TẦM SOÁT UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

Bởi supadmin -01-08-2022
Ung thư đại trực tràng là một trong 5 loại ung thư phổ biến nhất thế giới. Ở nam giới ung thư đại trực tràng có mức độ phổ biến chỉ sau ung thư phổi và ung thư tiền liệt tuyến, ở nữ giới ung thư đại trực tràng có mức độ phổ biến chỉ đứng sau ung thư vú. Chính vì vậy, tầm soát ung thư đại trực tràng định kỳ là một việc làm cần thiết để đảm bảo sức của mỗi chúng ta...

1. Bệnh Ung Thư Đại Trực Tràng Là Gì?

   Đại trực tràng thuộc về phần thấp của ống tiêu hóa, hay còn gọi là đường tiêu hóa dưới.

   Bệnh ung thư đại trực tràng đang có xu hướng tăng dần theo chất lượng sống và thay đổi thói quen ăn uống. Tại Việt Nam, bệnh ung thư đại trực tràng là 1 trong 5 bệnh lý ung thư phổ biến nhất.

2. Tầm Soát Ung Thư Đại Trực Tràng Quan Trọng Thế Nào?

   Do sự phổ biến và tỷ lệ tử vong cao, tầm soát ung thư đại trực tràng từ sớm sẽ giúp ích rất nhiều cho người bệnh cũng như đóng vai trò sống còn trong việc cứu sống bệnh nhân. Bệnh ung thư đại trực tràng khi được phát hiện và điều trị sớm sẽ cho kết quả rất tốt. Tỉ lệ sống sót trên 5 năm của bệnh nhân rất cao: trên 90%, trong đó có rất nhiều bệnh nhân có thời gian sống kéo dài thêm trên 10 năm.

   Trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng ở giai đoạn muộn, ung thư đã di căn thì tỉ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân giảm xuống chỉ còn 10%. Do đó, vấn đề tầm soát ung thư đại trực tràng và chẩn đoán sớm rất có ý nghĩa cho người bệnh, gia đình và xã hội.

3. Phương Pháp Tầm Soát Ung Thư Đại Trực Tràng

   Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã thúc đẩy y học phát triển, các kỹ thuật áp dụng để tầm soát ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm ngày càng được hoàn thiện. Việc tầm soát ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm được thực hiện bằng các xét nghiệm tầm soát, chia làm hai nhóm chính: xét nghiệm phân và các xét nghiệm về hình thái cấu trúc đại trực tràng.

3.1. Xét nghiệm phân

   - Xét nghiệm tìm hồng cầu, phát hiện máu trong phân

   - Xét nghiệm ở mức độ phân tử (phân tích DNA)

3.2. Xét nghiệm về hình thái cấu trúc

Gồm 2 nhóm kỹ thuật

- Kỹ thuật nội soi:

   + Nội soi ống mềm

   + Nội soi không dây (nội soi viên nang)

- Nhóm kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh:

   + Chụp Xquang với thuốc cản quang (kỹ thuật chụp đổi quang kép)

   + Chụp cắt lớp vi tính đại tràng

   + Chụp cộng hưởng từ hạt nhân

   Đối với các kỹ thuật xét nghiệm hiện nay, mỗi một loại xét nghiệm đều có ưu điểm, nhược điểm và hạn chế riêng, nếu chỉ áp dụng một kỹ thuật đơn lẻ thì dù kỹ thuật có hoàn thiện và thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao thì vẫn có một tỉ lệ bỏ sót ung thư đại trực tràng nhất định, đặc biệt là ung thư ở giai đoạn sớm. Do đó, khi thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng, người thầy thuốc khuyến cáo nên kết hợp nhiều phương pháp cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh với nhau.

4. Khi Nào Nên Tầm Soát Ung Thư Đại Trực Tràng?

Kế hoạch tầm soát ung thư đại tràng tùy thuộc vào mức độ nguy cơ của từng người.

- Nguy cơ trung bình: là những người không có 1 trong các yếu tố sau:

   + Đã từng bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại tràng

   + Tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng

   + Đã từng bị viêm ruột ( bệnh Crohn )

   + Bị hoặc nghi bị hội chứng di truyền liên quan đến ung thư đại tràng như: bệnh polyp đại tràng di truyền, hội chứng Lynch (hội chứng ung thư đại tràng do di truyền không liên quan tới polyp (HNPCC)

   + Từng xạ trị ở vùng bụng hoặc khung chậu

Người có nguy cơ trung bình bị ung thư đại tràng nên bắt đầu tầm soát ở độ tuổi 50. Những chiến lược tầm soát được khuyên:

   + Nội soi đại tràng 10 năm 1 lần

   + Chụp CT bụng 5 năm 1 lần

   + Nội soi sigma 5 năm 1 lần, có hoặc không có xét nghiệm phân

   + Xét nghiệm phân mỗi năm 1 lần ( xét nghiệm máu ẩn trong phân )

   + Xét nghiệm DNA trong phân 3 năm 1 lần

- Nguy cơ cao: là những người có 1 trong các yếu tố sau:

   + Người có tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng: hoặc polyp đại tràng

   + Đã từng bị ung thư đại tràng hoặc polyp đại tràng

   + Đã từng bị bệnh viêm ruột (bệnh Crohn)

   + Tiền sử gia đình bị các bệnh hội chứng di truyền liên quan đến ung thư đại tràng: polyp tuyến di truyền, hội chứng Lynch...

   + Đã từng xạ trị vùng bụng hoặc khung chậu do ung thư trước đây

Những người có nguy cơ cao thì nên thực hiện tầm soát sớm hơn (trước 45) tuổi và thường xuyên hơn, đồng thời sử dụng phương tiện nhạy hơn hiệu quả cao hơn ( Nội soi toàn bộ đại tràng) tùy vào đối tượng cụ thể, sau đây là vài trường hợp cụ thể:

   Tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng:

   Người có một thành viên trong mối quan hệ cấp 1 bị bệnh (như ba mẹ, anh, chị, em ruột bị ung thư đại tràng hoặc là polyps tuyến ở độ tuổi trẻ (trước 60 tuổi); hoặc  2 thành viên trong mối quan hệ cấp 1 bị bệnh và được chẩn đoán ở bất kỳ độ tuổi nào, nên bắt đầu tầm soát ung thư đại tràng sớm hơn. Nên bắt đầu khi 40 tuổi, hoặc trước 10 tuổi so với tuổi của người bệnh trong gia đình họ. Phương pháp tầm soát: Nội soi đại tràng 5 năm 1 lần.

   Người có một thành viên trong mối quan hệ cấp 1 bị bệnh (ung thư đại tràng hoặc polyp tuyến) được chẩn đoán từ 60 tuổi trở lên; hoặc 2 thành viên trở lên trong mối quan hệ cấp 2 (như ông bà, chú, dì...) bị bệnh (ung thư đại tràng hoặc polyp tuyến), nên bắt đầu nội soi đại tràng khi 40 tuổi, sau đó tầm soát giống như đối tượng có nguy cơ trung bình.

   Người có một thành viên trong mối quan hệ cấp 2 (ông bà, chú, bác) hoặc quan hệ cấp 3 (ông cố, hoặc cháu ruột) bị bệnh (ung thư đại tràng hoặc polyp tuyến) thì được tính có nguy cơ trung bình.

   Những người đã biết có bệnh ung thư đại tràng liên quan đến gen trong gia đình mình như: bệnh đa polyps tuyến gia đình hoặc ung thư đại tràng không do di truyền (HNPCC). Những đối tượng này cần tầm soát tích cực và sâu hơn tùy vào từng trường hợp.

   Bệnh viêm ruột – Những người bị viêm loét đại tràng (bệnh Crohn) làm tăng nguy cơ ung thư. Tầm soát là phương phát tốt nhất và phụ thuộc vào mức độ tổn thương của đại tràng và thời gian bị bệnh.

TÓM LẠI:

   Ung thư đại tràng là bệnh phổ biến, chiếm tỉ lệ cao ở việt nam và trên thế giới, việc tầm soát và phát hiện sớm có vai trò vô cùng quan trọng giúp điều trị hiệu quả và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh từ đó giảm gánh nặng về tâm lý, kinh tế và xã hội.

   Các phương pháp tầm soát đã được trình bày ở trên. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của chúng tôi phương pháp "Nội soi đại tràng" có nhiều ưu điểm vượt trội. Ngoài việc phát hiện được tổn thương dù rất nhỏ mà các phương pháp khác không phát hiện được, nội soi đại tràng còn xử lí được tổn thương ngay tại thời điểm nội soi (tùy thuộc vào loại và kích thước tổn thương).

   Hiện nay tại bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức với trang thiết bị đầy đủ và hiện đại, đã và đang triển khai nhiều gói tầm soát ung thư, trong đó có ung thư đại trực tràng. Đây là một trong những gói tầm soát được rất nhiều người bệnh quan tâm đăng ký.

*** Mọi thắc mắc xin liên hệ:

Khoa Ngoại Tổng Hợp - Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức

Địa chỉ: 64 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh

Số điện thoại: 02839682601

Hotline tư vấn: 0355937121 - BS Quân

*** Tài liệu tham khảo:

1. Hội ung thư Hoa Kỳ

2. Upto date

3. NCCN: Hướng dẫn tầm soát ung thư đại tràng

BS Trần Hồng Quân - Khoa Ngoại Tổng Hợp

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức