1. Nếu được chỉ định chăm sóc và theo dõi bệnh tại nhà, bạn cần phải làm gì?
Khi sốt ≥ 38.5 độ C:
- Có thể uống hạ sốt bằng paracetamol (theo hướng dẫn của bác sĩ)
+ Không nên vì muốn hạ sốt nhanh mà dùng thuốc liên tục
- Đặc biệt ở trẻ em, phụ huynh vừa nhét thuốc vào hậu môn vừa cho uống cùng một lúc
- Điều này sẽ gây ra tình trạng quá liều Paracetamol => dẫn đến ngộ độc, suy gan, rối loạn đông máu nặng hơn
+ Liều dùng Paracetamol:
- Trẻ em: 10 - 15 mg/kg/lần
- Mỗi lần uống cách nhau 4 - 6 giờ
- Tổng liều: không quá 60mg/kg/24h
- Tuyệt đối không dùng Aspirin hay Ibuprofen, vì có thể gây xuất huyết và toan máu, làm nặng thêm tình trạng bệnh
Nên mặc đồ thoáng, lau mát bằng nước ấm liên tục, vì:
+ Khi sốt cao thường sẽ cảm giác lạnh run, nên người bệnh đắp mền, khiến khó thoát nhiệt làm sốt càng khó hạ.
+ Đối với trẻ em, đặc biệt từ 6 tháng đến 6 tuổi, khi sốt càng cao có thể khiến trẻ bị co giật.
Tăng cường uống nước:
- Việc sốt cao liên tục nhiều ngày sẽ khiến bạn bị mất nước, mất dịch. Vì vậy, nên uống nhiều nước: nước lọc, oresol, nước trái cây (dừa, cam, chanh...) để bù lại lượng dịch đã mất.
- Thêm vào đó, nước trái cây còn chứa nhiều khoáng chất và vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng và tăng sự bền vững của thành mạch.
Chế độ ăn:
- Nên ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, ăn mỗi lần một ít
- Hạn chế các loại thực phẩm có màu nâu, đen hoặc đỏ như xá xị, chocolate...vì sẽ khó phân biệt khi có ói máu hoặc đi cầu phân đen hoặc máu
Tái khám mỗi ngày
2. Những điều không nên làm
Truyền dịch:
- Việc tùy tiện truyền dịch sẽ khiến cơ thể bị dư dịch dẫn đến phù, khó thở, thậm chí phù phổi, suy tim, nguy hiểm đến tính mạng
- Chỉ nên thực hiện khi có chỉ định và dưới sự theo dõi của nhân viên y tế
Cạo gió:
- Trong sốt xuất huyết, người bệnh dễ bị chảy máu hoặc bầm da do tình trạng rối loạn đông máu. Cạo gió sẽ làm tăng tình trạng xuất huyết dưới da, làm vỡ các mạch máu tạo ra nhiều mảng bầm máu
3. Cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong những dấu hiệu sau đây
- Cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt
- Không ăn uống được
- Nôn ói nhiều
- Đau bụng nhiều hơn, đặc biệt đau bụng vùng gan
- Chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc đỏ, tiểu máu
- Mệt lả, bứt rứt, kích thích, vật vã, li bì, lú lẫn
- Tay chân lạnh, ẩm
- Không tiểu trên 6 giờ
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue. Quyết định số 3705/QĐ-BYT, ra ngày 22 tháng 8 năm 2019
2. Suckhoedoisong.vn
BS Lê Trần Thị Thùy Linh - Khoa Cấp Cứu
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức