Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh lý tim mạch – là nhóm bệnh lý chiếm tỉ lệ tử vong cao nhất trên toàn thế giới. Năm 2023, Tổ chức y tế thế giới (WHO) ước tính trên toàn cầu có khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành từ 30 đến 79 tuổi bị tăng huyết áp và 2/3 tập trung tại các quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình.
Để giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do bệnh lý tim mạch mà tăng huyết áp mang lại, cần tăng cường quản lý tăng huyết áp, trong đó, việc chẩn đoán chính xác bệnh là rất quan trọng. Bên cạnh phương pháp đo huyết áp truyền thống với máy đo huyết áp cơ tại cơ sở y tế, đo huyết áp tại nhà với máy đo huyết áp điện tử hay đo huyết áp lưu động 24 giờ (máy Holter 24 giờ) đã mang đến cách tiếp cận mới trong chẩn đoán và quản lý điều trị tăng huyết áp.
I. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA ĐO VÀ THEO DÕI HUYẾT ÁP TẠI NHÀ
Báo cáo đầu tiên về việc bệnh nhân tự đo huyết áp tại nhà nhằm đánh giá hiệu quả của thuốc điều trị tăng huyết áp trong một nghiên cứu kéo dài 3 năm được Brown đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine năm 1930.
Đến năm 1940, Ayman và Goldshine ghi nhận có sự khác biệt giữa trị số huyết áp đo tại nhà và huyết áp đo tại phòng khám, sự chênh lệch trung bình lần lượt là 26,5 ± 20,8 mmHg đối huyết áp tâm thu và 11,6 ± 13,6 mmHg đối với huyết áp tâm trương. Phát hiện của Ayman và Goldshine xác định một tình trạng mà ngày nay được gọi là ‘tăng huyết áp áo choàng trắng’ hay ‘tăng huyết áp tại phòng khám’. Đây có thể xem là cơ sở cho sự cần thiết của đo và theo dõi huyết áp tại nhà sau này.
Những bằng chứng mạnh mẽ hiện tại cho thấy theo dõi huyết áp tại nhà đóng một vai trò quan trọng trong chẩn đoán và quản lý điều trị tăng huyết áp về lâu dài. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng đã chứng minh khả năng dự báo nguy cơ tim mạch tốt hơn của các trị số huyết áp đo tại nhà so với huyết áp đo tại phòng khám.
Mặc dù những thiết bị đo huyết áp tại nhà dần trở nên phổ biến nhưng mãi đến năm 1988 tại Canada, năm 1996 tại Mỹ và năm 2003 tại Châu Âu, các hiệp hội tim mạch mới bắt đầu đưa ra những khuyến cáo về đo và theo dõi huyết áp tại nhà, tuy nhiên, chưa có hướng dẫn chi tiết về thực hành đo huyết áp tại nhà. Khi việc tự đo và theo dõi huyết áp tại nhà được sử dụng ngày càng rộng rãi ở nhiều quốc gia và được đông đảo bệnh nhân tăng huyết áp chấp nhận, để thuận tiện hơn cho cả bác sĩ và bệnh nhân, vào năm 2010, Hiệp hội Tăng huyết áp Châu Âu đã ban hành hướng dẫn chi tiết về quy trình tự đo huyết áp tại nhà, kể cả cách chọn máy đo và băng quấn huyết áp sao cho phù hợp.
Hiện nay, các hiệp hội tim mạch lớn trên thế giới đều đã đưa theo dõi huyết áp tại nhà vào nhóm khuyến cáo mạnh (nhóm I) trong quy trình xác định chẩn đoán và theo dõi điều trị tăng huyết áp.
II. KHUYẾN CÁO ĐO HUYẾT ÁP TẠI NHÀ CỦA HỘI TIM MẠCH HỌC VIỆT NAM
Năm 2022, “Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp” của Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam/Hội Tim mạch học Việt Nam đã xác định rõ vai trò và cho những hướng dẫn chi tiết về đo huyết áp tại nhà. Cụ thể:
1. Vai trò của đo huyết áp tại nhà
Giúp xác định một trường hợp là (1) tăng huyết áp “thực sự” (huyết áp tăng khi được đo tại phòng khám/cơ sở y tế, đồng thời cũng tăng khi được đo tại nhà), hay (2) tăng huyết áp “áo choàng trắng” (huyết áp tăng khi được đo tại cơ sở y tế nhưng huyết áp bình thường khi được đo tại nhà), hay (3) tăng huyết áp “ẩn giấu” (huyết áp bình thường khi được đo tại cơ sở y tế nhưng huyết áp lại tăng khi được đo tại nhà).
Theo dõi quá trình điều trị: (1) Đánh giá hiệu quả điều trị (liệu tăng huyết áp có được kiểm soát tốt hay chưa, đặc biệt đối với những bệnh nhân cần kiểm soát huyết áp chặt chẽ do bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ hoặc bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim cũ, tiền sử đột quỵ, suy thận...), (2) Khi bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ do hạ áp quá mức (chóng mặt, choáng váng).
2. Lựa chọn máy đo huyết áp (chất lượng) và băng quấn huyết áp (kích cỡ phù hợp)
- Hiện nay, trên thị trường có 2 loại máy đo huyết áp chính. Máy đo huyết áp cơ (hình 1.A) thường được sử dụng bởi nhân viên y tế, bệnh nhân không tự thao tác; và máy đo huyết áp tự động (hình 1.B) hoặc bán tự động (hình 1.C) được khuyến cáo sử dụng để đo huyết áp tại nhà vì dễ sử dụng (tự đo mà không cần sự trợ giúp) và có thể tự trang bị do giá thành chấp nhận được.
- Cần lựa chọn máy đo huyết áp có chất lượng được khuyến nghị bởi các hiệp hội tim mạch lớn trên thế giới. Có thể tham khảo các dòng máy trên trang web www.stridebp.org. STRIDE BP là một tổ chức khoa học quốc tế phi lợi nhuận do các chuyên gia trong lĩnh vực tăng huyết áp đứng ra tổ chức thành lập. Tổ chức này liên kết với Hiệp hội Tăng huyết áp Châu Âu, Hiệp hội Tăng huyết áp Quốc tế và Liên đoàn Tăng huyết áp Thế giới với sứ mệnh hướng tới cải thiện độ chính xác của đo huyết áp nhằm chẩn đoán chính xác và kiểm soát tốt điều trị tăng huyết áp.
- Cần được kiểm định máy định kỳ mỗi 6-12 tháng nhằm đảm bảo độ chính xác khi đo.
- Cần lựa chọn băng quấn huyết áp cánh tay với kích cỡ phù hợp (cần bao phủ 80-100% chu vi vòng cánh tay với bờ dưới băng quấn cách nếp gấp khuỷu khoảng 2-3 cm) và phải đặt ở vị trí ngang mức với tim khi đo. Kích cỡ thường hiển thị trên bề mặt của băng quấn, do vậy, cần đo chu vi vòng cánh tay trước khi chọn mua (xem hình 2).
3. Kỹ thuật đo huyết áp tại nhà
- Trước khi đo trong vòng 30 phút, bệnh nhân không hút thuốc lá, không ăn, không uống cà phê hoặc đồ uống chứa cồn và không vận động gắng sức. Không nói chuyện trong khi đo.
- Tư thế đo, 2 bàn chân áp thẳng trên sàn nhà, ngồi tựa lưng và thả lỏng tay cần đo trên mặt bàn sao cho cánh tay ngang mức với tim (giữa ngực), vén tay áo lên sát nách và băng quấn phải ôm trọn cánh tay (không được để lớp tay áo chen giữa).
- Nên đo bên cánh tay không thuận; tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu có sự chênh lệch chỉ số huyết áp giữa hai cánh tay (lớn hơn 10 mmHg với huyết áp tâm thu) thì nên lấy kết quả đo ở bên cánh tay có chỉ số huyết áp cao hơn.
- Thời điểm và số lần đo:
Đo huyết áp nên được thực hiện 2 lần trong ngày, vào cả buổi sáng và buổi tối:
- Nên đo huyết áp buổi sáng trong vòng 1 giờ sau khi thức dậy và vệ sinh cá nhân; trước khi uống thuốc hạ áp, ăn sáng và tập thể dục.
- Đo huyết áp buổi tối nên được thực hiện trước khi ngủ ở cùng một tư thế ngồi, sau khi ăn tối và trước khi đi ngủ.
- Mỗi lần đo, sẽ thực hiện 2 lần đo cách nhau 1 phút và lấy bình quân 2 lần đo.
Ban đầu, để xác định mức huyết áp bản thân, thực hiện đo huyết áp tại nhà trong vòng ít nhất 3 ngày (tốt nhất là 7 ngày) trước mỗi lần tái khám, không lấy kết quả đo ngày đầu tiên. Khi theo dõi hiệu quả của điều trị, khuyến cáo đo huyết áp tại nhà ít nhất 5 ngày/tuần cho đến khi huyết áp ổn định thì theo dõi 2-3 ngày/tuần và nên được duy trì lâu dài.
- Sau khi đo, trên máy sẽ hiển thị 3 chỉ số, gồm huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương và nhịp tim (xem hình 4). Ngoài ra, hiện nay có dòng máy đo huyết áp tự động có thể phát hiện rối loạn nhịp là rung nhĩ, cũng như có thể lưu các kết quả sau mỗi lần đo.
- Kết quả đo huyết áp nên được ghi lại và trình cho bác sĩ điều trị khi đi tái khám. Tham khảo mẫu bảng theo dõi huyết áp khi đo huyết áp tại nhà dưới đây
Tài liệu tham khảo:
1. Hypertension. World Health Organization. 16 March 2023.
2. Barry J. Materson; Baudouin Leclercq. David Ayman, MD: An Early Investigator of Clinical Hypertension.
The Journal of Clinical Hypertension. 2005; 7, 218-223.
3. George S. Stergiou et al. Home blood pressure monitoring in the 21st century. The Journal of Clinical
Hypertension. 2018;1116-1121.
4. Giuseppe Mancia, Reinhold Kreutz, Mattias Brunström et al. 2023 ESH Guidelines for the management of
arterial hypertension.. Journal of Hypertension. 2023;41:1-199.
5. Thomas Unger, Claudio Borghi, Fadi Charchar et el. 2020 International Society of Hypertension: Global
Hypertension Practice Guidelines. AHA Journals. 2020;75:1334-1357.
6. Paul K. Whelton, Robert M. Carey, Wilbert S. Aronow et al. 2017 ACC/AHA Guideline for the Prevention,
Detection, Evaluation, and Management of High Blood Pressure in Adults. AHA Journals. 2017;138:e13-
e115.
7. Minh HV, Huy TV, Khai PV el al. 2022 VNHA/VSH Guidelines for Diagnosis and Treatment of
Hypertension. Vietnam National Heart Association. 2022.
BS. Phạm Văn Phúc - Khoa Nội Tim mạch
Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức