gian nhất định. Điều dưỡng tại khoa sẽ thông báo khi nào bệnh nhân được phép ăn uống bình thường trở lại
-
Khi đã được phép ăn uống, bệnh nhân cần ngồi dậy khi ăn và uống để tránh nguy cơ bị hít sặc.
-
Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn vận động sớm nhất có thể để tăng khả năng hồi phục sau phẫu thuật
13. Chăm sóc, theo dõi và điều trị sau khi phẫu thuật
- Bác sĩ phẫu thuật hoặc một thành viên của ê-kíp phẫu thuật sẽ kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân mỗi ngày để đánh giá tiến độ hồi phục của vết mổ và tiến triển hồi phục cho đến khi bệnh nhân xuất viện.
***Tài liệu tham khảo:
- Bệnh viện Bạch Mai, “Quy định kiểm soát nhiễm khuẩn”, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 2000.
- Bộ Y tế, < Hướng dẫn Quy trình chăm sóc người bệnh>, 2002.
- Bộ Y tế, “Thông tư Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bện” năm 2009
- Phác đồ điều trị Chuyên khoa: Gây mê – Hồi sức Bệnh viện nhân dân Gia Định 2020
- https://www.espen.org/files/ESPEN-guideline_Clinical-nutrition-in-surgery.pdf
CNĐD Phan Tấn Phúc - Khoa Gây Mê Hồi Sức
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức