SUY THẬN MẠN NÊN ĂN GÌ?

Bởi supadmin -08-02-2023
Ở những bệnh nhân suy thận mạn, chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị và kiểm soát bệnh, đặc biệt là ở những bệnh nhân chưa phải điều trị thay thế thận...

   Kiểm soát chế độ ăn góp phần vào cải thiện một phần chất lượng sống, đồng thời giúp làm chậm tiến triển của bệnh suy thận mạn, kéo dài thời gian điều trị nội khoa cho đến khi có chỉ định thay thế thận trên bệnh nhân.

   Chế độ dinh dưỡng ở những người đã điều trị thay thế thận ( chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc, ghép thận) khác với chế độ dinh dưỡng dành cho những bệnh nhân chưa can thiệp thay thế thận.

***Ở bài viết này chỉ đề cập đến đối tượng suy thận mạn chưa lọc máu.

I. MỤC TIÊU DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI BỆNH NHÂN SUY THẬN MẠN

  • Hạn chế tăng Ure máu
  • Điều chỉnh các rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn điện giải, dịch,...
  • Làm chậm tiến triển của bệnh thận
  • Hạn chế ảnh hưởng lên các cơ quan khác
  • Đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân về thể chất lẫn tâm lý

II. NGUYÊN TẮC DINH DƯỠNG

Có những nguyên tắc dinh dưỡng nên được tuân thủ khi mắc suy thận mạn:

  • Hạn chế protein tương ứng với chức năng thận
  • Đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho cơ thể
  • Đủ nhu cầu về các vitamin và khoáng chất
  • Đảm bảo cân bằng điện giải, nước, ít toan hóa máu, ít phosphate,...

Cụ thể như sau:

1. Đủ năng lượng

  • Thức ăn nạp vào cơ thể sẽ cung cấp năng lượng cho chúng ta, tính theo đơn vị Kcal. Mỗi loại thức ăn khác nhau sẽ cung cấp lượng năng lượng khác nhau giúp cơ thể duy trì hoạt động sống hằng ngày.
  • Đối với bệnh nhân suy thận mạn chưa lọc máu, nhu cầu năng lượng hằng ngày là 30-40Kcal/kg/ngày.
  • Như vậy trung bình 1 người 50kg cần khoảng 1500-2000kcal/ngày.

Hàm lượng kcal có một số thực phẩm phổ biến:

*Lưu ý: các chỉ số có giá trị tương đương tham khảo

2. Giảm lượng đạm

  • Giảm lượng đạm nhập vào cơ thể khiến giảm được gánh nặng cho thận, hạn chế tình trạng ứ đọng các chất thải ở thận và biến chứng tăng ure huyết cao, đồng thời giúp làm giảm các triệu chứng bệnh như chán ăn, buồn nôn, nôn ói,…

Tùy vào giai đoạn suy thận mà có nhu cầu đạm cũng sẽ khác nhau:

  • Bệnh thận mạn giai đoạn 1-2: 0,6-0,8g/kg cân nặng. Tỷ lệ đạm có nguồn gốc từ động vật chiếm khoảng ≥60%.
  • Bệnh thận mạn giai đoạn 3-4 (chưa lọc máu): 0,4-0,6g/kg cân nặng. Tỷ lệ đạm có nguồn gốc từ động vật chiếm khoảng ≥60%.
  • Các loại đạm có nguồn gốc từ động vật : thịt, cá, các chế phẩm từ sữa.
  • Các loại đạm có nguồn gốc từ thực vật: các loại dầu, các thực phẩm từ đậu nành (sữa, đậu phụ,...), hạt óc chó, hạnh nhân...

Lượng protein có trong một số loại thực phẩm hàng ngày

*Lưu ý: các chỉ số có giá trị tương đương tham khảo

3. Hạn chế muối

  • Khi chức năng thận giảm, một chế độ ăn mặn nhiều muối dễ dẫn đến tình trạng phù, tăng huyết áp, nhất là ở những bệnh nhân có kèm các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, suy tim,… 
  • Tuy nhiên khi bệnh nhân đang ở các giai đoạn bệnh nặng hơn, cũng như khi có các triệu chứng như phù, tăng huyết áp cần giảm lượng muối nhập vào cơ thể.
  • Ăn nhạt tương đối, lượng Natri hợp lý là từ 1-2g/ngày (tương đương 2-5g muối/ngày).
  • Ăn nhạt tuyệt đối khi có phù, tăng huyết áp.

4.4. Hạn chế Kali

  • Thận giảm chức năng không đảm bảo lọc được kali như thận bình thường.
  • Ở bệnh nhân suy thận rất dễ xảy ra tình trạng tăng kali máu. Kali máu tăng cao có thể gây ra những rối loạn nhịp và nặng có thể gây tử vong. Vậy nên cần hạn chế Kali ở những bệnh nhân suy thận mạn.
  •  Nhu cầu kali hợp lý là 2-3g/ngày, tuy nhiên khi bệnh nhân phù, tiểu ít, nồng độ kali trong máu tăng thì nên giảm còn <1g/ngày.
  • Những thực phẩm có nhiều kali cần phải hạn chế ăn
    •    Chuối
    •    Bơ
    •    Khoai lang
    •    Nước ép trái cây và rau quả
    •    Trái cây sấy ép, trái cây khô
    •    Các loại đậu
    •    Sữa

5. Hạn chế phospho

  • Ở bệnh nhân suy thận dễ xảy ra tình trạng ứ đọng phospho trong máu, gây các vấn đề xương khớp. Nhu cầu phospho là 1,2 g/ngày.
  • Phospho thường có nhiều trong các thực phẩm: thịt lợn, thịt nội tạng, lòng heo lòng gà, hải sản, sữa, các thực phẩm đã chế biến, thức ăn nhanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt (đậu nành, đậu lăng), rau dền,…

6. Nước uống

  • Tùy vào tình trạng, giai đoạn bệnh, mức độ phù và lượng nước tiểu, người bệnh nên uống lượng nước hợp lý.
  • Ở những giai đoạn sau, bệnh nhân thường có triệu chứng tiểu ít. Uống nhiều nước sẽ gây khó kiểm soát huyết áp, phù nhiều hơn, nguy cơ phù phổi cấp gây quá tải thể tích tuần hoàn, là một trong những khả năng đưa bệnh nhân vào tình huống phải chạy thận nhân tạo cấp cứu sớm.
  • Lượng nước đưa vào cơ thể vào bao gồm nước uống, nước canh, dịch truyền. Lượng nước xuất ra khỏi cơ thể bao gồm: Nước tiểu, lượng nước mất theo mồ hôi, hơi thở và phân (khoảng 500ml/ngày.)

   Khuyến cáo, nên cân bằng lượng nước nhập tương đương với lượng xuất ra, và giảm lượng nước uống vào cơ thể khi có phù.

   Tóm lại, xây dựng một chế độ ăn hợp lý cho mỗi bệnh nhân khác nhau tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh cũng như cá nhân hóa mỗi người bệnh.

   Đến khám tại phòng khám Nội Thận-Tiết Niệu, bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức để theo dõi chức năng thận và diễn tiến của suy thận sát hơn, từ đó có thể đưa ra được chế độ ăn, hướng điều trị tốt nhất cho mỗi người bệnh.

***Tài liệu tham khảo:

1. Hướng dẫn chế độ ăn bệnh viện, Quyết định số 2879/QĐ-BYT, năm 2006

2. "Dinh dưỡng trong bệnh lý thận", Dinh Dưỡng học - TS.BS Đào Thị Yến Phi ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

 BS Phan Thị Huỳnh Mơ - Khoa Nội Thận Tiết Niệu

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức