NỖI LO SỨC KHỎE MỖI MÙA MƯA - CẦN CẢNH GIÁC VỚI BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

Bởi supadmin -08-11-2024

      Sốt xuất huyết Dengue là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh được xem như nỗi lo “sức khỏe” của mọi nhà khi mùa mưa đến, bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm và tử vong nếu không được theo dõi, điều trị phù hợp.

      Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, tình hình bệnh Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, thành phố ghi nhận nhiều ca mắc mới và nặng. Đáng chú ý, thành phố Thủ Đức là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh với 1.087 ca bệnh.

Biểu đồ số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tính đến ngày 11/8/2024 – Nguồn: HCDC Thành phố Hồ Chí Minh

      Do đó, việc hiểu rõ về bệnh Sốt xuất huyết Dengue, các dấu hiệu và biến chứng nguy hiểm của bệnh là cực kỳ quan trọng, để giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình từ sớm. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về bệnh Sốt xuất huyết Dengue với bác sĩ qua bài viết dưới đây.

 

Bệnh Sốt xuất huyết Dengue là gì? Dấu hiệu nhận biết bệnh Sốt xuất huyết?

      Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 nhóm huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. 

Một số dấu hiệu nhận biết bạn mắc Sốt xuất huyết Dengue thường gặp như:

  • Sốt cao đột ngột, liên tục.
  • Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
  • Da xung huyết.
  • Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
  • Nghiệm pháp dây thắt dương tính.
  • Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

      Nếu không được chẩn đoán, theo dõi và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng như: Sốc Sốt xuất huyết Dengue, suy hô hấp do tràn dịch phổi và mô kẽ, xuất huyết nặng do rối loạn đông máu, tổn thương gan/ thận cấp tính, suy đa cơ quan và tử vong. Hiện nay, bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn.

Điều trị và theo dõi Sốt xuất huyết Dengue như thế nào?

      Phần lớn các trường hợp bệnh được điều trị ngoại trú và tái khám theo dõi tại y tế cơ sở mỗi ngày. Hiện tại, điều trị Sốt xuất huyết Dengue chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.

      Nếu sốt cao người bệnh cần uống thuốc hạ sốt Paracetamol liều dùng từ 10 – 15mg/kg, cách nhau mỗi 4 -6 giờ. Bên cạnh đó, người bệnh cần nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm, không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để điều trị sốt vì có thể gây sốt xuất huyết, toan máu.

      Cần đến ngay các cơ sở y tế khi xuất hiện các biểu hiện bệnh sau:

1. Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.

2. Không ăn, uống được.

3. Nôn ói nhiều.

4. Đau bụng nhiều.

5. Tay chân lạnh, ẩm.

6. Mệt lả, bứt rứt.

7. Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.

8. Không tiểu trên 6 giờ.

9. Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.

Vaccin phòng bệnh Sốt xuất huyết?

      Ngày 15/05/2024 vừa qua, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành vắc xin ngừa sốt xuất huyết do Takeda sản xuất (vắc xin Qdenga). Đây là vắc xin ngừa sốt xuất huyết đầu tiên được lưu hành tại Việt Nam. Dự kiến vắc xin sốt xuất huyết vừa được phê duyệt sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong nước bắt đầu từ tháng 9-2024. Đến nay, vắc xin do Takeda sản xuất đã được phê duyệt ở hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Brazil, Argentina, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Vắc xin cũng đã được phê duyệt và sử dụng cho chương trình tiêm chủng quốc gia tại Brazil và Argentina.

      Theo thông tin của nahf sản xuất, vắc xin Qdenga có thể bảo vệ chống lại 4 nhóm huyết thanh của vi rút dengue (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4), được chỉ định để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở những người từ 4 tuổi trở lên, đặc biệt ở những khu vực có bệnh sốt xuất huyết lưu hành mà không cần xét nghiệm để xác định tình trạng nhiễm hay không nhiễm với virus Dengue trước đó.

      Vắc xin Qdenga là vắc xin ngừa sốt xuất huyết đầu tiên được lưu hành tại Việt Nam

      Lịch tiêm gồm 2 liều, cách nhau 3 tháng. Hiệu lực lâm sàng của Qdenga đã được đánh giá qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng pha 3, mù đôi, ngẫu nhiên đối chứng với giả dược được thực hiện tại nhiều quốc gia là trên 80% và thời gian bảo vệ lên đến 4,5 năm sau liều thứ 2. Tuy nhiên, liều nhắc lại để tăng cường miễn dịch chưa được khuyến cáo.  Sau khi tiêm, một số người có thể gặp phải các tác dụng phụ nhẹ như đau, sưng tại chỗ tiêm và sốt nhẹ.

      Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng. Để hạn chế sự sinh sôi của muỗi cũng như ngăn chặn chúng tấn công vào “hàng rào miễn dịch”, mọi người cần lưu ý phòng ngừa bằng các biện pháp như sau:

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE theo Quyết định số 2760/QĐ-BYT, ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
  2. https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/sot-xuat-huyet/

Bác sĩ Huỳnh Minh Nhựt - Khoa Nhiễm

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức