SUY THẬN MẠN

Bởi admin -18-12-2018
Suy thận mạn là tình trạng có suy giảm chức năng thận kéo dài ít nhất 3 tháng liên tục, biểu hiện qua bất thường nước tiểu, hình ảnh thận trên phương tiện chẩn đoán, hay bất thường mô học khi sinh thiết, đây là tình trạng không hồi phục, được phân làm 5 giai đoạn khác nhau tùy thuộc vào chức năng thận còn lại. Tuy nhiên, người ta chỉ phát hiện ra bị mắc bệnh thận mãn tính khi ở giai đoạn nguy hiểm.

NGUYÊN NHÂN CỦA BỆNH THẬN MẠN TÍNH LÀ GÌ?

1. Huyết áp cao:

Tình trạng tăng huyết áp và kéo dài làm tổn thương và phá hủy các mạch máu trong cơ thể, làm giảm lượng máu cung cấp đến thận. Huyết áp tăng cao còn phá hủy bộ lọc ở cầu thận, khiến thận không thể loại bỏ những chất cặn bã độc hại cũng như nước dư thừa ra ngoài.

2. Tiểu đường

Quá nhiều glucose trong máu có thể gây hại đến bộ lọc của cầu thận.

3. Cholesterol cao

Điều này có thể gây ra sự tăng lên của lượng mỡ tích tụ trong mạch máu cung cấp cho thận và khiến chúng không thể hoạt động tốt.

4. Nhiễm trùng thận

5. Bệnh cầu thận, bệnh nang thận

6. Bệnh tự miễn

7. Sử dụng các thuốc, các chất gây độc thận

NHỮNG TRIỆU CHỨNG SUY THẬN MẠN

Suy thận mạn tính hầu như không có triệu chứng đặc hiệu. Các triệu chứng chỉ xuất hiện rõ vào giai đoạn cuối. Khi bệnh trở nên nặng hơn, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

1. Mệt mỏi

2. Sưng ở mắt cá chân, chân hoặc tay

3. Khó thở

4. Cảm thấy ốm yế

5. Giảm cân và chán ăn

6. Đi tiểu nhiều lần và tiểu đêm

7. Rối loạn cương dương ở nam giới

8. Nhức đầu và buồn nôn.

CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ:

Tuy hiện nay chưa có thuốc chữa bệnh thận mãn tính song chúng ta vẫn có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn chúng phát triển thêm:

Việc điều trị suy thận được tiến hành theo 2 hướng: điều trị bảo tồn (chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp dùng thuốc) và điều trị thay thế (lọc máu ngoài thận, ghép thận). Tùy theo giai đoạn của suy thận (cấp, hay mạn tính,..), tuổi của bệnh nhân mà có chế độ dinh dưỡng phù hợp.

1. Thay đổi lối sống để đảm bảo sống càng khỏe càng tốt

2. Dùng thuốc điều trị huyết áp cao, đái tháo đường,  cholesterol cao.

3. Điều trị thay thế thận khi vào giai đoạn cuối: Chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc, ghép thận

Chế độ ăn khi bị suy thận mạn tính:

Thức ăn nên hạn chế

Muối (ăn nhạt nếu có phù, mỗi ngày chỉ nên dùng khoảng 2 thìa nhỏ nước mắm); ăn hạn chế đạm thực vật như đậu đỗ, lạc, vừng, tránh ăn nội tạng động vật; đồ nướng, rán, thực phẩm giàu kali (cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, lạc, hạt điều, dẻ, socola); thực phẩm giàu phốt-pho (pho-mat, cua, lòng đỏ trứng, thịt thú rừng, đậu đỗ…).

Thức ăn được khuyến khích: Chất bột (khoai lang, khoai sọ, miến dong); chất đường (đường, mía, mật ong, hoa quả ngọt); chất béo (có thể ăn khoảng 30 - 40g/ngày, ưu tiên chất béo thực vật); bổ sung canxi (sữa); bổ sung vitamin (nhóm B, C, acid folic…).

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA SUY GIẢM CHỨC NĂNG THẬN

- Nếu người bệnh có bệnh tiểu đường cần điều trị tốt đường máu ở mức bình thường và thường xuyên kiểm tra định kỳ protein trong nước tiểu

- Điều trị tốt bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn lipid máu

- Không hút thuốc lá. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng hút thuốc lá là một yếu tố gây ra tiểu đạm làm tổn thương thận.

- Không uống nhiều rượu

- Nên ăn các thức ăn có lợi như ít muối, ít chất béo, ăn nhiều cá, rau quả. Một số loại thức ăn ít muối như thực phẩm tươi, trái cây, củ hành, tiêu, chanh, gừng...

- Cần uống nước đúng cách, uống đủ nước, khoảng 2-3 lít một ngày tùy mức vận động, thời tiết

- Tập thể dục đều đặn

- Không tự ý dùng thuốc bừa bãi

- Dùng thuốc theo toa của bác sĩ

- Khám bác sĩ chuyên khoa thận học định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm. Khi khám thận cần chú ý kiểm tra huyết áp, nước tiểu, xét nghiệm máu...