PHƯƠNG PHÁP VÔ CẢM TRONG PHẪU THUẬT: GÂY MÊ NỘI KHÍ QUẢN

Bởi supadmin -18-04-2023
Bài viết này nhằm mục đích cung cấp thông tin giúp cho bệnh nhân biết được phương pháp và những lưu ý trước và sau khi gây mê nội khí quản. Với sự tham vấn chuyên môn từ BS.CKI. Nguyễn Thị Thanh Thủy - Khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện ĐKKV Thủ Đức...

   Những nghiên cứu vê khảo cổ đã chứng minh những cuộc phẫu thuật đã được thực hiện cách nay khoảng 15.000 năm, khi phẫu thuật tính mạng người bệnh thường bị đe dọa bởi chảy máu, nhiễm trùng và nhất là đau đớn,… nên người ta chỉ phẫu thuật khi không còn phương pháp nào khác để chữa chạy. Để giảm bớt đau đớn, người ta cho người bệnh uống rượu thật say, hút thuốc phiện thật nhiều, đè kẹp vào đường đi của dây thần kinh, đè trói chặt người bệnh vào bàn mổ,… Những những “phương pháp gây mê hữu hiệu” nhất vào thời đó là để một cái bát gỗ lên đầu người bệnh rồi dùng một khúc cây lớn đập mạnh,… tất nhiên là người bệnh ngất đi không rên la nữa, nhưng đôi khi cũng chết vì bể đầu. Nhưng những phương pháp này kéo dài hàng mấy ngàn năm.

   Cho đến ngày 16-10-1846, nha sĩ W.Morton dùng ether biểu diễn thành công trường hợp gây mê đầu tiên.

 Vô cảm là gì?

   Phương pháp vô cảm là phương pháp dùng thuốc có tác động cắt đứt sự liên lạc giữa các dây thần kinh mang thông tin cảm giác về hệ thần kinh trung ương, để  làm mất một phần hay toàn bộ cảm giác đau của người bệnh, để ca mổ được hoàn thành nhanh chóng, thuận lợi và an toàn.

   Hiện nay có 2 phương pháp vô cảm đó là :

  • Vô cảm vùng hay còn gọi là gây tê.
  • Vô cảm toàn thể hay còn gọi là gây mê: Là phương pháp làm mất cảm giác toàn thân và mất ý thức bằng cách dùng một hay nhiều loại thuốc. Liều thuốc được điều chỉnh chủ động dựa theo thể trạng của từng người bệnh, có thời gian tác dụng cụ thể, có thể hồi phục và sau khi hết tác dụng của thuốc người bệnh sẽ lấy lại cảm giác và ý thức hoàn toàn, không để lại di chứng.

   Có 4 phương pháp gây mê thường dùng là: Gây mê mask (mặt nạ), gây mê tĩnh mạch, gây mê nội khí quản, gây mê phối hợp.

   Trong bài viết này chúng tôi sẽ xoay quanh về phương pháp: Gây mê nội khí quản.

Đặt nội khí quản (Nguồn: Adobe Stock/330169744)

   Gây mê nội khí quản là kỹ thuật dẫn khí từ máy thở vào phổi bằng ống nội khí quản được đặt ở mũi hoặc miệng. Bệnh nhân sẽ mất cảm giác và ý thức tạm thời, được thở máy hỗ trợ hô hấp. Kỹ thuật này có tác dụng thông khí đường hô hấp, hút đàm nhớt khí phế quản dễ dàng, bệnh nhân được gây mê toàn thân nhưng vẫn đảm bảo hô hấp trong suốt quá trình mổ và sau mổ.

   Gây mê nội khí quản được chỉ định trên những phẫu thuật sau:

   Kỹ thuật gây mê nội khí quản được chỉ định cho hầu như tất cả các loại phẫu thuật, đặc biệt là các cuộc phẫu thuật lớn, kéo dài và có nhu cầu mềm cơ như:

  • Phẫu thuật đại tràng, dạ dày, ruột, tử cung, bàng quang.
  • Phẫu thuật vùng đầu do chấn thương sọ não, u não, dị dạng mạch máu não.
  • Phẫu thuật chấn thương ngực, u phổi.
  • Phẫu thuật mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng.
  • Phẫu thuật bệnh nhân bị đa chấn thương, sốc.
  • Dùng kỹ thuật gây mê nội khí quản khi các kỹ thuật khác gặp khó khăn.

   Chống chỉ định của gây mê nội khí quản

  • Không đủ phương tiện hồi sức.
  • Bác sĩ gây mê hay điều dưỡng gây mê không thành thạo kỹ thuật.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên.
  • Bệnh nhân bị viêm thanh quản cấp tính hay ung thư thanh quản.
  • Lao thanh quản nặng.

Biến chứng của Gây mê nội khí quản

  • Đặt ống không thành công.
  • Đặt nhầm ống nội khí quản vào dạ dày
  • Thuốc giãn cơ gây suy hô hấp.
  • Ống nội khí quản bị tắc (do tụt hay gập ống, do đàm nhớt) làm giảm hoặc mất tạm thời sự hoạt động của một lá phổi.
  • Viêm phổi hít do dịch dạ dày tràn vào phổi. Đây là một biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi gây mê, dễ dẫn đến tổn thương phổi nặng nề.
  • Tổn thương trong quá trình đặt nội khí quản như tổn thương môi, răng, miệng, hầu họng…

Những lưu ý của người bệnh trước khi gây mê

  • Nhịn ăn hoặc uống trong một thời gian nhất định trước khi làm thủ thuật
  • Tránh uống rượu ít nhất 24 giờ trước khi làm thủ thuật. Những bệnh nhân có bệnh lý liên quan hô hấp như COPD, nghiện thuốc lá… là nguyên nhân gây giảm lượng oxy trong máu và làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề liên quan đến hô hấp trong và sau phẫu thuật. Những bệnh nhân này cần ngưng hút thuốc lá ít nhất là 8 tuần trước mổ để cải thiện chức năng hô hấp.
  • Nếu mắc các bệnh lý nội khoa mãn tính như tiểu đường, hen suyễn hoặc viêm phế quản, bệnh tuyến giáp, tim mạch, cao huyết áp… người bệnh nên thông tin chi tiết quá trình điều trị và thuốc đang sử dụng cho Bác sĩ gây mê khi đến khám tiền mê.
  • Cần tháo đồ trang sức, răng giả, trước khi vào phòng mổ.

Những lưu ý của người bệnh sau khi gây mê

Những điều người bệnh “Nên” và “Không nên” làm sau khi gây mê:

Đối với trường hợp tiểu phẫu.

  • Không rời bệnh viện một mình.
  • Nên nghỉ ngơi một thời gian đến khi cơ thể hồi phục.
  • Ngủ đủ giấc để cơ thể đào thải hết thuốc mê còn đọng lại.
  • Nếu có con nhỏ, hãy nhờ ai đó chăm sóc con nhỏ trong ngày mới xuất viện.
  • Không nên lái xe ô tô trong ít nhất 24 giờ. Không nên vận hành thiết bị phức tạp trong ít nhất 24 giờ.
  • Không đưa ra những quyết định quan trọng hoặc ký bất kỳ văn bản pháp lý nào trong ngày.
  • Không dùng bất cứ loại thuốc nào trừ khi được bác sĩ kê đơn hoặc người bệnh đã tham vấn bác sĩ.
  • Không uống rượu trong ít nhất 24 giờ.
  • Nên uống chất lỏng trước và chuyển từ từ sang bữa ăn nhẹ.
  • Hãy gọi cho bác sĩ điều trị nếu người bệnh có bất kỳ vấn đề gì xảy ra liên quan đến vết mổ.

Đối với những cuộc mổ lớn

   Trường hợp không mổ trên đường tiêu hóa, người bệnh nên được ăn sớm, nên uống sữa hay nước đường trước, sau đó ăn loãng rồi dần dần ăn đặc để hệ tiêu hóa bắt đầu hoạt động lại.

   Trường hợp phẫu thuật đường tiêu hóa, dinh dưỡng có thể được bổ sung qua đường tĩnh mạch của người bệnh. Người bệnh nên ăn sớm khi được bác sĩ điều trị cho phép để tăng sức đề kháng, giúp vết thương mau lành.

   Gây mê nội khí quản là một kỹ thuật khó, trước khi phẫu thuật người bệnh sẽ được bác sĩ gây mê khám tiền mê, làm các chỉ định xét nghiệm cần thiết, từ đó bác sĩ sẽ quyết định phương pháp vô cảm phù hợp, an toàn nhất cho người bệnh. Khoa Gây mê hồi sức của Bệnh viện ĐKKV Thủ Đức từ lâu đã đáp ứng đầy đủ về phương tiện và trang thiết bị hiện đại. Cùng với đó là đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng gây mê được đào tạo, huấn luyện chuyên sâu và nhiều năm kinh nghiệm, đảm bảo an toàn cho người bệnh trong suốt quá trình phẫu thuật, đem lại kết quả tốt nhất cho người bệnh. Mọi thắc mắc của bệnh nhân về phương pháp mê nội khí quản sẽ được Bác sĩ chuyên khoa giải đáp cặn kẽ cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.

***Tài liệu tham khảo: “Gây Mê Hồi Sức Lý thuyết và lâm sàng”, Chủ biên PGS.TS. Bs. Nguyễn Văn Chinh, NXB Y học.

CN ĐD Phan Tấn Phúc - Khoa Gây Mê Hồi Sức

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức