Điều dưỡng chăm sóc BN nội trú tại BVĐK khu vực Thủ Đức
GIA KHÁNH
TS-BS Cao Tấn Phước, Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) khu vực Thủ Đức mở đầu câu chuyện.
Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của TP.HCM, mỗi ngày BVĐK khu vực Thủ Đức (số 64 Lê Văn Chí, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức) tổ chức khám ngoại trú 2.000 - 2.800 lượt bệnh nhân (BN) và điều trị nội trú 600 -700 BN.
Cứu sống BN nhờ kỹ thuật hiện đại
Hướng dẫn chúng tôi tham quan hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) của bệnh viện, bác sĩ (BS) CK1 Trần Nhân Nghĩa, Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp Khoa Nội tim mạch BVĐK khu vực Thủ Đức cho biết: "Hệ thống mới đưa vào sử dụng hơn 1 năm, nhưng chúng tôi đã thực hiện chụp mạch vành cho gần 700 BN, trong đó đã can thiệp nong và đặt stent động mạch vành thành công cho trên 400 trường hợp.
Trong số đó, có 40 trường hợp can thiệp mạch vành cấp cứu cho các BN chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp được đưa đến bệnh viện trong “khung giờ vàng”. Đặc biệt có những BN đến muộn, lớn tuổi, tụt huyết áp, suy tim, đe dọa tử vong... được chúng tôi can thiệp mạch vành thành công nhờ hệ thống này".
Đơn cử, lúc 2 giờ ngày 5.2, BVĐK khu vực Thủ Đức cấp cứu BN (nam, 50 tuổi) trong tình trạng ngực đau dữ dội kèm theo khó thở. Tại Phòng cấp cứu các BS phát hiện BN có dấu hiệu của bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, nguy cơ tử vong cao. Ngay lập tức, đơn vị Tim mạch can thiệp đã hội chẩn và kích hoạt quy trình chụp, can thiệp mạch vành. Kết quả chụp phát hiện có tình trạng tắc nghẽn hoàn toàn đoạn giữa động mạch vành phải do các cục máu đông. Các BS đã hút ra nhiều cục máu đông trong lòng mạch vành, đây là thủ phạm gây nhồi máu cơ tim cấp để cứu sống BN. Đặc biệt, có những BN bị đa chấn thương do TNGT, vào viện trong tình trạng choáng do mất máu, vỡ các tạng đặc (gan, lách) đã được các BS phối hợp điều trị đa mô thức, vừa hồi sức nội khoa vừa sử dụng phương pháp can thiệp nội mạch để cầm máu kịp thời. Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa BS các khoa đã mang lại kết quả hồi phục hết sức ngoạn mục cho BN.
Đề cập đến những trường hợp trên, TS-BS Cao Tấn Phước nói: "Trước đây bệnh viện chưa được trang bị hệ thống DSA thì phải chuyển lên tuyến trên xa hàng chục ki lô mét, làm mất đi thời gian “vàng” để cứu sống BN. Còn hiện nay với kỹ thuật mới hiện đại, nhân sự được đào tạo bài bản thì bệnh viện xử lý không mấy khó khăn. Đây là mũi nhọn đặc biệt của bệnh viện để cấp cứu những BN liên quan đến tim mạch ở khu vực này".
Ưu tiên hàng đầu về khoa học công nghệ
Hiện nay, ngoài hệ thống DSA, bệnh viện còn trang bị hệ thống máy mới chụp cắt lớp vi tính (MSCT) 128 lát; máy chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla; hệ thống máy nội soi tiêu hóa CV190; máy siêu âm doppler màu tim - mạch máu, siêu âm 4D, siêu âm đàn hồi; holter điện tim đồ 24h, Holter Huyết áp 24 giờ, máy tạo nhịp tim; hệ thống máy xét nghiệm tự động… Qua đó, cung cấp các dịch vụ khám, chẩn đoán và can thiệp chuyên sâu các bệnh lý tim mạch và bệnh mạch máu ngoài tim như: bệnh mạch vành, bệnh rối loạn nhịp tim, bệnh mạch máu não, bệnh mạch máu chi, bệnh u gan…
Ngoài thực hiện thủ thuật chụp động mạch vành và đặt stent, bệnh viện còn thực hiện thành công nhiều kỹ thuật điều trị chuyên sâu như: đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, vĩnh viễn; điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong nhồi máu não cấp; lọc máu liên tục điều trị ngộ độc; thay huyết tương trong điều trị viêm tụy cấp; thay khớp vai toàn phần…
TS-BS Cao Tấn Phước cho biết: "Ban giám đốc luôn xác định phát triển khoa học công nghệ là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của bệnh viện trong thời gian tới. Ngoài ra, bệnh viện còn tập trung tối đa vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh. Ngoài việc gửi nhân sự đi đào tạo ngắn hạn, dài hạn tại các bệnh viện lớn trong nước; chúng tôi còn chú trọng công tác đào tạo tại chỗ bằng nhiều hình thức từ sinh hoạt khoa học kỹ thuật định kỳ hằng tháng, sinh hoạt câu lạc bộ BS trẻ hằng tuần… Công tác đào tạo, huấn luyện đội ngũ CB-CNV của bệnh viện luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và có đánh giá chất lượng bằng các tiêu chí cụ thể".
Lấy người bệnh làm trung tâm
Theo khảo sát của Sở Y tế TP.HCM trong năm 2020 tại BVĐK khu vực Thủ Đức, cho thấy: sự hài lòng của BN nội trú đạt hơn 4,55/5 điểm; BN ngoại trú đạt 4,17/5 điểm và tỷ lệ hài lòng nhân viên y tế đạt 4,38/5 điểm. Ông Phạm Quế Chi (ngụ TP.Dĩ An, Bình Dương) thường xuyên khám bệnh tại BVĐK khu vực Thủ Đức nhận xét: "Trong khoảng 3 năm trở lại đây, bệnh viện thay đổi rất nhiều, nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc được đầu tư hiện đại. Đặc biệt, thái độ phục vụ của nhân viên y tế rất tận tình, chu đáo và hài hòa.
Mong sao thời gian tới, bệnh viện tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất mạnh hơn nữa để đáp ứng việc khám chữa bệnh cho người dân trong khu vực".
TS-BS Cao Tấn Phước nói thêm: "Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm chúng tôi luôn hướng nhân viên của mình phải thay đổi thái độ phục vụ để đem lại sự hài lòng cho BN và người nhà BN. Đặc biệt, vừa qua chúng tôi thành lập Phòng Công tác xã hội, Phòng quản lý chất lượng… cũng không ngoài mong muốn nâng cao thái độ phục vụ, quan tâm hơn nữa đến BN để mỗi khi họ đến đây đều được trải nghiệm tích cực và có được sự hài lòng cao nhất đối với bệnh viện".
Khởi động bệnh viện gần 2.000 tỉ đồng
UBND TP.HCM đã phê duyệt dự án xây dựng mới BVĐK khu vực Thủ Đức với vốn đầu tư 1.915 tỉ đồng. Dự án gồm 1 tầng hầm và 10 tầng nổi, được xây dựng trên diện tích hơn 58.000 m², đáp ứng 1.000 giường và quy mô lưu bệnh, điều trị nội trú 500 giường hiện đại, chất lượng cao. Bệnh viện ra đời hình thành nên các chuyên khoa sâu với các thiết bị y tế hiện đại, nhằm giảm tải cho các bệnh viện khu vực nội thành đồng thời đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tại khu vực TP.Thủ Đức và các vùng lân cận. Ngoài ra, gói trang thiết bị cũng được bệnh viện trình Sở Y tế TP.HCM thẩm định hơn 600 tỉ đồng. Theo dự kiến, dự án khởi công vào tháng 9.2021.
- - - - -
Bài viết trích dẫn từ nguồn: https://thanhnien.vn/
Link bài viết trực tiếp từ Báo Thanh Niên: https://thanhnien.vn/suc-khoe/nhieu-thay-doi-o-benh-vien-cua-ngo-dong-bac-1374787.html