Theo dõi đường huyết tại nhà

Bởi supadmin -21-11-2023

1. Tầm quan trọng của việc tự theo dõi đường huyết tại nhà

       Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính không lây, điều trị suốt đời, vì vậy việc theo dõi điều trị là việc mà mỗi bệnh nhân cùng với chuyên gia chăm sóc sức khỏe cần phải thực hiện liên tục, trong đó có việc theo dõi đường huyết tại nhà.

● Nhắc lại chẩn đoán đái tháo đường:

      Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường dựa vào 1 trong 4 tiêu chí sau đây:

      a) Glucose huyết tương lúc đói ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L) hoặc:

      b) Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp với 75g glucose bằng đường uống ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L)

      c) HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol). Xét nghiệm HbA1c phải được thực hiện bằng phương pháp đã chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

      d) BN có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc của cơn tăng glucose huyết cấp kèm mức glucose huyết tương bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).

      Chẩn đoán xác định nếu có 2 kết quả trên ngưỡng chẩn đoán trong cùng 1 mẫu máu xét nghiệm hoặc ở 2 thời điểm khác nhau đối với tiêu chí a, b, hoặc c; riêng tiêu chí d: chỉ cần một lần xét nghiệm duy nhất.

● Tự theo dõi đường huyết là gì?

      Tự theo dõi đường huyết là cách chúng ta sử dụng máy đo đường huyết tại nhà để kiểm tra và theo dõi nồng độ đường trong máu. Việc kiểm tra đường huyết thường xuyên giúp cải thiện việc kiểm soát bệnh đái tháo đường tốt hơn. Ngày nay, việc theo dõi đường huyết đã trở nên nhanh chóng và tiện lợi hơn.

      Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả bệnh nhân mắc đái tháo đường đang điều trị với insulin cần phải kiểm tra đường huyết thường xuyên. Đối với bệnh nhân không điều trị với insulin, kiểm tra đường huyết giúp ích rất nhiều trong việc quyết định phương pháp điều trị (vd: điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống, thay đổi cường độ vận động thể dục thể thao, quản lý cách chăm sóc cơ thể,... ) và liều lượng thuốc cần được sử dụng.

● Mục đích của việc tự theo dõi đường huyết tại nhà:

      Tạo lập, phát triển hồ sơ quản lý đường huyết cá nhân một cách thuận lợi, giúp chuyên gia chăm sóc sức khỏe thiết lập một kế hoạch điều trị đái tháo đường hợp lý cho mỗi bệnh nhân.

      Hỗ trợ bệnh nhân và gia đình của họ chọn lựa những phương án phù hợp trong việc điều trị đái tháo đường hằng ngày, từ việc điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện hay việc sử dụng insulin và các loại thuốc khác. Khi bệnh nhân tự theo dõi chỉ số đường huyết của bản thân, bệnh nhân cùng với người thân sẽ có một kế hoạch điều chỉnh lối sống phù hợp để đạt được mục tiêu kiểm soát đường huyết

      Giúp người bệnh nâng cao nhận biết về hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết nghiêm trọng. Với những triệu chứng gợi ý của tăng hay hạ đường huyết, khi có máy đo đường huyết trong tay, bệnh nhân sẽ biết chính xác chỉ số đường huyết hiện tại, phát hiện sớm biến chứng của tăng hoặc hạ đường huyết để điều trị kịp thời.

      Tăng cường giáo dục cho bệnh nhân về tầm ảnh hưởng của lối sống và việc dùng thuốc tác động lên việc kiểm soát đường huyết.

      Khi chúng ta theo dõi đường huyết thường xuyên, không chỉ giúp chúng ta biết được chỉ số đường huyết cao, thấp hay ổn định, mà còn cho thấy được hiệu quả của phương pháp điều trị đái tháo đường hiện tại của bản thân, ảnh hưởng của thực phẩm, vận động thể dục, bệnh tật, stress lên chỉ số đường huyết. Cơ thể chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái và tràn đầy năng lượng hơn khi đường huyết ở mức ổn định hoặc gần về bình thường, giảm thiểu những nguy cơ tiến triển biến chứng bệnh đái tháo đường về sau.

2. Khi nào chúng ta cần phải kiểm tra đường huyết?

      Dưới đây là một số gợi ý về thời điểm kiểm tra đường huyết, bạn có thể trao đổi với chuyên gia để quyết định cần kiểm tra lúc nào và bao nhiêu lần trong ngày.

      Ngoài ra, có một số tình huống khác nên thử đường huyết như:

  • Nghi ngờ có hạ đường huyết: một số dấu hiệu nhận biết như đói bụng nhiều, mệt mỏi, bồn chồn, run rẩy, đổ mồ hôi, hoa mắt… đặc biệt từ lúc 2 giờ đến 3 giờ sáng cần đo đường huyết khi có các dấu hiệu trên để xử trí và báo lại cho bác sĩ khi đến tái khám.
  • Khi đi dự tiệc, uống rượu bia, đi du lịch, thử các món ăn lạ.
  • Trước khi thực hiện các hoạt động có cường độ tập trung cao như lái xe,…
  • Khi bị bệnh.
  • Khi mang thai.

3. Cách sử dụng máy đo đường huyết tại nhà

      Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ, rửa tay thật sạch bằng xà phòng, lau khô bằng khăn sạch.

      Bước 2: Lắp kim vào bút bấm, điều chỉnh mức phù hợp. Lấy gòn sạch lấy que thử trong lọ đựng gắn vào máy đọc đường huyết, chú ý đặt đúng đầu que thử vào máy.

      Bước 3: Xoa, nặn ngón tay chuẩn bị lấy máu để đưa máu dồn vào đầu ngón. Dùng bút có kim đã chuẩn bị sẵn bấm máu vào đầu ngón tay.

      Bước 4: Đưa đầu que thử chấm máu, đảm bảo đủ lượng máu để đọc, lưu ý không để vùng da vừa đo chạm vào bất cứ vật gì. Sau đó, dùng gạc bông để cầm máu đến khi ngừng chảy.

      Bước 5: Đợi từ 5 đến 10 giây để hiện kết quả trên máy đọc, ghi nhận kết quả đọc được. Sau đó bao bọc kỹ kim, que thử, gòn,… để vứt bỏ không sử dụng lại.

Hình 1: Các bước sử dụng máy do đường huyết tại nhà (nguồn ảnh: freepik.com)

4. Ghi nhận kết quả kiểm tra và đặt mục tiêu kiểm soát đường huyết

      Mức đường huyết khuyến cáo để chúng ta cần đạt tới:

  • Đường huyết đói lúc sáng: 80-130 mg/dl
  • Đường huyết sau ăn 2 giờ: <180 mg/dl
  • Trước khi đi ngủ: 100 – 150 mg/dl
  • Lúc 2-3h sáng: 100 – 120 mg/dl
  • Hạ đường huyết: <70 mg/dl
  • Tăng đường huyết: >180 mg/dl

      Công thức chuyển đổi đơn vị từ mg/dl sang mmol/l: lấy số ở đơn vị mg/dl chia cho 18 để ra số ở đơn vị mmol/l

      Sau mỗi lần kiểm tra đường huyết, chúng ta cần ghi nhận vào trong một cuốn sổ để theo dõi, cùng bàn bạc với bác sĩ vào lần đi tái khám để thay đổi chỉnh sửa lối sống, liều thuốc, và thời gian đo đường huyết cần thiết.

      Theo dõi đường huyết liên tục

      Theo dõi đường huyết liên tục (CGM) bằng công cụ đo đường huyết bằng thiết bị cảm biến đặt liên tục trên da, là phương pháp kiểm soát đường huyết cho chúng ta tự theo dõi được chỉ số đường huyết dao động trong ngày, xu hướng tăng giảm của đường huyết tại các thời điểm, để cùng với bác sĩ đưa ra những quyết định duy trì hoặc thay đổi cách chăm sóc, quản lý bệnh đái tháo đường ở mỗi cá nhân hiệu quả hơn.

      Có 3 loại thiết bị CGM chính:

  • Real-time CGM (rtCGM): đo và hiển thị chỉ số đuờng huyết liên tục
  • CGM quét gián đoạn (isCGM): đo đường huyết liên tục nhưng kết quả chỉ hiển thị khi quét cảm biến bằng đầu đọc hoặc điện thoại thông minh
  • CGM chuyên nghiệp: được sở hữu bởi phòng khám, được cấp cho bệnh nhân đeo trong quãng thời gian nhất định (7-14 ngày), dữ liệu sẽ cho chuyên gia có thể đánh giá đặc điểm và xu hướng của đường huyết

      Việc theo dõi đường huyết liên tục có lợi ích to lớn đối với bệnh nhân đang sử dụng insulin tiêm nhiều mũi trong ngày, nhằm mục đích giảm hoặc duy trì mức HbA1c mục tiêu và phòng tránh hạ đường huyết trên bệnh nhân. Ngoài ra bệnh nhân điều trị bằng phương pháp khác cũng có thể sử dụng để đánh giá và điều chỉnh tình trạng tăng hoặc hạ đường huyết của bản thân.

Hình 3: Cách sử dụng thiết bị theo dõi đường huyết liên tục (nguồn ảnh: https://glucerna.com.vn/freestyle-libre)

Tài liệu tham khảo:

  1. American Diabetes Association. (2002). Patient Information: Self-Monitoring of Blood Glucose. Clinical Diabetes.
  2. Ths.Bs. Vũ Thành Đô. Cách sử dụng máy đo đường huyết và hướng dẫn chuẩn xác nhất. https://youmed.vn/tin-tuc/cach-su-dung-may-do-duong-huyet/
  3. freepik.com. (n.d.). Diabetes blood test with flat design.

https://www.freepik.com/free-vector/diabetes-blood-test-with-flat-design_2621084.htm#query=diabetes%20testing%20steps&position=6&from_view=search&track=ais#position=6&query=diabetes%20testing%20steps

  • Novo Nordisk. (n.d.). Checking your blood sugar.  https://www.novomedlink.com/content/dam/novonordisk/novomedlink/new/diabetes/patient/disease/library/documents/checking-your-blood-sugar.pdf
  • American Diabetes Association. (2022). Standards of Medical Care in Diabetes.
  • Abbott. Hướng dẫn nhanh cho người mới sử dụng. https://glucerna.com.vn/freestyle-libre 

BS. Nguyễn Ngọc Ân - Khoa Nội tiết

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức