SUY TIM VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Bởi supadmin -23-10-2024

 1. Gánh nặng bệnh tim mạch và suy tim 

      Theo WHO năm 2016, bệnh tim mạch vẫn còn là nguyên nhân mắc bệnh và tử vong hàng đầu. Hằng năm có khoảng 17,9 triệu người chết do bệnh tim mạch, chiếm 31% tổng số tử vong, trong đó 85% chết do nguyên nhân bệnh động mạch vành hoặc đột quỵ não. Trong số 17 triệu ca tử vong sớm (dưới 70 tuổi) do các bệnh không lây nhiễm vào năm 2019, 38% là do bệnh tim mạch, 75% số tử vong do tim mạch xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. 

      Tần suất suy tim khoảng 2-3% dân số người lớn nói chung tại các quốc gia phát triển. Tỷ lệ mắc tăng dần theo tuổi, đến 10-20% ở nhóm trên 70 tuổi. Chưa có số liệu thống kê tại Việt Nam. Tiên lượng chung vẫn rất nặng nề với tỷ lệ tử vong trong 5 năm lên đến 50%, tỷ lệ tái nhập viện hàng năm lên đến 50% và tạo gánh nặng về chi phí cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của mỗi quốc gia. 

2. Khái niệm về suy tim

      Suy tim là một hội chứng lâm sàng gây ra do biến đổi cấu trúc và/hoặc chức năng của tim do nhiều nguyên nhân khác nhau với hậu quả là sự gia tăng áp lực trong các buồng tim và/hoặc giảm cung lượng tim khi gắng sức hay khi nghỉ. Biểu hiện trên lâm sàng với khó thở, phù, mệt mỏi, tăng cân không liên quan đến ăn uống, nhịp tim nhanh, khó thở cần phải ngồi hoặc nằm đầu cao cho dễ thở.

Phân loại suy tim

      Dựa trên phân suất co bóp tống máu của tâm thất trái, suy tim được chia thành 3 nhóm:

  • Suy tim với phân suất tổng máu giảm (EF ≤ 40%)
  • Suy tim với phân suất tổng máu bảo tồn (EF ≥ 50%)
  • Suy tim với phân suất tống máu giảm nhẹ (EF từ 41% đến 49%)

Dựa vào tốc độ tiến triển của các triệu chứng, suy tim được chia thành:

- Suy tim cấp: là tình trạng các triệu chứng khó thở, phù phổi xảy ra một cách đột ngột, thường liên quan đến các biến cố tim mạch cấp tính như nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp không kiểm soát hoặc tổn thương van tim cấp (biến chứng của nhồi máu cơ tim hoặc viêm nội tâm mạc nhiễm trùng). Cần nhập viện điều trị ngay. 

- Suy tim mạn: là tình trạng suy tim tiến triển dần theo thời gian, bệnh nhân có thể trải qua các giai đoạn ổn định hoặc các đợt suy tim cấp bùng phát tái đi tái lại. 

Phân giai đoạn của suy tim: sự phân chia suy tim từ lúc chỉ có các yếu tố nguy cơ, chưa có tổn thương tim cho đến khi cấu trúc tim bị tổn thương với sự xuất hiện các triệu chứng và/hoặc dấu hiệu suy tim trên lâm sàng. Cụ thể: 

- Giai đoạn 'nguy cơ suy tim' (giai đoạn A): có nguy cơ mắc suy tim nhưng chưa có tổn thương cấu trúc tim, chưa có triệu chứng cơ năng suy tim. 

Các yếu tố nguy cơ của suy tim: tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, đái tháo đường, béo phì, tiếp xúc với các thuốc có độc tính cho tim (thuốc chống ung thư...), bất thường gen hoặc gia đình có bệnh cơ tim.

- Giai đoạn 'tiền suy tim' (giai đoạn B): đã có tổn thương cấu trúc tim nhưng chưa có các biểu hiện/triệu chứng của suy tim. 

- Giai đoạn 'suy tim có triệu chứng' (giai đoạn C): có tổn thương cấu trúc tim kèm tiền sử hoặc hiện tại có các triệu chứng suy tim.

- Giai đoạn 'suy tim nặng kháng trị' (giai doạn D): các triệu chứng suy tim tiến triển đáng kể gây cản trở các sinh hoạt hàng ngày, nhập viện tái đi tái lại dù đã điều trị tối ưu. 

3. Những nguyên nhân thường gặp và các yếu tố thúc đẩy suy tim

      Suy tim là hậu quả sau cùng của nhiều bệnh lí khác nhau. Xác định nguyên nhân cũng như yếu tố thúc đẩy suy tim là cần thiết để quyết định điều trị đặc hiệu. 

      Về nguyên nhân: phần lớn suy tim tại các nước phát triển và phương Tây là do tăng huyết áp và bệnh mạch vành. tại Việt Nam, 4 nguyên nhân thường gặp gồm tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh van tim và bệnh cơ tim. 

      Các yếu tố thúc đẩy suy tim: không tuân thủ điều trị (thuốc, chế độ ăn), sử dụng các thuốc gây giữ nước để điều trị khác (corticoide, kháng viêm non-steroide), các thuốc hoặc các chất tác động làm giảm co bóp cơ tim, tình trạng bệnh cấp tính (thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp nhanh hoặc chậm, nhiễm trùng...).

4. Các biểu hiện của suy tim

Triệu chứng cơ năng (do người bệnh cảm nhận):

- Dễ mệt mỏi và yếu sức. 

- Khó thở khi gắng sức, khi hoạt động thể lực (đi bộ, leo cầu thang...), khó thở cần nằm kê gối hoặc phải ngồi cho dễ thở. 

- Phù, tiểu ít

- Khó tiêu, đầy bụng do ứ dịch tại gan và đường ruột

 5. Chẩn đoán suy tim

- Thăm khám lâm sàng: khó thở nằm đầu cao hoặc phải ngồi, phù toàn thân hoặc kín đáo vùng thấp (mu bàn chân, vùng xương cùng cụt)

- Xét nghiệm máu: dấu ấn suy tim và tầm soát các yếu tố nguy cơ của suy tim (đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rối loạn chức năng tuyến giáp, suy thận, thiếu máu ...)

- Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh cơ bản: siêu âm tim, đo điện tim, chụp phim phổi

- Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh mở rộng để tìm nguyên nhân gây suy tim: men tim, chụp động mạch vành tim, khảo sát cơ tim, gen, độc chất …

6. Phương pháp điều trị suy tim

- Biện pháp không dùng thuốc: hỗ trợ

- Điều trị thuốc: nhằm giảm khó thở, giảm phù, cải thiện tình trạng nhập viện và tử vong

- Điều trị đặc hiệu: giải quyết nguyên nhân gây suy tim (tái thông động mạch vành, phẫu thuật sữa chữa hoặc thay van tim, kiểm soát huyết áp, kiểm soát nhịp tim, ...)

- Kiểm soát các yếu tố thúc đẩy suy tim

- Các biện pháp hỗ trợ khác: thiết bị trợ tim (máy tạo nhịp, máy hỗ trợ co bóp tim, máy chống cơn rối loạn nhịp tim nguy hiểm).

- Các biện pháp điều trị được cá thể hóa tùy thuộc vào nguyên nhân, diễn tiến bệnh.

* Điều trị không dùng thuốc:

      Chế độ ăn uống và dinh dưỡng:

- Giảm muối: giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày vì muối gây giữ nước và gây phù. Y khoa khuyên lượng muối tiêu thụ nên dưới < 5 gram mỗi ngày.

- Kiểm soát lượng nước uống: thường dưới < 1500ml mỗi ngày, tùy vào tình trạng suy tim và chức năng thận (thải nước).

- Chế độ ăn lành mạnh cho tim mạch: khuyến khích chế độ ăn giàu rau xanh, trái cây, cá béo (cá hồi, cá thu), các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, và cholesterol (thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn).

- Duy trì cân nặng hợp lý.

      Tập thể dục và hoạt động thể chất:

- Tập thể dục đều đặn, vừa phải.

- Các bài tập như đi bộ, đạp xe, bơi lội nhẹ nhàng được khuyến khích để tăng cường sức bền và cải thiện chức năng tim.

- Bệnh nhân suy tim nên tập luyện có hướng dẫn, tránh các hoạt động gắng sức quá mức.

      Thay đổi lối sống:

- Ngưng hút thuốc lá

- Hạn chế hoặc ngưng uống rượu bia

- Kiểm soát căng thẳng: căng thẳng, lo âu có thể làm tăng gánh nặng cho tim. Các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga, hít thở sâu và giấc ngủ đủ giấc giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng thể.

      Theo dõi và kiểm soát triệu chứng:

- Theo dõi cân nặng hàng ngày: bệnh nhân suy tim nên cân hàng ngày vào buổi sáng và ghi lại cân nặng. Nếu tăng cân trong vài ngày, điều này có thể báo hiệu ứ dịch và cần được tái khám bác sĩ ngay.

- Theo dõi huyết áp và nhịp tim tại nhà và ghi vào sổ theo dõi.

* Điều trị dùng thuốc:

- Thuốc lợi tiểu: giảm ứ dịch trong cơ thể khi có tình trạng sung huyết gây phù và/hoặc khó thở.

- Thuốc giãn mạch: giảm áp lực cho cơ tim trong việc tiếp nhận máu từ các cơ quan đổ về tim cũng như giảm gánh nặng cho cơ tim khi tống máu ra tuần hoàn hệ thống giúp đồng thời giúp cải thiện lưu lượng máu tống ra.

- Thuốc tăng sức co bóp cơ tim (hỗ trợ).

* Quản lý các bệnh lý nền (bệnh đồng mắc):

- Kiểm soát huyết áp/Tăng huyết áp

- Kiểm soát đường huyết/Đái tháo đường

- Quản lí bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành và bệnh lý van tim

- Quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

* Khác:

- Chủng ngừa cúm: các đợt nhiễm cúm thường làm nặng hơn tình trạng suy tim và cần thời gian hồi phục kéo dài, tiêm vắc-xin cúm nên được nhắc lại mỗi năm.

- Hoạt động tình dục: các thuốc/hoạt chất gây ức chế Phosphodiesterase-5 (Viagra) không được khuyên dùng cho người bệnh suy tim.

- Ngừa thai: thai kỳ làm nặng hơn tình trạng suy tim, do vậy, bệnh nhân bị suy tim cần tham vấn bác sĩ trước khi quyết định mang thai.

- Du lịch: tránh đến các vùng khí hậu nóng ẩm, du lịch dài ngày hoặc ngồi máy bay lâu.

 7. Phòng ngừa suy tim

      Tầm soát và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể gây suy tim: tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, đái tháo đường, béo phì, bệnh van tim, bệnh cơ tim có tính gia đình (bệnh cơ tim phì đại) hoặc mắc phải (do độc chất hoặc tia xạ trong điều trị ung thư...)  (phòng ngừa GĐ A à GĐ B).

      Khi đã có xuất hiện tổn thương cấu trúc và/hoặc chức năng tim nhưng chưa biểu hiện triệu chứng, cần quản lý chặt chẽ với kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ và các yếu tố có thể thúc đẩy suy tim (phòng ngừa GĐ B à GĐ C).

8. Kết luận

      Bệnh tim mạch vẫn còn là gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn cầu trong đó có suy tim.

      Người bệnh cần biết về suy tim, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ (thuốc, chế độ chăm sóc và theo dõi), cùng với duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng suy tim, cải thiện chất thượng cuộc sống, giảm nhập viện và tử vong. 

      Phòng ngừa suy tim đang ngày càng được quan tâm chú ý bằng cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ suy tim nhằm tránh đi vào giai đoạn tổn thương cơ tim (giai đoạn B, tiền suy tim) và suy tim thực sự (giai đoạn C, suy tim).

* Tài liệu tham khảo:

1. World Health Organization. Palliative care. Cardiovascular diseases (CVDs) (who.int)

2. McDonagh TA, Metra M, Adamo M, et al. 2021 ESC Guidelines for the diagnosis and treatment of acute and chronic heart failure. Eur Heart J. 2021 Sep 21;42(36):3599-3726

3. Abovich A, Matasic DS, Cardoso R, et al. The AHA/ACC/HFSA 2022 Heart Failure Guidelines: Changing the Focus to Heart Failure Prevention. Am J Prev Cardiol. 2023 Jul 30;15:100527.

4. Khuyến cáo của Hội Tim mạch học quốc gia Việt nam về chẩn đoán và điều trị suy tim cấp và suy tim mạn năm 2022.

5. Phác đồ điều trị Viện tim TPHCM năm 2024.

BS. Nguyễn Mai Trang - Khoa Nội Tim Mạch

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức