1. Hạ đường huyết là gì?
Hạ đường huyết là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, xảy ra khi đường huyết (glucose máu) xuống dưới 70 mg/dl (3.9 mmol/l). Hạ đường huyết thường xảy ra đột ngột, đáp ứng điều trị nhanh, nhưng nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến hôn mê, co giật và tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh về sau.
2. Những yếu tố nguy cơ gây hạ đường huyết:
- Sử dụng quá liều thuốc hạ đường huyết
- Bệnh nhân bỏ bữa không ăn, ăn trễ hoặc ăn quá ít hơn thường lệ
- Sau nôn ói nhiều hay tiêu chảy
- Tập luyện hay vận động quá mức bất thường
- Sau khi uống nhiều rượu nhưng không ăn hay ăn quá ít
- Sử dụng thuốc khác làm tăng tác dụng của thuốc hạ đường huyết
- Người già, thể trạng suy kiệt, nuôi dưỡng kém
- Bệnh nhân đái tháo đường có xơ gan, suy thận mạn
- Bệnh nhân mắc đái tháo đường lâu năm
- Từng bị hạ đường huyết tái phát nhiều lần, có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết không nhận biết rất nguy hiểm
3. Triệu chứng của hạ đường huyết:
Triệu chứng sớm: (giúp phát hiện ngay cơn hạ đường huyết)
- Cảm giác đói bụng, hồi hộp, tim đập nhanh, run rẩy và yếu cơ
- Vẻ mặt tái nhợt, đổ mồ hôi, chân tay lạnh, ớn lạnh, lo lắng
Triệu chứng muộn
- Giảm tập trung, nhìn đôi, nhìn mờ
- Nhức đầu, chóng mặt, nặng đầu, tê mặt môi
- Dễ cáu gắt
- Buồn rầu, lơ mơ, ngủ gà, lú lẫn
- Hôn mê khi hạ đường huyết nặng
Bệnh nhân mắc đái tháo đường lâu năm, người lớn tuổi, hoặc bệnh nhân hay bị hạ đường huyết tái phát nhiều lần có thể sẽ rơi vào hôn mê mà không có triệu chứng sớm báo trước. Một số bệnh nhân có xuất hiện các triệu chứng tương tự nhưng xét nghiệm đường huyết trên 70 mg/dl, vì vậy cần thử đường huyết ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ để xác định bệnh nhân rơi vào cơn hạ đường huyết một cách chính xác nhất.
4. Xử trí hạ đường huyết tại nhà:
Khi bệnh nhân hạ đường huyết không ăn uống được, lơ mơ, hôn mê hay dùng thuốc quá liều cần đưa đến bệnh viện ngay
Khi bệnh nhân còn tỉnh táo, ăn uống được, chúng ta có thể cho uống nước đường, sữa, nước trái cây, ăn một thức ăn ngọt chứa đường hấp thu nhanh ngay.
Chúng ta có thể chọn một trong những thức ăn sau:
- 3 viên đường glucose 5 gram
- 5-6 viên kẹo
- 2 thìa nho khô
- 3 thìa đường hay mật ong
- Nửa lon nước ngọt 330ml
- 1 ly nước trái cây
- 180-200ml sữa có đường
- Trái cây ngọt
- Sau 15 phút thử lại đường huyết còn thấp thì dùng thêm 1 lần nữa. Sau 15 phút nữa vẫn chưa cải thiện đường huyết hoặc xuất hiện triệu chứng lơ mơ, ngủ gà, rối loạn tri giác, hôn mê cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.
Hình 1: Quy tắc 15-15 trong xử trí hạ đường huyết (khuyến cáo trong ADA’s Standards of Care in Diabetes - 2023)
5. Phòng ngừa cơn hạ đường huyết
- Luôn mang theo mình một túi có chứa đồ ngọt (đường, bánh, kẹo&hellip.
- Trong người luôn có một tấm thẻ có tên thông báo mình bị đái tháo đường cùng với tên và liều thuốc đang dùng.
- Nên ăn đúng giờ, không bỏ bữa ăn, ăn uống đúng khẩu phần quy định.
- Không nên tự ý dùng thêm thuốc uống hay tự tăng liều thuốc hạ đường huyết khi đo đường huyết cao.
- Khi vận động nên tập cùng với một người khác, không nên đi tập một mình, không nên tập quá nặng hay quá lâu hơn bình thường. Thử đường huyết ngay khi cảm thấy mệt mỏi để điều trị hạ đường huyết, hỏi ý kiến bác sĩ khi đường huyết trước khi tập thấp.
- Sau khi uống rượu mà không ăn uống gì dễ gây ra hôn mê hạ đường huyết mà không triệu chứng báo trước.
- Trẻ em, phụ nữ có thai, bệnh nhân có nhiều bệnh đồng mắc, bệnh nhân có đường huyết không ổn, ăn uống thất thường hay khi có bệnh lý cấp tính nên được theo dõi đường huyết thường xuyên.
- Hướng dẫn, giáo dục cho người nhà và đồng nghiệp của bệnh nhân phát hiện, giúp đỡ xử trí cơn hạ đường huyết cho bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo:
-
TS.BS. Trần Quang Khánh (2021). Nội tiết học lâm sàng. Nhà xuất bản Y học.
-
TS.BSCKII. Trần Thị Khánh Tường (2020). Điều trị bệnh nội khoa. Nhà xuất bản Y học.
-
American Diabetes Association. (2023). Hypoglycemia in Diabetes.
BS. Nguyễn Ngọc Ân - Khoa Nội tiết
Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức