TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG: NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

Bởi supadmin -03-10-2022
Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung nhằm tìm những tế bào bị biến đổi bất thường ở cổ tử cung, những tế bào bất thường này có thể phát triển thành ung thư...

1. Xét nghiệm tầm soát Ung thư cổ tử cung là xét nghiệm gì?

   Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung gồm xét nghiệm tế bào cổ tử cung (Pap smear) và xét nghiệm vi-rút HPV (xét nghiệm ở một số phụ nữ).

2. Vì sao nên tầm soát Ung thư cổ tử cung?

   Tế bào cổ tử cung biến đổi bất thường sẽ mất khoảng từ 3 đến 7 năm để tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm tầm soát này có thể phát hiện sớm sự biến đổi này trước khi nó trở thành ung thư. Phụ nữ có tế bào cổ tử cung biến đổi nhẹ có thể được theo dõi cho đến khi trở về bình thường; trường hợp biến đổi nặng sẽ được điều trị cắt bỏ vùng tổn thương.

3. Xét nghiệm tầm soát Ung thư cổ tử cung được thực hiện như thế nào?

   Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm Pap smear và xét nghiệm HPV được thực hiện trên tế bào cổ tử cung.

   Quá trình thực hiện khá nhanh và đơn giản. Bạn sẽ được hướng dẫn nằm lên bàn khám phụ khoa, bác sĩ bộc lộ cổ tử cung bằng cách đặt mỏ vịt vào âm đạo. Các tế bào sẽ được lấy bằng một bàn chải nhỏ và que gỗ, không gây bất kỳ khó chịu nào. Sau đó, các tế bào sẽ được đặt vào một dung dịch đặc biệt và gửi đến phòng xét nghiệm.

   Thông thường, kết quả được trả sau 2 - 3 tuần

4. Tầm soát Ung thư cổ tử cung bao lâu xét nghiệm một lần?

Tần suất xét nghiệm phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm và tiền sử bệnh nhân, thông thường:

  • Phụ nữ 21 - 29 tuổi nên thực hiện Pap test mỗi 2 năm. Xét nghiệm HPV không được khuyến cáo ở độ tuổi này.
  • Phụ nữ từ 29 - 65 tuổi nên thực hiện đồng thời cả 2 xét nghiệm HPV và Pap test (còn gọi là co-testing) mỗi 5 năm (lựa chọn ưu tiên). Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn Pap test đơn thuần mỗi 2 năm

5. Khi nào nên ngưng tầm soát Ung thư cổ tử cung?

   Bạn có thể ngưng tầm soát ung thư cổ tử cung sau 65 tuổi khi có 3 lần liên tiếp kết quả Pap test bình thường hoặc 2 lần liên tiếp kết quả co-testing bình thường trong vòng 10 năm và lần cuối trong 5 năm gần đây.

   Sau cắt tử cung hoàn toàn vì bệnh lý lành tính

6. Kết quả tầm soát Ung thư cổ tử cung bất thường nghĩa là gì?

   Rất nhiều phụ nữ có kết quả tầm soát bất thường, điều này không có nghĩa là họ bị ung thư cổ tử cung. Các tế bào ở cổ tử cung khi biến đổi bất thường có nhiều mức độ. Đa phần các biến đổi nhẹ sẽ tự hồi phục về bình thường. Nếu không hồi phục, chúng cũng mất vài năm nữa để biến đổi đến giai đoạn nặng hơn hoặc ung thư. Do đó, nếu bạn có kết quả tầm soát bất thường, tuỳ mức độ biến đổi của tế bào cổ tử cung, bạn sẽ được làm thêm xét nghiệm để khẳng định có ung thư hiện diện hay không. Trong một số trường hợp, cần thực hiện soi cổ tử cung và sinh thiết cổ tử cung để chẩn đoán chính xác. Nếu kết quả xét nghiệm này cho thấy tổn thương mức độ nặng hoặc ung thư, bạn sẽ được điều trị cắt bỏ tổn thương. Sau đó bạn vẫn cần theo dõi sau điều trị và tiếp tục tầm soát ung thư cổ tử cung.

***Nguồn:

Phác đồ bệnh viện Hùng Vương

https://www.acog.org/womens-health/faqs/~/link.aspx?_id=C1A0ACDC3A7A4BB0A945A0939FC75B86&_z=z

BS CKI Trần Quế Lâm - Khoa Sản

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức