1. Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là gì?
Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng đường huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng đường huyết mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
2. Tỷ lệ mắc đái tháo đường
Đái tháo đường đã trở thành một trong những đại dịch không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Theo Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF), năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người (trong độ tuổi 20-79) bị bệnh đái tháo đường, dự kiến sẽ đạt 578 triệu người vào năm 2030 và 700 triệu người vào năm 2045. Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường trong năm 2019. Bên cạnh đó, cùng với việc tăng sử dụng thực phẩm không thích hợp, ít hoặc không hoạt động thể lực ở trẻ em, bệnh đái tháo đường típ 2 đang có xu hướng tăng ở cả trẻ em, trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, và cắt cụt chi. Đáng lưu ý, có tới 70% trường hợp đái tháo đường típ 2 có thể dự phòng hoặc làm chậm xuất hiện bệnh bằng tuân thủ lối sống lành mạnh (dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể dục ...)
Ở Việt Nam, năm 1990 của thế kỷ trước, tỷ lệ bệnh đái tháo đường chỉ là 1,1% (ở thành phố Hà Nội), 2,52% (ở thành phố Hồ Chí Minh), 0,96% (ở thành phố Huế), thì nghiên cứu năm 2012 của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy: tỷ lệ hiện mắc đái tháo đường trên toàn quốc ở người trưởng thành là 5,42%, tỷ lệ đái tháo đường chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 63,6%. Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose là 7,3%, rối loạn glucose huyết lúc đói 1,9% (toàn quốc năm 2003). Theo kết quả điều tra STEPwise về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế thực hiện năm 2015, ở nhóm tuổi từ 18-69, cho thấy tỷ lệ đái tháo đường toàn quốc là 4,1%, tiền đái tháo đường là 3,6%, trong đó tỷ lệ đái tháo đường được chẩn đoán là 31,1%, tỷ lệ đái tháo đường chưa được chẩn đoán là 69,9%. Trong số những người được chẩn đoán, tỷ lệ đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế: 28,9%, tỷ lệ đái tháo đường chưa được quản lý: 71,1%. Dữ liệu cập nhật của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) cho thấy năm 2019 Việt Nam có tỷ lệ 6% người trưởng thành mắc đái tháo đường.
3. Vì sao phải tầm soát bệnh đái tháo đường?
Đái tháo đường là một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong hàng đầu thế giới, được xem là “kẻ giết người thầm lặng”, bệnh tiến triển từ từ, âm thầm, khó nhận biết, nhưng để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, mù loà, suy thận, liệt dương, hoại tử bàn chân, tàn phế, … Thế nhưng, hiện nay người dân dường như vẫn còn thờ ơ trong việc tầm soát bệnh đái tháo đường, cũng như trong phòng và điều trị căn bệnh này. Người mắc tiểu đường ở nước ta thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nên đã phải chịu những biến chứng rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ. Khi càng nhiều biến chứng xuất hiện, thời gian điều trị càng kéo dài và chi phí càng cao, tăng thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Chính vì vậy, việc tầm soát bệnh đái tháo đường rất quan trọng, giúp người dân chủ động phòng ngừa, kiểm soát bệnh hiệu quả để làm chậm lại tiến triển của bệnh. Ngoài ra, việc phát hiện bệnh sớm còn giúp giảm bớt gánh nặng về chi phí điều trị, giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn đồng thời tiết kiệm thời gian.
4. Ai nên tầm soát bệnh đái tháo đường?
Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế năm 2020, đối tượng cần tầm soát đái tháo đường là:
a) Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:
- Có người thân như bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ bị ĐTĐ
- Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch
- Tăng huyết áp (THA) hoặc đang điều trị THA
- Rối loạn mỡ máu
- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
- Ít hoạt động thể lực
- Các tình trạng đề kháng insulin như béo phì, dấu gai đen (acanthosis nigricans).
b) Phụ nữ đã được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ
c) Tất cả mọi người từ 45 tuổi trở lên
d) Nếu các kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng 1- 3 năm sau hoặc ngắn hơn tùy theo kết quả ban đầu và các yếu tố nguy cơ.
5. Các xét nghiệm tầm soát bệnh đái tháo đường
Các xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường bao gồm: xét nghiệm đường máu lúc đói, đo HbA1C, kiểm tra dung nạp glucose
- Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Thực hiện lúc đói, sau ăn 8 giờ, hoặc qua 1 đêm. Nếu mức đường huyết lúc đói dưới 99 mg/dL là bình thường, từ 100 – 125 mg/dL là tiền đái tháo đường và từ 126 mg/dL trở lên có nghĩa bạn đã mắc bệnh đái tháo đường.
- Nghiệm pháp dung nạp glucose: Phương pháp này giúp đo lượng đường trong máu của bạn trước và sau khi bạn uống một lượng nước đường. Bạn sẽ nhịn ăn 8 tiếng để lấy máu xác định mức đường huyết lúc đói. Sau đó, bạn sẽ uống chất lỏng chứa glucose và kiểm tra lượng đường trong máu 2 giờ sau đó. Sau 2 giờ, lượng đường trong máu dưới 140 mg/dL được coi là bình thường, từ 140 đến 199 mg/dL là bị tiền tiểu đường và từ 200 mg/dL trở lên là bị đái tháo đường.
- Xét nghiệm đường huyết bất kỳ: Phương pháp giúp đo lượng đường trong máu tại thời điểm kiểm tra. Bạn có thể làm xét nghiệm bất cứ lúc nào và không cần nhịn ăn. Nếu mức đường huyết từ 200 mg/dL trở lên nghĩa là đã mắc bệnh tiểu đường.
- Xét nghiệm HbA1C: đo mức đường huyết trung bình trong 2 – 3 tháng qua. Nếu:
- HbA1C < 5,7%: Trong giới hạn bình thường,
- HbA1C từ 5,7 – 6,4%: Tiền tiểu đường
- HbA1C > 6,5%: Đã mắc tiểu đường.
6. Khi đi xét nghiệm tầm soát có cần nhịn ăn không?
Để các xét nghiệm đường huyết có kết quả chính xác thì người bệnh cần nhịn đói trước khi lấy máu, thời gian nhịn ăn khoảng từ 6 – 8 tiếng.
Bởi nếu làm xét nghiệm sau khi ăn, chất dinh dưỡng sẽ chuyển hóa thành đường glucose để ruột hấp thụ và biến đổi năng lượng nuôi cơ thể. Khi đó, lượng đường hoặc mỡ trong máu tăng lên rất cao, kết quả thu được sẽ không chính xác. Do đó, việc nhịn ăn là điều quan trọng trước khi làm xét nghiệm tầm soát bệnh đái tháo đường.
Bên cạnh đó, khi xét nghiệm nên mặc áo ngắn để việc lấy máu dễ dàng. Mặc quần áo rộng rãi sẽ phù hợp với việc thăm khám cũng như di chuyển.
7. Dịch COVID-19 làm tăng nguy cơ biến chứng nặng ở người bệnh đái tháo đường
Theo Tổ chức Y Tế Thế giới WHO tính đến 08/03/2023 có hơn 759 triệu trường hợp mắc Covid-19, số ca tử vong vì đại dịch trên thế giới là 6.866.434, riêng Việt Nam có 43.186 ca tử vong.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đã thống kê: 40% bệnh nhân tử vong do COVID-19 là người mắc bệnh đái tháo đường. Chính COVID-19 đã khiến bệnh đái tháo đường trở nặng. Chưa dừng lại, căn bệnh này đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Đặc biệt, SARS-CoV-2 phát triển mạnh hơn khi lượng đường trong máu cao. Khi bị viêm nhiễm, lượng đường trong máu của người đái tháo đường càng tăng cao, khó kiểm soát, dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Ngoài nhiễm COVID-19, người bệnh đái tháo đường còn dễ mắc các bệnh lý khác như nhiễm trùng da, lao phổi, nhiễm trùng tiết niệu (nam), nhiễm nấm âm đạo (nữ).
Do đó, người mắc bệnh đái tháo đường cần phải tiêm chủng vaccine Covid-19 đầy đủ, cùng với thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 để giảm thiểu tỷ lệ mắc và tử vong do Covid-19.
8. Xét nghiệm máu mới giúp dự đoán bệnh đái tháo đường loại 2 sớm đến gần 20 năm
Nếu xét nghiệm sớm giúp chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường thì việc dự báo khả năng mắc bệnh từ trước đó cả gần 20 năm giúp bạn có thể chặn đứng nguy cơ bệnh đái tháo đường “ghé thăm”.
Các nhà khoa học của Đại học Lund (Thụy Điển) vừa tìm ra cách chẩn đoán sớm hơn căn bệnh này, nhất là trong giai đoạn tiền đái tháo đường. “Chúng tôi phát hiện ra rằng mức độ cao hơn của protein follistatin lưu thông trong máu có thể dự đoán bệnh tiểu đường loại 2 sớm đến 19 năm trước khi bệnh khởi phát, bất kể các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, chỉ số khối cơ thể (BMI), đường huyết lúc đói, tiến sĩ Yang De Marinis, Phó giáo sư tại Đại học Lund – tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. Khám phá này dựa trên các nghiên cứu theo dõi 5.318 người trong suốt 4 đến 19 năm ở hai địa điểm khác nhau ở Thụy Điển và Phần Lan.
“Follistatin là một loại protein chủ yếu được tiết ra từ gan và tham gia vào quá trình điều hòa chuyển hóa. Follistatin thúc đẩy sự phân hủy chất béo từ mô mỡ, dẫn đến tăng tích tụ lipid trong gan. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ và bệnh tiểu đường loại 2, theo thời báo Hindustan.
Tiến sĩ Yang De Marinis kết luận: “Khám phá này mang đến cơ hội để đưa ra các biện pháp ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2. Nghiên cứu của chúng tôi sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu này”.
Với tất cả những nguy cơ gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần và tài chính nếu không may mắc bệnh thì việc tầm soát đái tháo đường lại càng trở nên cần thiết. Bởi những dấu hiệu ban đầu của bệnh đái tháo đường dễ bị bỏ qua, chỉ thông qua các phương pháp xét nghiệm mới phát hiện ra bệnh.
***Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Y Tế (2020), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường típ 2.
2. Yang De Marinis (2021), Blood biomarker identified that predicts type 2 diabetes many years before diagnosis. https://www.ihi.europa.eu/news-events/newsroom/blood-biomarker-identified-predicts-type-2-diabetes-many-years-diagnosis
3. WHO Coronavirus (COVID-19) Dashboard. https://covid19.who.int/
4. American Diabetes Association Releases 2023 Standards of Care in Diabetes to Guide Prevention, Diagnosis, and Treatment for People Living with Diabetes.
BS CKI Trương Bảo Anh Minh - Khoa Nội Tiết
Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức