1. Tủy sống là gì?
Gây tê tủy sống được thực hiện bằng cách tiêm thuốc tê vào khoang dưới nhện (chọc vào khe giữa 2 đốt sống thắt lưng, vị trí chọc thông thường L3-L4 hoặc L4-L5) nhằm ức chế tạm thời toàn bộ cảm giác và vận động từ vị trí mà khoanh tủy đó chi phối xuống các cơ quan phía dưới của cơ thể khi phẫu thuật. Nhằm đáp ứng yêu cầu vô cảm để phẫu thuật và giảm đau. Khi áp dụng thủ thuật này bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong và sau mổ.
Đốt sống thắt lưng L3-L4; L4-L5 (Nguồn ảnh: Biodigital.com)
2. Gây tê tủy sống được chỉ định trên những phẫu thuật nào?
- Phẫu thuật chi dưới: Các phẫu thuật kết hợp xương chi dưới, thay khớp háng, thay khớp gối, ghép da, cắt cụt,...
- Phẫu thuật tiết niệu: Bao gồm cắt nội soi u xơ tiền liệt tuyến qua niệu đạo, sỏi niệu quản, soi bàng quang...
- Phẫu thuật sản phụ khoa: Gồm cắt tử cung, cắt u nang buồng trứng, mổ lấy thai. Các phẫu thuật u nang buồng trứng, sa sinh dục ở nữ giới,...
- Phẫu thuật ổ bụng ở tầng bụng dưới: Các phẫu thuật thoát vị bẹn, các phẫu thuật vùng cơ quan sinh dục,...
3. Gây tê tủy sống có ưu điểm gì để được ưu tiên lựa chọn?
- Thao tác nhanh, giảm thời gian trong phẫu thuật, trong suốt quá trình phẫu thuật bệnh nhân vẫn tỉnh táo
- Tác dụng nhanh, tỷ lệ thất bại thấp, an toàn cao, giảm đau sau mổ
- Ít gây tác dụng phụ lên đường hô hấp, hệ tim mạch cũng như hệ thần kinh
- Sớm phục hồi nhu động ruột, hầu như không ảnh hưởng đến tiêu hóa sau mổ
4. Chống chỉ định của Tê tủy sống
- Người bệnh từ chối
- Dị ứng thuốc tê
- Viêm nhiễm vùng chọc kim gây tê
- Thiếu khối lượng tuần hoàn chưa bù đủ, sốc
- Rối loạn đông máu
- Dừng các thuốc chống đông chưa đủ thời gian
- Hẹp van hai lá khít, van động mạch chủ khít
- Suy tim nặng mất bù
5. Lưu ý về tư thế khi thực hiện Tê tủy sống
- Bệnh nhân phải hợp tác tốt theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế, bệnh nhân nên nằm yên, không dịch chuyển vì có thể làm lệch mũi tiêm
- Tư thế: thường có 2 tư thế:
- Tư thế nằm: Người bệnh nằm nghiêng cong lưng, hai đầu gối áp sát vào bụng, cằm tỳ vào ngực
- Tư thế ngồi: người bệnh cong lưng, đầu cúi, cằm tỳ vào ngực, chân duỗi trên mặt bàn mổ, hoặc bàn chân đặt trên ghế
Bác sĩ đang thực hiện tê tủy sống cho bệnh nhân (Nguồn ảnh thực tế tại Bệnh viện ĐKKV Thủ Đức)
6. Biến chứng của Tê tủy sống
- Đau đầu: Tác dụng phụ này thường xuất hiện vài ngày sau gây tê và sẽ biến mất sau vào trong những ngày tiếp theo
- Run: Run sau gây tê tủy sống là một phản ứng rất thường gặp, một phần là do tác dụng phụ của thuốc tê và nhiệt độ của phòng mổ luôn thấp hơn bên ngoài. Bệnh nhân sẽ được giữ ấm trong và sau khi mổ. Tuy nhiên run này là lành tính và sẽ biến mất hoàn toàn sau vài giờ.
- Ngứa: Thuốc gây tê có thể khiến bệnh nhân cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu do tác dụng của thuốc giảm đau được thêm vào trong thuốc tê. Tình trạng ngứa sẽ giảm dần và hết sau khoảng 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp bệnh nhân ngứa nghiêm trọng và kéo dài.
- Buồn nôn: Ngay sau khi thuốc tê được tiêm vào cột sống, bệnh nhân có thể cảm thấy buồn nôn, thậm chí là nôn mửa. Đây là phản ứng khá phổ biến nhưng sẽ nhanh chóng biến mất khi thuốc tê hết tác dụng, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bệnh nhân.
- Bí tiểu: Phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính nam, rối loạn chức năng tiết niệu trước đó, phẫu thuật vùng chậu hoặc phẫu thuật kéo dài, sử dụng thuốc kháng cholinerdgic, opioids...Xử trí chườm ấm ở vùng bụng dưới, hoặc đặt ống thông bàng quang nếu cần.
- Đau lưng: Trước đây có nhiều ý kiến rằng gây tê tủy sống sẽ làm xuất hiện hoặc nặng nề thêm tình trạng đau lưng. Nhưng các nghiên cứu trên thế giới gần đây đã chứng minh điều này là chưa đúng, bởi vì kim sử dụng trong gây tê tủy sống càng lúc càng có đường kính rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu quá trình gây tê tủy sống có làm tổn thương dây chằng ở thắt lưng thì vẫn có khả năng gây ra đau lưng cho bệnh nhân, mặc dù điều này khá ít gặp. Tùy từng người mà có thể đau nhẹ, đau âm ỉ, cũng có người đau dữ dội, cơn đau kéo dài, liên tục. Bởi vậy, bệnh nhân cần hợp tác tốt với hướng dẫn của bác sĩ gây mê và không di chuyển, cử động trong quá trình gây tê tủy sống.
7. Sau tê tủy sống bệnh nhân cần lưu ý gì?
- Sau phẫu thuật, bệnh nhân có gây tê tủy sống sẽ được đưa tới phòng hồi tỉnh để tiếp tục theo dõi sức khỏe và vết mổ trong ít nhất 2 giờ. Được đánh giá lại sự phục hồi cảm giác, vận động của chi dưới sau gây tê phẫu thuật.
- Nếu tình trạng sức khỏe người bệnh ổn định đủ tiêu chuẩn ra khỏi phòng hồi tỉnh, bệnh nhân được chuyển xuống phòng nội trú để tiếp tục việc chăm sóc.
- Chế độ ăn uống : Thông thường phải mất vài giờ sau mổ để bệnh nhân mới có cảm giác trở lại ở khu vực gây tê. Vì thế khi bệnh nhân trở lại buồng bệnh không được ăn uống ngay, nếu khát có thể nhấp từng ngụm nước nhỏ để tránh hiện tượng nôn và buồn nôn sau mổ, căng tức bụng. Sau khoảng 3-4 giờ, khi đã có cảm giác trở lại ở khu vực gây tê và không còn các triệu chứng khó chịu khác, bệnh nhân có thể ăn uống trở lại , nên ăn nhẹ lỏng trước và chia nhỏ bữa ăn.
- Chế độ vận động : bệnh nhân cần được nằm yên tại giường, hạn chế thay đổi tư thế 24 giờ đầu sau gây tê, các sinh hoạt cá nhân nên có người trợ giúp và được làm tại giường bệnh. Sau vài giờ khi tác dụng của thuốc tê giảm dần bệnh nhân có thể vận động, xoay trở người nhẹ nhàng tại giường.
- Khi thấy các dấu hiệu bất thường như: khó thở, đau hoặc sưng đỏ ở vị trí tiêm tê, nhức đầu dữ dội, yếu tay chân, tiêu tiểu khó thì nên đến báo cho nhân viên y tế phụ trách ngay để kịp thời xử trí.
Với phương pháp tê tủy sống này, từ lâu đã được áp dụng tại khoa Gây mê hồi sức của Bệnh viện ĐKKV Thủ Đức. Mọi thắc mắc của bệnh nhân về phương pháp tê tủy sống sẽ được Bác sĩ chuyên khoa giải đáp cặn kẽ cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.
*** Tài liệu tham khảo: 500 Qui trình kỹ thuật gây mê hồi sức, Webside: https://kcb.vn
CN ĐD Phan Tấn Phúc - Khoa Gây Mê Hồi Sức
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức